‘Điểm tên’ những khó khăn kinh tế thế giới
31/10/2016 09:20:14
Kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2016 tiếp tục phục hồi chậm, do tốc độ tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển, giá hàng hóa nguyên liệu vẫn ở mức thấp, thương mại toàn cầu yếu và dòng vốn giảm.

Tin liên quan

Theo báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố tháng 10/2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo GDP toàn cầu năm 2016 và năm 2017 lần lượt là 3,1% và 3,4%, nhưng điều chỉnh giảm dự báo GDP năm 2016 tại các nước phát triển xuống1,6% và tăng dự báo GDP năm 2016 tại các nước đang phát triển và mới nổi lên 4,2%.

Tình hình kinh tế Mỹ trong 10 tháng đầu năm tiếp tục ổn định, nhưng mức độ tăng trưởng chậm, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2016 và 2017 lần lượt đạt 1,6% và 2,2%. Trong năm tài khóa 2016 (kết thúc vào ngày 30/9/2016), thâm hụt ngân sách của Mỹ lần đầu tiên tăng trở lại kể từ năm 2011, đạt 587 tỷ USD, tăng 34% so với tài khóa 2015, do tổng thu ngân sách của chính phủ chỉ tăng 18 tỷ USD (dưới 1%) so với tài khóa 2015 trong khi chi tiêu chính phủ tăng 166 tỷ USD (5%).

IMF cũng dự báo tăng trưởng năm 2016 của Eurozone sẽ đạt 1,7 % thay vì mức 1,6% đưa ra trước đó (tháng 7/2016). Kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với khó khăn do xuất khẩu yếu, chi tiêu tiêu dùng giảm sút và đồng yen lên giá.

Thương mại thế giới tăng trưởng chậm do kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, nhu cầu tiêu dùng giảm, nhất là tại Trung Quốc, Brazil, Nhật Bản... Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 27/9/2016 đã hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại thế giới trong năm nay, cụ thể giảm 1,1% từ mức 2,8% đưa ra trong dự báo hồi tháng 4 vừa qua xuống 1,7%, là năm thứ 5 liên tiếp ở mức dưới 3%.

Giá cả hàng hoá thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong báo cáo định kỳ về triển vọng hàng hóa được công bố ngày 12/10/2016, Ngân hàng Thế giới nâng dự báo giá dầu trung bình cả năm 2016 lên 43 USD/thùng, tăng so với con số dự báo 41 USD/thùng trước đó do thoả thuận đóng băng sản lượng của OPEC vào cuối tháng 9.

Tình hình tài chính tiền tệ trong 10 tháng đầu năm có nhiều biến động. Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất (hiện mức lãi suất của Mỹ vẫn dừng lại ở biên độ 0,25-0,5%) và phát đi tín hiệu sẽ tăng lãi suất vào cuối năm 2016.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế đều có chung nhận định kinh tế thế giới trong thời gian tới tiếp tục phục hồi nhưng chậm.

Phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro bởi diễn biến khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường dầu thô, thị trường chứng khoán và giá cả các mặt hàng chiến lược diễn biến phức tạp; tình hình bất ổn chính trị, khủng bố, khủng hoảng người nhập cư, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gia tăng tại một số khu vực…

Theo Báo Chính phủ  

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến