Tuy nhiên, con đường trở thành “con hổ châu Á” sẽ không bằng phẳng, đòi hỏi sự nỗ lực và dám chấp nhận thay đổi trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển động nhanh trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Việt Nam thiếu nhà cung cấp trong nước có chất lượng tốt. Hiện chỉ có 9% DN trong nước có chứng chỉ quốc tế về chất lượng
Cần sự dẫn dắt của Chính phủ
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 với chủ đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng bền vững”, do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức trong hai ngày 16 và 17/1, các chuyên gia đã đi sâu phân tích các giải pháp hướng tới tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cho Việt Nam.
Theo đánh giá, năm 2018, kinh tế Việt Nam có một năm thành công khi lần đầu tiên kể từ năm 2008 tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, và vượt qua mọi con số dự báo trước đó. Những kỷ lục mới được thiết lập như XK đạt gần 245 tỷ USD, vượt xa mức kỷ lục 214 tỷ USD của năm 2017; xuất siêu xác lập kỷ lục mới với 6,89 tỷ USD. Trong năm 2018, tỷ lệ giải ngân tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,1% với kỷ lục mới về số vốn giải ngân đạt 19,1 tỷ USD…
Tại diễn đàn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự đã trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam”.
Để thúc đấy kinh tế phát triển nhanh, một trong những vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay là việc xây dựng nền kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động lớn tới sự phát triển của các quốc gia trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số giúp tăng trưởng, tăng năng suất lao động, đồng thời cũng giúp tăng trưởng bền vững, bao trùm. Công nghệ số cũng cho chúng ta những giải pháp giải quyết những vấn đề nan giải của loài người bấy lâu nay như: Ô nhiễm môi trường, giảm khoảng cách thành thị - nông thôn, đo lường sự tham gia của chính sách… Trong khi đó, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra nhiều cơ hội hơn cho tất cả mọi người.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ sử dụng công nghệ số cao trên thế giới và có khả năng thích ứng nhanh, đây là cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này cần phải có sự dẫn dắt của Chính phủ, phải có chiến lược quốc gia về kinh tế số và chuyển đổi số. “Cách nhanh nhất để đẩy mạnh công nghệ số là đẩy mạnh kinh tế số. Điều này sẽ thay đổi cách chúng ta đang sản xuất, làm việc. Đơn cử, dùng camera sẽ giảm nhân lực bảo vệ, tự động tưới cây khi đất khô hay dùng văn bản điện tử thay vì giấy tờ - đó chính là kinh tế số. Công nghệ sinh ra để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề ở đó có công nghệ, có giải pháp. Phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đề cập tới những thách thức cho phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu vấn đề: Công nghệ số sinh ra mô hình kinh doanh mới, thách thức mô hình kinh doanh truyền thống, như Uber thách thức taxi… Điều quan trọng là Chính phủ có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không, nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng sẽ không có giá trị nhiều.
Liên quan vấn đề trên, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất chính là tốc độ. “Năm 2019 Chính phủ có sẵn sàng đập bỏ tình trạng cát cứ về dữ liệu hay không, vì nếu không có dữ liệu thì sẽ không có trí tuệ nhân tạo”, ông Trương Gia Bình đặt vấn đề.
DN tư nhân mong được ứng xử bình đẳng, công bằng
Tại diễn đàn, vấn đề củng cố nền tảng kinh tế tư nhân, một động lực cho tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đang gặp nhiều rào cản để phát triển được các chuyên gia, DN rất quan tâm.
Một lo ngại được ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhắc tới chính là trong khi thu hút FDI của Việt Nam rất tốt, khu vực FDI phát triển nhưng tỷ trọng giá trị nội địa của Việt Nam hiện đã giảm theo thời gian. Giai đoạn 2010 - 2016 giá trị nội địa trong hàng XK có độ tinh xảo cao tại Việt Nam cũng giảm. “Nguyên nhân của tình trạng này là do Việt Nam thiếu nhà cung cấp trong nước có chất lượng tốt. Hiện chỉ có 9% DN trong nước có chứng chỉ quốc tế về chất lượng”, ông Ousmane Dione nói. Theo đó, trong 6 khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam cần có những hỗ trợ vượt khỏi những chương trình kế hoạch để tháo gỡ khó khăn của DN trong nước, kết nối với DN FDI để giúp các DN trong nước trở thành những nhà cung ứng chất lượng.
Dưới góc độ DN, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air cho rằng, Thủ tướng đã khẳng định, những gì tư nhân làm tốt thì cần tạo điều kiện cho tư nhân làm. Vì thế, Chính phủ cần có chính sách tốt, cơ chế tốt để khai thác nguồn lực từ khu vực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng hàng không, sân bay, tận dụng tốt thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động của toàn xã hội.
Theo bà Thảo, hiện nay toàn bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ cung ứng như nhà ga, sân bay… đều hoàn toàn phụ thuộc vào độc quyền của Nhà nước. “Chúng tôi vẫn nói đùa, DN tư nhân không có “tấc đất cắm dùi” liên quan hạ tầng sân bay, dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực có thể đầu tư hiệu quả”, bà Thảo nói. Đồng thời, nhắc lại việc vừa qua hai hãng hàng không đều gặp sự cố hàng không như nhau nhưng giữa DN tư nhân và DN nhà nước lại nhận được những phản ứng khác nhau, đại diện DN này kiến nghị DN tư nhân mong được ứng xử bình đẳng, công bằng để hướng tới xây dựng tập đoàn tư nhân đầu tàu mang thương hiệu quốc gia của Việt Nam như Samsung của Hàn Quốc… Tốc độ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, ngân hàng cần nhanh hơn để hạn chế ảnh hưởng tới tài chính vĩ mô, giảm triển vọng tăng trưởng quốc gia, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường; trong một hội nghị gần đây, tôi gọi đó là nguyên tắc 3 trong 1 của sự phát triển. Hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Thủ tướng cho biết, năm 2019 và các năm tiếp theo sẽ tập trung thực hiện 6 giải pháp để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến chuẩn mực cạnh tranh, minh bạch và công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí cho DN.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hoà giữa kinh tế - xã hội và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển đồng đều hơn giữa các vùng miền.
Theo báo Hải Quan
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy