Dòng sự kiện:
Kinh tế internet Việt Nam chiếm 4% GDP
18/01/2019 16:02:18
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các chuyên gia quản lý, kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019. 

Chiều ngày 17/1, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế - xã hội và môi trường, tôi gọi đó là nguyên tắc 3 trong 1 của sự phát triển”. 

Thủ tướng cũng khẳng định: Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.  

“Việt Nam được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua. Riêng trong năm 2018, trên 130 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại”, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định, Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng.

Thủ tướng tin tưởng, trước bối cảnh tăng trưởng thương mại dù có phần chậm lại, Việt Nam vẫn luôn được đánh giá có môi trường chính trị, xã hội ổn định, cùng với nền tảng vĩ mô được củng cố vững chắc. Hãng đánh giá tín dụng Moody’s đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ B1 lên Ba3, với triển vọng thay đổi từ ổn định sang tích cực. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra xu hướng lớn từ cuộc cách mạng 4.0 cùng với nền kinh tế số, mở ra cơ hội đuổi kịp cho các nước đang phát triển. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy chính của nền kinh tế số. Đây là cơ sở để Việt Nam tự tin về khả năng chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số. 

Cụ thể, hiện tại có 70% thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G, 72% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh, 68% người Việt xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động. Tỉ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người, số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua smartphone chiếm 72% tỉ lệ mua hàng online qua điện thoại chiếm 53%. 

Cùng với đó, một báo cáo của Google và Temasek gần đây về triển vọng các nền kinh tế số ASEAN cho thấy, năm 2018 nền kinh tế internet của Việt Nam có quy mô khoảng 9 tỉ USD, đạt mức tăng trưởng 35%/năm giai đoạn 2015-2018, chiếm 4% GDP, cao nhất trong số các nền kinh tế ASEAN. 

Có thể nói, nền kinh tế internet Việt Nam đang bùng nổ. Dự báo đến năm 2025, giá trị thương mại gộp của nền kinh tế internet Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 33 tỉ USD.

Theo Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến