Trục đường Tôn Đức Thắng có khu vực bến cảng và công viên dài chạy dọc ven sông Sài Gòn, rất thích hợp xây dựng địa điểm tập trung vui chơi, giải trí, hóng mát của người dân thành phố và du khách, giúp tăng thêm sản phẩm đường sông. Những cầu tàu được đầu tư sẽ trở thành điểm nhấn cho tuyến sông Sài Gòn.
Ông Trần Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, cho biết tất cả các khu vực dọc sông, kênh rạch ở TPHCM đều đã được phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch 1/2.000, có quy định về hành lang bảo vệ kênh, sông rạch.
Theo các quy hoạch này, chức năng của các khu vực ven sông, trong hành lang an toàn chủ yếu là cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Ven các dòng sông, kênh rạch của TPHCM còn có đồ án quy hoạch du lịch đường thủy, giao thông đường thủy...
Tuy nhiên, theo ông Nhã, những đồ án quy hoạch trên thiếu kết nối giữa các khu vực ven sông, phần lớn các dự án có quy hoạch 1/500 ven sông, kênh thiếu đồng bộ, chất lượng hạn chế, chưa có giải pháp khai thác cảnh quan ven sông...
Dòng sông Sài Gòn và hệ thống kênh, rạch dày đặc ở TPHCM là một cơ thể nước rất sống động. Nếu xây dựng được một TP gắn với môi trường sông nước này thì chúng ta sẽ có một TPHCM có giá trị rất lớn về cảnh quan, môi trường sinh thái mà hiếm nơi nào có được.
Ngay khu trung tâm TPHCM, dọc bờ sông Sài Gòn, trải dài từ cầu Sài Gòn qua đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thành), đến hết đường Tôn Đức Thắng (quận 2), giá nhà đất đều ở mức trên 1 tỷ đồng/m2, cò những căn biệt thự giáp bờ sông giá bán đến hơn 100 tỷ đồng/căn.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho hay TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh đề án phát triển bờ kè sông, kênh rạch trên địa bàn. Bên cạnh đó sẽ xây dựng khung pháp lý phát triển và quy chế quản lý thống nhất đồng bộ, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, vai trò của người dân và doanh nghiệp, có chế tài đủ mạnh.
Đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới bờ kè, kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm như rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát... Có nhiều cơ chế để huy động nguồn lực xây dựng một số vùng đệm để bảo vệ bờ kè, khai thác quỹ đất.
"TP.HCM đang phát triển nhanh, nhưng phải hướng tới đô thị sông nước. Mọi hoạt động đầu tư xây dựng, quy hoạch phát triển hạ tầng xã hội đều phải hướng đến đô thị sông nước. Chứ để nhà cao tầng từ mép bờ sông đến trong là không thành công. Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng và giữ gìn bờ sông ấy để người dân cùng hưởng và dành cho tương lai", ông Hoan nhấn mạnh.
Một nhánh lớn của sông Sài Gòn, tạo nên Bến Vân Đồn hiện đại với hàng loạt dự án nhà ở cao cấp.
TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch hành động phát triển TP định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có quy hoạch kè bờ sông và sử dụng quỹ đất ven sông.
Theo UBND TPHCM, sông, kênh là nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt. Do đó, TPHCM phải có quy hoạch sử dụng sông nước gắn với quy hoạch xây dựng kè và sử dụng đất ven sông. Khi xây dựng kè sông, đất ven sông sẽ đẹp hơn, giá đất tăng lên, trở thành nguồn tài chính để TPHCM tái đầu tư xây dựng.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, có hai đồ án quy hoạch chính sẽ định hình nên diện mạo khu vực trung tâm TPHCM nằm dọc theo sông Sài Gòn. Đó là, đồ án quy hoạch xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm (bờ Đông) và đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930ha - bao gồm một phần quận Bình Thạnh, một phần quận 4 và toàn bộ quận 1, quận 3 (bờ Tây).
Đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng của TP.HCM rộng 930ha được công bố giữa năm 2013 xác định, dải bờ Tây sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận rộng 275ha là khu vực phát triển mới đa năng. Chạy dọc suốt bờ sông sẽ hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và công viên công cộng.
Hiện nay diện mạo hai bờ sông Sài Gòn đang được thay đổi nhanh một cách không ngờ. Theo quy hoạch, bên cạnh khu dân cư cao cấp, hai bên bờ sông Sài Gòn còn có khu thương mại, văn phòng làm việc, khách sạn 5 sao, các tổ hợp giải trí hiện đại… với mật độ xây dựng chung của khu đô thị khoảng 35%, số tầng được xây dựng tối đa là 55 tầng (tương đương chiều cao 220m); tổ chức không gian kiến trúc theo hướng thấp dần về phía bờ sông Sài Gòn.
Theo quan sát, nếu tính từ cầu Sài Gòn (phía quận Bình Thạnh) kéo dài dọc 2 bờ sông Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (quận 4), hiện có đến 50 tòa cao ốc đã và đang thi công. Bên cạnh những đại đô thị đã đi vào sử dụng như Vinhomes Central Park, khu đô thị Sala...hàng loạt dự án lớn đang chuẩn bị triển khai có thể kể đến như Dự án Khu công viên Bến Bạch Đằng, Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội quy mô 31,5ha, khu cảng Ba Son…
Dự án Empire City 88 tầng đang được xây dựng tại Thủ Thiêm.
Khu đô thị Vạn Phúc City đang thi công giai đoạn 2 với hàng trăm căn biệt thự và khu căn hộ cao cấp.
Khu đô thị Sala của công ty Đại Quang Minh bên bờ sông Sài Gòn, quận 2.
Đặc biệt, một trong những siêu đô thị lớn bậc nhất dọc hai bờ sông Sài Gòn phải kể đến Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị (có tên thương mại là Saigon Peninsula). Vị trí nằm tại phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM, giáp với rạch Bà Bướm và sông Sài Gòn trên đường Đào Trí, khu vực này còn được gọi là khu Mũi Đèn Đỏ. Toàn bộ diện tích lập quy hoạch dự án khoảng 117ha, trong đó có khu công viên hỗn hợp đa chức năng khoảng 82ha và khu đô thị nhà ở khoảng 35ha gồm khu nghỉ dưỡng, trung tâm tài chính, khách sạn, vui chơi giải trí đẳng cấp nhất Sài Gòn. Tổng mức đầu tư ước khoảng 6 tỷ USD.
Ngoài những dự án lớn đã và đang chuẩn bị được xây dựng, hai bờ sông Sài Gòn đang trỗi dậy với những dự án quy mô lớn đang được cấp tập đầu tư xây dựng. Có thể kể đến như Khu căn hộ Saigon Pearl gồm 10 cao ốc, dự án Water Bay 12 tòa hay một dự án 8 tòa được xây dựng theo xu hướng Resort 4.0…Đặc biệt hiện nay phía Nam Sài Gòn khu vực dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn quận 7 đang phát triển vô cùng sôi động với hàng loạt dự án của những chủ đầu tư lớn trên thị trường.
Một dự án cao tầng nằm ngay bờ sông phía quận 12
Khu đất rộng hàng chục hecta sẽ được đầu tư dự án 6 tỷ đô của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Những năm gần đây được xem là năm lên ngôi của bất động sản cao cấp ven sông khi hai bờ sông Sài Gòn rầm rộ mọc lên các dự án quy mô lớn. Nếu ở bờ Đông sông Sài Gòn, các dự án thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm nhanh chóng thay thế các mảng dừa nước, lau sậy hoang sơ thì ở bờ Tây sông đang hình thành nhiều dự án đình đám của những ông lớn BĐS...
Dọc 2 bên sông Sài Gòn là hàng loạt siêu dự án lớn với vốn đầu tư hàng tỷ USD, trong đó có những dự án được mong chờ là biểu tượng của TPHCM trong tương lai.
Nhiều dự án căn hộ cao cấp bắt đầu hình thành dọc bờ sông phía quận 7
Ngay dọc hai bờ sông thuộc quận Bình Thạnh và Thủ Đức, hiện nay theo quan sát đang có rất nhiều dự án nhà ở hối hả xây dựng. Trong số này phải kể đến tổ hợp Vạn Phúc City của tập đoàn Đại Phúc rộng hàng trăm hecta, sở hữu một phần đất rộng gần bằng bán đảo Thủ Thiêm. Đối diện với Vạn Phúc City là bán đảo Thanh Đa - nơi đang được xem là mảnh đất "kim cương" của rất nhiều nhà đầu tư.
Hơn 4km2 bán đảo nằm giữa lòng sông Sài Gòn đến nay vẫn là bãi đất mênh mông, khâu giải phóng mặt bằng dậm chân tại chỗ, trái ngược với loạt toà nhà cao tầng, biệt thự sang trọng bên khu Thảo Điền (Quận 2) chỉ cách một con sông. Ở diễn biến mới nhất, 10 doanh nghiệp đã đề nghị được tham gia đấu thầu dự án và sẵn sàng ký quỹ 3 tỷ USD. Diễn biến này làm sống lại hi vọng hồi sinh khu đất rộng nhất còn sót lại trong lòng TP.HCM.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Khu vực sẽ được xây dựng cầu Cần Giờ.
Khu vực sẽ xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 TPHCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Khu vực sẽ được xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 trong tương lại.
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2025, dọc sông Sài Gòn sẽ được TPHCM đầu tư nhiều dự án cầu quy mô lớn, giúp kết nối các vùng, khu vực của hai bờ sông với nhau. Chẳng hạn, hiện nay công ty Đại Quang Minh đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2, sắp tới TPHCM sẽ giao cho một nhà đầu tư khác thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4. Dự kiến trong năm 2020, TPHCM sẽ thực hiện đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 3. Song song đó, để nối trung tâm quận 1 với khu Thủ Thiêm (quận 2), TPHCM còn có kế hoạch đầu tư dự án cầu đi bộ.
Ngoài ra, TPHCM đang làm việc cùng các nhà đầu tư để nhanh chống đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư dự án cầu Cần Giờ, dự án cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), dự án cầu quận 9 - thuộc hợp phần đường Vành đai 3 nối quận 9 với huyện Nhơn Trạch. và dự án cầu Thanh Đa nối với quận Thủ Đức.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM sẽ có 5 cảng phải di dời ra khỏi nội thành trước năm 2020, đến nay đã có Tân cảng Sài Gòn, cảng Ba Son đã di dời đến Cát Lái, còn những cảng khác đang trong quá trình chuẩn bị di dời. Trong đó, dự kiến đến hết năm 2020, Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội sẽ di dời hoàn tất và nơi đây sẽ "mọc" lên một siêu đô thị mới dọc bờ sông Sài Gòn.
Có thể thấy, khi hàng loạt dự án khủng dọc hai bờ sông Sài Gòn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ mang lại diện mạo hoàn toàn mới cho TPHCM với những siêu đô thị tầm cỡ quốc tế, trung tâm tài chính lớn. Khi đó, trung tâm Sài Gòn sẽ không còn chỉ tập trung tại quận 1 nữa mà sẽ trải dài dọc theo hai bờ sông Sài Gòn giống như xu hướng phát triển của những thành phố có sông nổi tiếng thế giới như thủ đô Seoul (Hàn Quốc) phát triển dọc đôi bờ sông Hàn, London (Anh) với sông Thames hay Paris với dòng sông Venice ở Pháp.
Theo Trí thức trẻ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy