Dòng sự kiện:
'Diện mạo' kinh tế Việt Nam đổi thay thế nào với Hiệp định CPTPP?
04/03/2018 08:17:51
Dự kiến ngày 8/3, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức được ký kết.

Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây, dự kiến sẽ đem lại lợi ích khá cụ thể cho kinh tế Việt Nam.

GDP tăng thêm 1,32%

Theo Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương): Hiệp định CPTPP là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về kinh tế, việc tham gia Hiệp định CPTPP tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần thúc đẩy XK hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Phần quan trọng khác của Hiệp định CPTPP chính là giúp Việt Nam cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Vụ Chính sách đa biên đánh giá, đây là lợi ích mang tính lâu dài. Ngoài ra, Hiệp định CPTTP có tính mở. Khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

Nhìn nhận câu chuyện lợi ích kinh tế từ Hiệp định CPTPP ở góc độ định lượng hơn, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Nhìn chung, về tổng thể Hiệp định CPTPP có lợi cho Việt Nam, nhưng thấp hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cụ thể, do tác động của cắt giảm thuế quan, Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD (trong TPP, con số này là khoảng 6,7%). Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ (2,01%).

Xuất khẩu tăng thêm 4%

Ông Trần Toàn Thắng thông tin thêm, tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam cũng dự kiến đạt được lợi ích từ XK với tổng mức tăng thêm về kim ngạch XK khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). Tổng kim ngạch NK cũng sẽ tăng thêm ở mức 3,8-4,6% (tương đương 4,93 tỷ USD). Do tốc độ tăng XK cao hơn NK, nguy cơ thâm hụt thương mại có thể được kiềm chế theo thời gian. Việc tăng XK chủ yếu là sang các nước trong CPTPP. Điều này cho thấy, việc tham gia CPTPP có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường XK. Đối với NK, mức độ tăng thêm do CPTPP từ các nước trong khối là không lớn. Việc tăng thêm NK sẽ chủ yếu từ các nước ngoài CPTPP. Theo kết quả này, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn NK từ một số nước hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc ngay cả khi có CPTPP.

“Nhìn chung, tác động tích cực tới kinh tế của Hiệp định CPTPP so với các FTA Việt Nam đã, đang đàm phàn, ký kết không nhiều. Tuy nhiên, cân nhắc mọi yếu tố, xét tới cùng thì tham gia vẫn sẽ được lợi. Bởi nếu đứng ngoài cuộc, các nước trong CPTPP bắt tay với nhau, quan hệ thương mại thay đổi sẽ khiến quan hệ thương mại với các nước ngoài Hiệp định ít đi. Các con số nêu trên cũng chỉ mang tính tương đối, bởi các yếu tố như tác động về thể chế, môi trường kinh doanh, đột biến về năng suất… chưa được đưa vào để tính toán. Con số đạt được thực tế có thể cao hơn nhưng cũng có thể thấp hơn con số dự báo đưa ra”, ông Thắng nói.

Thách thức cải cách thể chế

Theo một số chuyên gia, ngoài những ích lợi sát sườn từ Hiệp định CPTPP, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Điển hình như cơ cấu sản xuất khó thay đổi nhanh. Hiện nay, Việt Nam vẫn chủ yếu NK nguyên phụ liệu và công nghệ cũ về để sản xuất, rồi sau đó mới XK. Các thị trường NK nổi cộm là Trung Quốc, Hàn Quốc. Điều này khiến Việt Nam khó hưởng lợi về mặt thuế suất do các nội dung trong CPTPP quy định khá rõ ràng về quy tắc nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Theo đó, muốn hưởng ưu đãi thuế suất, sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ từ các quốc gia nội khối tham gia CPTPP. Muốn đổi thay được cơ cấu XK này cần khoảng thời gian nhất định cũng như chiến lược về mặt công nghệ. Hiện tại, các DN chủ yếu vẫn nhìn ở ngắn hạn, chưa đầu tư dài hạn cho đổi thay công nghệ. Nhà nước cần tạo môi trường tốt hơn giúp DN có kỳ vọng trong dài hạn, dồn lực đầu tư sâu hơn vào công nghệ nhằm đổi thay sản xuất.

Liên quan tới vấn đề này,  PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Khó khăn nổi cộm của Việt Nam với Hiệp định CPTPP là khả năng thích ứng kém so với các tiêu chuẩn đặt ra. Điều này thể hiện qua các yếu tố như, Việt Nam có công nghệ lạc hậu hơn, khâu kiểm soát thị trường, tổ chức sản xuất… cũng chưa theo kịp các nước khác.

Một số chuyên gia khác góp ý, dù thúc đẩy cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng được xem là ích lợi lâu dài  của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP, song ở trước mắt, đây lại chính là thách thức không nhỏ. Giống như Hiệp định TPP, Hiệp định CPTPP vẫn tạo sức ép cải cách thể chế mạnh mẽ lên Việt Nam khi có những điều khoản trực tiếp yêu cầu Việt Nam phải thay đổi luật lệ, quy tắc.

Dễ thấy, trong câu chuyện cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thời gian qua, nhiều điều kiện kinh doanh cũng như các giấy phép đã được tiến hành cắt giảm liên tục. Các thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa hơn đáng kể, song dường như tất cả chưa đủ để tạo cú hích cho DN. Câu chuyện ở đây không phải là đo đếm số lượng giấy phép hay điều kiện kinh doanh được cắt giảm, mà mấu chốt là phải “đánh” vào yếu tố vận hành, yếu tố con người để đổi thay thể chế thực sự chứ không chỉ dừng ở hình thức cắt giảm đơn thuần.

Từ góc độ DN, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm: Quan trọng nhất khi tham gia Hiệp định CPTPP là Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn để trở thành nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Khi đó, DN Việt Nam sẽ thoát được những cản trở thương mại mà các nước áp đặt do chưa công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường. Với riêng ngành thủy sản, các DN không trông chờ FTA để giảm thuế suất vì thực tế các dòng thuế hiện nay đã rất thấp, thậm chí bằng 0%. Mong muốn lớn nhất của DN là sự thay đổi thể chế thực sự nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Theo Bộ Công Thương: Hiệp định CPTPP đã kết thúc toàn bộ nội dung đàm phán vào cuối tháng 1/2018. Ngày 21/2/2018, các nước đã công bố lời văn tiếng Anh của Hiệp định CPTPP. Hiện nay, các nước đang hoàn tất các thủ tục trong nước để có thể tiến hành ký kết Hiệp định vào ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile. Việt Nam đang phối hợp với các nước để hoàn thành thủ tục trong nước và tham gia ký kết theo lộ trình trên.

Nội dung chính của Hiệp định CPTPP gồm các văn kiện:

(i) Lời văn của Hiệp định CPTPP gồm Lời mở đầu và 7 điều khoản (Điều 1- Tích hợp Hiệp định TPP, Điều 2-Tạm đình chỉ thực hiện một số điều khoản, Điều 3-Hiệu lực, Điều 4-Rút khỏi Hiệp định, Điều 5-Gia nhập, Điều 6-Rà soát Hiệp định CPTPP và Điều 7-Các lời văn xác thực).

(ii) Phụ lục Danh mục một số điều khoản tạm đình chỉ thực hiện theo Hiệp định CPTPP gồm 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn áp dụng theo Hiệp định này (trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng). Ngoài ra, Phụ lục này còn điều chỉnh lại nội dung dẫn chiếu liên quan tới thời điểm có hiệu lực cho phù hợp hơn với Hiệp định CPTPP đối với bảo lưu về các biện pháp không tương thích trong dịch vụ và đầu tư của Brunei và bảo lưu về doanh nghiệp nhà nước của Malaysia.

Ngoài các nội dung chính thức trên, cũng như với Hiệp định TPP trước đây, các nước dự kiến cũng ký một số Thư trao đổi về liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mỗi nước khi Hiệp định CPTPP được ký chính thức. Sau khi được ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình để Quốc hội xem xét, thông qua và quyết định việc đưa vào thực hiện theo lộ trình được các nước tham gia CPTPP thống nhất.

Theo báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến