Dòng sự kiện:
Điện máy Trần Anh bị khai tử sau 6 năm Thế Giới Di Động thâu tóm
20/08/2024 14:00:22
Trần Anh từng là chuỗi điện máy có tiếng, cũng là nhà phân phối thiết bị tin học và điện máy lớn tại thị trường miền Bắc, đã về tay Thế Giới Di Động năm 2018.

Theo công bố thông tin bất thường ngày 19/8 của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), HĐQT đã ra nghị quyết giải thể công ty con, là CTCP Thế giới số Trần Anh, có địa chỉ tại huyện Thanh Trì – Hà Nội. Lý do giải thể Trần Anh được Thế Giới Di Động đưa ra là tái cơ cấu công ty con, nhằm tối ưu vận hành.

Như vậy, Điện máy Trần Anh chính thức bị “khai tử” sau 6 năm Thế Giới Di Động thâu tóm.

Trần Anh ra sao khi về chung nhà Thế Giới Di Động?

Thế Giới Di Động thâu tóm Điện máy Trần Anh từ cuối 2017 và hoàn tất sở hữu năm 2021. (Ảnh: TL)

CTCP Thế giới số Trần Anh tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trần Anh, thành lập từ năm 2002. CTCP Thế giới số Trần Anh là doanh nghiệp sở hữu chuỗi Điện máy Trần Anh nổi tiếng miền Bắc với 34 siêu thị có quy mô lớn, vị trí đắc địa tại Hà Nội; cũng là nhà phân phối lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy lớn bậc nhất tại thị trường phía Bắc.

Doanh thu mỗi năm của chuỗi này hàng nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu TAG của Trần Anh niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) từ năm 2010.

Đầu năm 2018, Thế Giới Di Động bất ngờ công bố mua lại Điện máy Trần Anh và trở thành đơn vị sở hữu chi phối hơn 90% đối với công ty này.

Theo công bố thời điểm đó, mọi quá trình chuyển giao và vận hành các siêu thị Trần Anh đã được đội ngũ Thế Giới Di Động thực hiện từ tháng 10/2017. Thế Giới Di Động cũng cho rằng, ở thời điểm sáp nhập, thị phần bán lẻ điện máy gộp chung của 2 công ty trên 30%. Lợi thế về quy mô cũng sẽ tăng cường khả năng mua hàng với nhà cung cấp của Điện máy Xanh và Trần Anh.

Ngoài ra, Thế Giới Di Động còn khẳng định chuỗi bán lẻ điện máy Điện máy Xanh đang rất thành công trên khắp cả nước, nhưng cần gia tăng hiện diện tại miền Bắc, đặc biệt là nội thành Hà Nội và các thành phố lớn.

Trần Anh là thương hiệu bán lẻ điện máy lớn được biết đến rộng rãi, có thể bổ sung thêm nhiều ngành hàng đa dạng và cao cấp hơn.

Điện máy Trần Anh từng là chuỗi siêu thị điện máy quy mô lớn với hơn 30 điểm bán tại thị trường miền Bắc. (Ảnh: TL)

Nhưng từ cuối năm 2018, Trần Anh chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hợp tác thông qua cho thuê mặt bằng, văn phòng, tài sản và thương hiệu. Cổ phiếu TAG của Trần Anh cũng chuyển giao dịch xuống UPCoM từ tháng 9/2018.

Đến đầu năm 2021, Thế Giới Di Động chính thức thâu tóm Trần Anh với tỷ lệ sở hữu vượt 99% vốn.

Ngày 6/1/2023, cổ phiếu TAG bị hủy giao dịch.

Thế Giới Di Động miệt mài "khai tử" mô hình kinh doanh

Trước khi “khai tử” Trần Anh, Thế Giới Di Động đã giải thể 2 công ty con, là Công ty cổ phần 4KFarm và Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín.

Việc này nằm trong chiến lược tái cấu trúc, "giảm lượng tăng chất" đối với nhiều mảng kinh doanh nhỏ lẻ.

Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024 của Thế Giới Di Động ghi nhận chuỗi Điện Máy Xanh trong 6 tháng đầu năm nay đã đóng đến 91 cửa hàng, chỉ còn 2.093 điểm bán. Đây là đợt đóng cửa hàng mạnh nhất lịch sử của chuỗi Điện Máy Xanh.

Tương tự, 25 cửa hàng điện thoại thegioididong.com cũng phải dừng hoạt động. Nhà thuốc An Khang đóng 46 điểm bán, chỉ còn 481 nhà thuốc hoạt động.

Tại cuộc gặp nhà đầu tư và cổ đông vừa tổ chức cuối tuần trước (ngày 16/8), ông Đào Thế Vinh, Thành viên HĐQT cho biết Thế Giới Di Động đã cơ bản hoàn tất việc đóng các cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh vào cuối quý 2.

Trong chiến lược tái cấu trúc, Điện máy Xanh của Thế Giới Di Động cũng liên tục đóng cửa hàng thời gian qua. (Ảnh: TL)

Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thegioididong.com cho biết tập đoàn đang tái cấu trúc chuỗi nhà thuốc An Khang, tương tự như chuỗi Bách Hóa Xanh và Điện Máy Xanh.

CEO này cho rằng số lượng nhà thuốc An Khang dự kiến giảm tiếp, xuống còn 300 vào cuối năm 2024. Như vậy, sẽ có hơn 180 nhà thuốc phải đóng cửa từ nay đến cuối năm.

Vài năm gần đây, Thế giới Di động liên tục mở rồi khai tử nhiều mô hình kinh doanh chỉ sau một thời gian kinh doanh. Gần đây nhất là đóng chuỗi Bluetronics – chuỗi điện máy ở thị trường Campuchia sau 6 năm hoạt động.

AVAFashion - chuỗi thời trang gia đình cũng đóng cửa giữa năm 2022, chỉ sau 6 tháng khai trương. Chuỗi trang sức AVAJi cũng mất hút và AvaSport thì đóng hàng chục cửa hàng.

Trang thương mại điện tử vuivui.com cũng đóng cửa năm 2018 chỉ sau 2 năm khai trương. Trang thương mại điện tử này ra đời với mục đích mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm trực tuyến thực sự an toàn, tin cậy, thuận tiện cùng giá cả cạnh tranh với gần 40.000 sản phẩm.

Một ngành hàng bị khai tử nhanh chóng của Thế Giới Di Động là mắt kính. Chỉ 9 tháng mở bán thử nghiệm, bằng cách kê thêm tủ kính mắt tại cửa hàng điện thoại thuộc chuỗi thegioididong, hướng đi này cũng kết thúc.

Chuỗi Điện thoại Siêu rẻ ra đời tháng 8/2019, bán các loại điện thoại có giá dưới 8 triệu đồng, và bán rẻ hơn giá tại chuỗi Thế giới Di động khoảng 10%, kỳ vọng thị phần từ các cửa hàng di động nhỏ và hộ gia đình. Tuy nhiên, giữa năm 2020, trang website của Điện thoại Siêu rẻ thông báo ngừng hoạt động…

Tác giả: H. Linh

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến