Dòng sự kiện:
Điện và dầu khí vẫn khó hấp dẫn nhà đầu tư
08/02/2018 09:16:02
Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia có chính sách đầu tư cởi mở nhất khu vực châu Á, tuy nhiên, nhiều dự án ngành điện và dầu khí của Việt Nam vẫn khó thu hút nhà đầu tư. Giải pháp nào tăng sức hấp dẫn cho các dự án này?

Giá bán điện thấp nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư bỏ vốn. Ảnh: Lê Minh

Khó thu xếp vốn

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bộ đặc biệt quan tâm đến công tác thu hút đầu tư vào các dự án điện, dầu khí. Tuy nhiên, những ngành này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trong thu hút đầu tư.

Dẫn chứng cụ thể ở lĩnh vực dầu khí, lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than thuộc Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua, dầu khí là ngành công nghiệp có đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Trong Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ nhấn mạnh phát triển dầu khí là ngành công nghiệp quan trọng, then chốt. Tính riêng ở lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, trong 3 năm gần đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành 2 nghị định là Nghị định số 33/2013/NĐ-CP về ban hành Hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí và Nghị định số 95/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Dầu khí, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dầu khí hoặc có liên quan đến hoạt động dầu khí. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo thuận lợi và đảm bảo minh bạch trong hoạt động đầu tư của ngành dầu khí. Tuy nhiên, do giá dầu giảm sút trong thời gian gần đây nên ngành dầu khí chưa ký được nhiều hợp đồng.

Với ngành điện, tình hình thu hút đầu tư cũng không khả quan hơn. Là một doanh nghiệp lớn, song năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu xếp vốn. Nguyên nhân được lý giải là do đầu tư đầu vào của ngành điện vẫn đang tăng, trong khi giá điện bán ra còn thấp nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư bỏ vốn.

Theo GS.TSKH. Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam thì giá điện là một trong yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư. Nếu giá hợp lý sẽ khiến nhà đầu tư hăng hái bỏ vốn xây dựng các công trình điện, còn ngược lại, khi giá điện không đủ hấp dẫn thì nhà đầu tư sẽ không mặn mà. 

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Bộ Công Thương cho biết, năm 2018, Bộ sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành điện và dầu khí.

aCụ thể, đối với ngành dầu khí, sẽ tiếp tục lựa chọn, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tìm kiếm, thăm dò năm 2018, đảm bảo gia tăng trữ lượng dầu khí trong năm từ 10 - 15 triệu tấn dầu quy đổi; ưu tiên tập trung phát triển các dự án Lô B, Cá Voi Xanh, Cá Rồng Đỏ. Bên cạnh đó, đôn đốc, làm việc với các nhà thầu dầu khí thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoàn thành kế hoạch tìm kiếm thăm dò dầu khí, kiểm soát chặt chẽ tiến độ phát triển mỏ/công trình đưa vào khai thác trong năm 2018 và sản lượng khai thác khí năm 2018 theo đúng kế hoạch đề ra; tăng cường thu hút đầu tư vào các dự án mới…

Với ngành điện sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình năng lượng tái tạo đã ban hành nhưng chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích khác.

Chia sẻ giải pháp thu hút đầu tư vào ngành điện, ông Trần Đình Long cho rằng, ngoài vấn đề về giá, cần có các chính sách khác khuyến khích đầu tư như chính sách thuế, chuyển đổi ngoại tệ… Còn đối với những dự án điện đã triển khai nhưng vẫn chậm trễ tiến độ, phải có chế tài xử lý thật nghiêm khắc các nhà thầu nào để xảy ra tình trạng này.

Theo báo Đấu thầu

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến