Dòng sự kiện:
Điều chỉnh biểu thuế có tác động gì đến doanh nghiệp xuất khẩu?
06/12/2017 19:16:02
Trước đề xuất về thay đổi biểu thuế mới đây của Bộ Tài chính, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại việc này sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các mặt hàng xuất khẩu.

Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo Nghị định Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, thuế hỗn hợp, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2018.

Biểu thuế xuất khẩu, dự thảo đề xuất sửa đổi thuế suất, mô tả hàng hóa, tiêu chí kỹ thuật của 9 nhóm mặt hàng. 

Ảnh minh họa

Vì sao Chính phủ phải sửa Biểu thuế?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 28/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 109/NQ-CP phê duyệt Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 (Danh mục AHTN 2017) trong đó quy định “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Danh mục AHTN 2017”. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 109/NQ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2017/TT-BTC về danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam với hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 (thay thế cho Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015). 

Để thống nhất trong thực hiện Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 theo cam kết trong nội khối ASEAN và thống nhất với quy định của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Chính phủ phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung danh mục biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định này.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018-2025, phần lớn các Hiệp định thương mại (FTAs) sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và đạt đến mức độ xóa bỏ thuế quan. Theo đó, nhiều nhóm mặt hàng có cam kết lộ trình giảm thuế nhanh và thấp hơn nhiều so với mức cam kết WTO cũng như mức thuế MFN hiện hành. Vì vậy, có ý kiến đề nghị phải giảm mức thuế suất MFN nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thuế suất FTAs của thành phẩm với thuế suất MFN của nguyên liệu hoặc tăng mức thuế suất MFN đối với thành phẩm để khuyến khích sản xuất trong nước.

Hơn nữa, kể từ sau ngày 1/9/2016 (ngày có hiệu lực của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP), Bộ Tài chính đã nhận được một số kiến nghị sửa đổi thuế suất thuế XK, thuế NK từ các văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của các Phó Thủ tướng Chính phủ, từ kiến nghị của một số bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan Hải quan tổng hợp từ việc đánh giá thực hiện Biểu thuế XK, biểu thuế NK trong quá trình thực hiện quản lý thu thuế XK, thuế NK.

Từ các nội dung nêu trên, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thu thuế của cơ quan Hải quan, việc ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế XK, biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan trong thời điểm cuối năm 2017 là cần thiết.

Kể từ ngày 1/1/2018, Nghị định mới cùng với Biểu thuế suất ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực cho giai đoạn 2018 - 2022, thay thế cho Nghị định 131/2016/NĐ-CP. 

Biểu thuế mới có gì tác động đối với doanh nghiệp nhập khẩu?

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, nguyên tắc xây dựng biểu thuế là bám sát cam kết tại Hiệp định nên về cơ bản thuế suất không thay đổi so với lộ trình đã cam kết. Tuy nhiên, do tác động của việc nhập dòng thuế và việc tuân thủ quy tắc không làm xói mòn cam kết thuế của Hiệp định, một số dòng thuế sau khi nhập dòng có mức thuế suất thấp hơn so với Nghị định 131/2016/NĐ-CP, đồng thời phương án xử lý thuế đối với các dòng gộp khác thuế suất theo AHTN 2017 đòi hỏi chi tiết hoá thêm một số dòng thuế ở cấp độ trên 8 số để bảo lưu cam kết gốc của Việt Nam tại các Hiệp định. 

“Về cơ bản, phần lớn các mã hàng trong Biểu thuế không thay đổi so với Biểu thuế theo Nghị định số 131/2016/NĐ-CP hiện hành. Như vậy, việc ban hành Nghị định cơ bản không phát sinh tác động đến việc thực thi các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA đồng thời đảm bảo tính ổn định của biểu thuế ưu đãi đặc biệt.

Danh mục AHTN 2017 cấu trúc lại một số nhóm hàng, phân nhóm hàng, chi tiết thêm một số dòng hàng mới, những thay đổi này mục đích là để phù hợp với sự phát triển công nghệ và trao đổi thương mại quốc tế, thực hiện các cam kết theo các công ước, hiệp ước nhằm bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh thế giới, kiểm soát hóa chất, vũ khí độc hại…về cơ bản những thay đổi này không ảnh hưởng đến chính sách quản lý thuế hiện hành”., ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, đối với các mặt hàng mới và dòng hàng bị gộp từ nhiều dòng thuế có sự khác biệt về thuế suất và lộ trình cam kết cắt giảm thuế quan, Bộ Tài chính đã rà soát các cam kết gốc và thực hiện theo nguyên tắc chuyển đổi trong quá trình xây dựng Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt VKFTA giai đoạn 2018 – 2022 theo Danh mục AHTN 2017 để đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến thu ngân sách, không tác động đến các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, chính sách quản lý mặt hàng và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu.

Một số nhóm hàng chính có sự thay đổi thuế suất khi chuyển đổi Biểu thuế VKFTA theo AHTN 2017 bao gồm: cồn, sơn và véc ni công nghiệp, băng dính công nghiệp, lốp cao su, giấy, thép, màn hình và máy chiếu, mạch điện tử tích hợp, ô tô các loại, tàu thuyền đánh bắt chế biến thủy sản, nhà lắp ghép và chân đế các loại....

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định VKFTA, mức thuế suất bình quân dự kiến cắt giảm từng năm cho giai đoạn 2018 – 2022 tính trên tổng biểu thuế hiện hành là: 4,47% trong năm 2018, 4,43% trong năm 2019, 4,40% trong năm 2020, 3,81% trong năm 2021) và 3,79% trong năm 2022.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến