Tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng trên thị trường thế giới thời gian qua đã tác động mạnh tới thị trường trong nước, khi Việt Nam mới chủ động được khoảng 30% nguồn xăng dầu từ nội địa, khoảng 40% thành phẩm xăng dầu được sản xuất từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nhưng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu thô nhập khẩu từ bên ngoài.
Biến động bất thường của giá xăng dầu đã lộ ra nhiều điểm yếu của thị trường phân phối - bán lẻ xăng dầu, trong đó, chi phí kinh doanh được xem là điểm nghẽn mấu chốt dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung và đóng cửa, nghỉ bán nhiều cửa hàng xăng dầu ở nhiều địa phương thời gian qua. “Giải bài toán chi phí kinh doanh - Khơi thông "điểm nghẽn" cung ứng xăng dầu” là nội dung tọa đàm do báo Công Thương (cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương - đơn vị được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực xăng dầu) tổ chức chiều 10/11.
Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường xăng dầu Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn rất khó khăn bởi những biến động khó lường trên thị trường thế giới. Trong đó, chi phí kinh doanh xăng dầu được cho là chưa theo kịp với diễn biến thực tế của thị trường, đã khiến nhiều DN đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh thua lỗ, nhiều đại lý gián đoạn nguồn hàng, gây nên những khó khăn rất lớn trên thị trường.
Thị trường xăng dầu Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn rất khó khăn.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các DN kiến nghị điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu đã nhiều năm nay, bản thân cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính tính toán lại mức chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu, nhưng mãi cho đến kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10 vừa qua mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu mới được điều chỉnh tăng; còn các chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam mới được Liên Bộ thống nhất áp dụng từ kỳ điều hành 11/11/2022.
Nhìn từ thực tế này, PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định, Bộ Tài chính đắn đo khi điều chỉnh lại mức chi phí kinh doanh, vì điều chỉnh tăng trong bối cảnh nó phải tăng sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá. Trong khi xăng dầu là mặt hàng rất nhạy cảm, người ta cũng sợ trách nhiệm nên phải tính toán hết sức thận trọng, chậm điều chỉnh dẫn đến nguồn cung thiếu.
“Còn Bộ Công Thương trong quá trình điều hành giá xăng dầu cũng thấy những bất cập đã tác động trực tiếp đến yêu cầu Bộ Tài chính. Tuy nhiên với sự nhạy cảm, sự biến động của giá xăng dầu tác động lớn như vậy nên cơ quan nào cũng ngại. Nếu thành công thì không vấn đề, nhưng không may có gì xảy ra đó lại trở thành có tội”, PGS. TS. Ngô Trí Long phân tích.Một trong những nguyên nhân được ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam chỉ ra đó chính là sự hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về các loại chi phí đang có và đang áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu. Việc xây dựng chính sách trên quan điểm tư duy “nhập trong nước phải rẻ hơn mua nước ngoài” nhưng trên thực tế đã cho thấy không phải lúc nào mong muốn cũng đạt được.
Theo phân tích của ông Bùi Ngọc Bảo, trong chi phí kinh doanh xăng dầu có 2 phần chính: Thứ nhất là chi phí tạo nguồn - là chi phí mà cơ quan quản lý nhà nước đang bàn, đang điều chỉnh - là phần giá vốn được doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Những chi phí này được doanh nghiệp tổng kết lại sau 6 tháng thực hiện và báo cáo lên liên Bộ. Thứ 2 là chi phí liên quan đến chiết khấu, đó là chi phí lưu thông. Loại chi phí này được xác định từ năm 2014 khi ban hành Nghị định 83 cho đến giờ vẫn áp dụng là 1.350 đồng chưa thay đổi.
“Thực tế mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam là chi phí DN đã bỏ ra, đã thực hiện từ tháng 7, 8 và 9 vừa qua. Có điểm đáng ghi nhận là liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định làm sớm hơn, thay vì đợi đến 1/1/2023 mới điều chỉnh, liên bộ điều chỉnh sớm trong ngày 11/11. Việc điều chỉnh sớm sẽ giúp giải quyết 1 phần khó khăn cho DN, nhưng quan trọng nhất vẫn là khoản chênh lệch tính vào giá, phụ phí premium khi DN mua trong những hợp đồng tháng 11, 12 không phải là 5-6 USD mà là 11 USD nên DN vẫn đang còn lỗ tương ứng với 5-6 USD 1 thùng, đây là vấn đề cần phải xem xét để giải quyết thấu đáo trong thời gian tới”, ông Bảo nêu.
Việc điều chỉnh sớm chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Namsẽ giúp giải quyết 1 phần khó khăn cho DN.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, lĩnh vực xăng dầu đã được xây dựng theo kinh tế thị trường nên cần được kiên định vận hành theo kinh tế thị trường. Đã là kinh tế thị trường DN kinh doanh phải có lợi nhuận, kinh doanh càng lỗ không sớm thì muộn cũng phá sản và DN bỏ kinh doanh là đương nhiên.
“Tuy nhiên, việc phản ánh những thay đổi, biến động của DN chưa đầy đủ. Bởi vì những năm trước là bình thường, nhưng riêng năm 2022 chi phí vận chuyển, chi phí logicstic cao lên nhưng phản ứng phản hồi của DN cũng gần như không có”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ ra.
Để thị trường xăng dầu Việt Nam vận hành ổn định thời gian tới, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, trước mắt nên rà soát lại tất cả các kế hoạch từ nhập khẩu đến tiêu thụ của các địa phương trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023, để từ đó có những kế hoạch nhập khẩu hoặc nhập hàng để đáp ứng nhu cầu nhằm thỏa mãn đến mức tối đa nhu cầu về sản lượng.
Cùng với đó là xem xét sửa đổi định mức chi phí kinh doanh xăng dầu phù hợp với thực tiễn, cũng cần phải có bài toán lâu dài hơn với mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay. Phải có cơ chế cụ thể giữa DN đầu mối và doanh nghiệp cung ứng, bán lẻ để có hoạt động tương đối độc lập của các DNp. Khi các DN cạnh tranh bình đẳng, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh cũng như lãi lỗ sẽ đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường được tốt hơn./.