Dòng sự kiện:
Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm xăng dầu phù hợp với thị trường
08/10/2023 10:19:40
Theo thống kê của PVN, gia tăng trữ lượng trung bình giai đoạn 2016-2021 chỉ đạt khoảng 12,6 triệu tấn/năm, bằng 55% so với sản lượng khai thác.


Người lao động BIENDONG POC tiến hành bảo dưỡng thiết bị trên giàn Hải Thạch. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao sản lượng khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng và phát triển mỏ để sớm đưa vào khai thác, từ đó bù đắp phần sản lượng thiếu hụt do các mỏ chính đều đang ở giai đoạn suy giảm tự nhiên sau nhiều năm khai thác trong khi dư địa tăng sản lượng khai thác ngày càng thu hẹp, các dự án mới có cơ hội đầu tư thêm rất hạn chế.

PVN đang áp dụng triệt để các giải pháp quản trị và công nghệ, tích cực xây dựng và đưa các công trình bổ sung, giếng bổ sung vào khai thác, cũng như rà soát, bắn vỉa và đưa vào khai thác các phụ vỉa để gia tăng sản lượng.

Theo thống kê của PVN, gia tăng trữ lượng trung bình giai đoạn 2016-2021 chỉ đạt khoảng 12,6 triệu tấn/năm, bằng 55% so với sản lượng khai thác. Trong khi đó, con số gia tăng trữ lượng phải đạt từ 100-120% để đảm bảo hoạt động ổn định và phát triển. Năm 2022, gia tăng trữ lượng dầu khí của PVN đạt 16,97 triệu tấn quy dầu, bằng 63% so với sản lượng khai thác trong năm.

Thống kê của PVN cũng cho thấy, tiềm năng dầu khí còn lại khoảng 1,5-2 tỷ m3 quy dầu, nhưng 50% tiềm năng lại ở vùng nước sâu xa bờ rất khó triển khai, trong đó tiềm năng khí cũng chiếm tới 70%. Như vậy, việc duy trì được sản lượng dầu, thúc đẩy tăng sản lượng khí là một thách thức rất lớn của PVN trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Đáng chú ý, các mỏ khai thác dầu chính đều đang ở giai đoạn suy giảm tự nhiên, dẫn đến sản lượng khai thác dầu trong nước trong giai đoạn 2016-2020 suy giảm trung bình ở mức 11%/năm; tốc độ suy giảm năm 2021 là 6,8% năm 2022 khoảng 1%.

Không chỉ các mỏ dầu suy giảm, các mỏ khí chủ lực cũng đang trong giai đoạn suy giảm tự nhiên. Đặc biệt, mỏ khí lớn nhất ở Lô 06.1 suy giảm từ mức 2,1 tỷ m3 năm 2021, xuống còn 0,9 tỷ m3 năm 2023 và có khả năng sẽ phải tạm dừng khai thác nếu không kịp triển khai công tác tận thăm dò, khai thác.

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng chủ trì giao ban. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, thị trường những tháng còn lại đang bộc lộ các dấu hiệu khó khăn nhiều hơn, nhất là các khó khăn về tỷ giá, giá dầu và thị trường các sản phẩm xăng dầu không thuận lợi.

Vì vậy, các đơn vị cần rà soát mục tiêu, nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm, bám sát kịch bản điều hành kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tài khóa và các vấn đề liên quan đến thị trường để có phương án sản xuất kinh doanh linh hoạt, hiệu quả.

Cụ thể, các đơn vị đảm bảo an toàn, nâng cao sản lượng khai thác dầu khí để bù đắp phần sản lượng bị suy giảm, thiếu hụt; tập trung phát triển mỏ, sớm đưa các công trình vào khai thác, gia tăng trữ lượng dầu khí để đảm bảo kế hoạch sản lượng khai thác các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các khối sản xuất kiểm soát vận hành, duy trì độ khả dụng, công suất cao của các nhà máy; tích cực đầu tư, đổi mới mô hình kinh doanh, tận dụng các cơ hội thị trường tăng doanh thu. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu các sản phẩm xăng dầu phù hợp với nhu cầu thị trường; cập nhật lại chiến lược cho LNG gồm cả đầu tư và kinh doanh; thúc đẩy mở rộng thị phần phân phối sản phẩm trong khâu hạ nguồn.

Cùng đó, tăng cường quản lý vốn, dòng tiền, phân tích, đánh giá chất lượng doanh thu, lợi nhuận và kiểm soát các rủi ro tài chính, đặc biệt là biến động tỷ giá cần được tập trung triển khai.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị các công ty thành viên xử lý các vấn đề tồn đọng, nâng cao hiệu quả các quy chế, quy trình quản lý nội bộ; đảm bảo triển khai theo đúng kế hoạch đề ra trong công tác chuyển đổi số, xây dựng hệ thống ERP, cơ sở dữ liệu lớn, đẩy mạnh triển khai công tác văn hóa doanh nghiệp.

9 tháng của năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là các vấn đề về thị trường, cơ chế, chính sách cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Cán bộ, kỹ sư Nhà máy Đạm Cà Mau. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Trong đó, huy động khí, huy động điện khí rất thấp và liên tục giảm trong các tháng gần đây tác động đến khai thác, sản xuất; nhập khẩu xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm trong nước trong khi nhu cầu chưa cải thiện, làm tồn kho tăng; vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), cơ chế cấp LNG cho khách hàng điện hết sức khó khăn, tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sản phẩm mới này, cũng như tạo ra các rủi ro cho các dự án điện, khí LNG. Đáng chú ý, bình quân giá thành phẩm xăng dầu 9 tháng giảm từ 18-22% so với cùng kỳ 2022.

Trong bối cảnh đó, PVN đã bám sát diễn biến thị trường, tài chính, giá các sản phẩm năng lượng, đặc biệt là biến động giá dầu thô, khí, lọc dầu, hóa dầu, phân bón để thực hiện hiệu quả các giải pháp quản trị, điều hành liên thông từ khai thác đến vận chuyển, chế biến; từ tồn kho đến sản xuất và tổ chức kinh doanh.

Nhờ vậy, kết quả sản xuất và các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều vượt cao so với kế hoạch được giao. Trong đó, tổng doanh thu toàn PVN đạt 655 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách toàn PVN ước đạt 105,7 nghìn tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm 2023 (đã hoàn thành kế hoạch cả năm 78,3 nghìn tỷ đồng trước 5 tháng); lợi nhuận trước thuế hợp nhất PVN ước đạt 42,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch năm.

Cũng trong 9 tháng của năm, PVN đã thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí với tổng số tiền ước đạt 1.521 tỷ đồng./.

Tác giả: Anh Nguyễn

Theo: Bnews
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến