Dòng sự kiện:
Điều chưa biết về nhà tình báo Đào Phúc Lộc
24/12/2014 15:12:00
ANTT.VN – Sáng ngày 23/12/2014, trong phòng họp báo chật kín người, ai nấy đều bùi ngùi, rơm rớm nước mắt khi nghe bà Minh Vân kể lại hành trình tìm kiếm hài cốt người cha quá cố của mình. Đó là anh hùng Đào Phúc Lộc – nhà tình báo Việt Nam đầu tiên.

Tin liên quan

Tự truyện “Không thể mồ côi” của tác giả Minh Vân, do nhà văn Đặng Vương Hưng tổ chức bản thảo và chắp bút ra đời với thông điệp: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hành trình khẳng định ý nghĩa cuộc đời của mỗi người là sự vượt lên chính mình và phấn đấu không ngừng nghỉ cho cộng đồng và xã hội”.

Cha đẻ của ngành tình báo Việt

Qua lời kể của một người con: “…cho đến tận năm 16 tuổi tôi mới được biết tên thật của bố là Đào Phúc Lộc, tức Hoàng Minh Đạo. Trước đó tôi không hề biết…” cả khán phòng bị cuốn theo ánh mắt người phụ nữ nhỏ bé và không mấy ai ngờ con người ấy đã có một cuộc đời đầy thăng trầm.

Bà-Minh-Vân

Bà Minh Vân ngậm ngùi, xúc động khi kể lại những câu chuyện cũ trong buổi họp báo (ảnh: Hoàng Hà)

Đó là hành trình 70 năm  của một số phận đặc biệt: Bà Minh Vân (tên đầy đủ là Đào Thị Minh Vân) được sinh ra ở Hà Nội vào đúng “Đêm lịch sử toàn quốc kháng chiến: 19 tháng 12 năm 1946, có mẹ là liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp (1948) và cha là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ (1969). Mới 14 tháng tuổi, cô bé Minh Vân đã mồ côi mẹ và cũng vĩnh viễn phải rời xa không được một lần gặp lại người cha. Cuộc sống trong chiến tranh không hề dễ dàng, nhưng Minh Vân đã mạnh mẽ và kiên cường vươn lên, tự mình vượt qua chính mình với bao gian nan thử thách, trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội. Đúng như bà đã khẳng định trong cuốn sách: “Tôi không chỉ là một “đứa trẻ mồ côi” như người ta nhầm tưởng. Hay nói đúng hơn, tôi không thể mồ côi dễ dàng như chiến tranh đã làm sự chết chóc và bất hạnh với bao người”.

Dưới con mắt của một cô bé, góc nhìn của một nữ sinh sống trong thời bao cấp của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cảm nhận của một phụ nữ trưởng thành trong thời kì quá độ đất nước chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường và sau cùng là tâm sự của một người đàn bà từng trải đối với con cháu mình; những điều tâm huyết nhất gửi lại mai sau, “Không thể mồ côi” muốn gửi tới bạn đọc những bài học sâu sắc và nhân văn về tình người, tình đời, về khổ đau, hạnh phúc…

Bên cạnh đó, cuốn tự truyện góp phần khắc họa chân dung của Anh hùng LLVTND, Liệt sỹ Đào Phúc Lộc – Một chiến sĩ tình báo xuất sắc. Thông qua những câu chuyện, lời kể, hồi tưởng xúc động của nhiều nhân vật, từng là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an…Mỗi người một kỷ niệm, một góc độ khác nhau nhưng đều khẳng định tài năng và nhân cách cao đẹp của Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc.

Điều đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hơn 2000 cán bộ, chiến sĩ; nhưng cho đến nay, chỉ duy nhất Liệt sĩ, Anh hùng Đào Phúc Lộc là vinh dự được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý.

“Không mồ côi” là một món quà nhỏ, nhưng vô cùng ý nghĩa, để tưởng nhớ 45 năm ngày Anh hùng, Liệt sỹ Đào Phúc Lộc hi sinh (24/12/1969 – 24/12/2014) tiến tới chào mừng 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015).

Đứa con hiếu thảo và can trường

Ngay tại buổi họp báo, Đại tá – Nhà văn Nguyễn Đăng An đã có dòng cảm xúc mãnh liệt khi gặp mặt bà Minh Vân, khi nghe bà kể lại những câu chuyện làm rớm nước mắt cả thính phòng.

Bà Minh Vân cùng nhà văn Đặng Vương Hưng, nhà báo Nguyễn Đức Đông và nhà văn Nguyễn Đăng An (từ trái qua phải) tại buổi họp báo (ảnh: Hoàng Hà)

Với tư cách là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Công an, người có công việc gần gũi với công việc của anh hùng Đào Phúc Lộc (tức Hoàng Minh Đạo), Nhà văn Nguyễn Đăng An không ngần ngại nói lên những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình trước đông đảo công chúng.
 

An ninh tiền tệ và truyền thông (ANTT.VN) xin được trích đăng lại dòng cảm xúc ấy:

Kính thưa các anh, các chị, nghề tình báo của anh hùng Đào Phúc Lộc là một nghề đầy bí mật, chông gai và nguy hiểm. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thực tế đặc biệt đó đã được phát lộ một phần về sự hi sinh mất mát của các chiến sĩ tình báo của chúng ta. Có người hi sinh đem theo luôn xuống mồ những chiến công của mình vì không thể tiết lộ. Có người hi sinh còn kéo theo nỗi bi thương oan ức cho gia đình, vợ con nhiều năm sau. Có người hi sinh may mắn được hậu thế tìm lại trả lại đúng chỗ cho những đóng góp to lớn của họ. Việc ông

Đào Phúc Lộc được truy phong anh hùng sau khi tìm được hài cốt thuộc trường hợp thứ 3 ở đây.

Đọc cuốn sách “Không thể mồ côi” của chị Minh Vân, tôi vô cùng cảm kích. Tôi thấy chị là người con hiếu thảo và can trường. Chị đã bỏ ra 23 năm tìm kiếm, đi cả vạn cây số cả trong và ngoài nước, gặp gỡ hàng trăm người trong đó có những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng để xác lập dấu ấn có thật của người cha. Đó là nhà lãnh đạo tình báo cao cấp thông minh sáng tạo, chiến đấu dũng cảm và lập được nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Nhờ những bằng chứng cụ thể được các bạn chiến đấu của người cha như Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công an) Mai Chí Thọ… xác nhận nên ông Đào Phúc Lộc được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND và được truy tặng huân chương Hồ Chí Minh cao quý.

Hiện nay, theo tôi biết dựa theo mảng tư liệu do chị Minh Vân sưu tập được kết hợp với những tư liệu bổ sung mới, có nhiều nhà báo và đạo diễn phim nổi tiếng ở nước ta đã, đang và sẽ thực hiện những cuốn sách và những bộ phim về cuộc đời anh hùng Đào Phúc Lộc.

Vì thế, tôi muốn khẳng định rằng cuốn sách không chỉ là tiếng lòng yêu thương của người con đối với người cha mà còn là sự ghi ơn của cả dân tộc đối với người anh hùng đã xả thân vì Tổ quốc.

Và cũng vì thế mà về phương diện tư liệu, kí ức, tôi nghĩ cuốn sách đã rất thành công.

Ở mảng tự truyện, kể về chính mình, tôi thấy những trang viết thấm đẫm máu và nước mắt của chị diễn ra đúng trong thời tôi sống đã làm tôi rơi nước mắt. Chị đã kể lại một cách trung thực, không giấu giếm những nỗi đau cá nhân, dám phơi bày những khoảng tối của xã hội và nhìn nhận thực tế đó bằng thái độ khách quan và lạc quan. Tôi biết trong cuộc sống chị có mối quan hệ với đồng đội của cha mình là những người hoàn toàn có thể làm chị đổi đời chỉ cần một câu nói. Nhưng chị đã không hề một lần lạm dụng câu nói đó mà tự mình bươn chải vươn lên, dám bỏ cả quyền chức trong cơ quan nhà nước ra ngoài làm với Tây khi đất nước chưa  mở cửa kinh tế để xây dựng một cơ nghiệp riêng minh bạch và khang trang. Tôi coi đây là phẩm chất kiên cường mang dấu ấn đặc biệt của người cha trong con người chị.

Hơi thô thiển một chút (có lẽ do nghề nghiệp) khi tôi dùng hình ảnh này để nói về chị. Tôi thấy chị giống như võ sĩ quyền anh nghiệp dư buộc phải lên võ đài. Đối thủ của chị là giông bão cuộc đời. Nó dồn ép, đấm đá chị tơi bời trong đó có nhiều cú nốc ao khiến chị phải đổ máu. Nhưng chị đã không gục ngã. Chị vẫn đứng lên và chiến thắng. Sau cuốn sách này tôi tin chị sẽ được bạn đọc tôn vinh chị là võ sĩ chiến thắng giống như nụ cười của chị Võ Thị Thắng trước kẻ thù mà chị đã từng say mê.

Dưới góc độ văn chương, phần tự truyện đã lôi cuốn người đọc bằng giọng kể chân thực, mộc mạc, sáng rõ và sinh động. Từng sự kiện, nhân vật cụ thể đã được chị mô tả chi tiết, sống động giống như những thước phim quay chậm rõ mặt, rõ hình. Đây chính là phần thành công nữa của cuốn sách.

Nhìn tổng thể, tôi cho rằng đây là cuốn sách hấp dẫn, có giá trị tư tưởng và giáo dục cao, đáng đọc và rất xứng danh được vinh danh trong cuộc thi về đề tài: “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ công an và hội nhà văn Việt Nam tổ chức dịp này.

Thay mặt những người cùng nghề nghiệp với anh hùng Đào Phúc Lộc, tôi xin cảm ơn tác giả Minh Vân, người có công lớn trong quá trình tìm lại chân giá trị vĩ đại cho người lính đã hi sinh vì Tổ quốc, cảm ơn nhà xuất bản CAND, đơn vị vừa có giám đốc mới, Đại tá – Nhà văn Hồng Thái, đã đứng ra tổ chức gặp mặt rất bổ ích hôm nay. Và cản ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng, một kỉ lục gia về những sáng kiến vinh danh các anh hùng liệt sĩ đã bị khuất lấp trong lớp bụi thời gian của lịch sử.

Xin cảm ơn quý vị!”.

Hoàng Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến