Những năm gần đây, dòng vốn đầu tư Hàn Quốc đổ vào Việt Nam khá mạnh. Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp (FDI), trong 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí số 2 về đầu tư trực tiếp với 2,73 tỷ USD. Không chỉ trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, dòng vốn Hàn Quốc còn đổ mạnh đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua các thương vụ góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp hay thông qua việc mua lại, gia tăng góp vốn vào các CTCK.
Trong tháng 5/2019, Hanwha Investment & Securities Co., Ltd, một thành viên của Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đã hoàn tất việc mua lại 90% cổ phần Chứng khoán HFT, một CTCK nhỏ giao dịch trên sàn Upcom với mức giá khoảng 4,3 triệu USD.
Trước đó, trong năm 2017, KB Securities Co. Ltd., công ty chứng khoán có tổng tài sản lớn thứ 3 tại Hàn Quốc và là thành viên của KB Financial Group Inc được cho là đã chi 31 triệu USD để thâu tóm Chứng khoán Maritime (MSI). Sau thương vụ thâu tóm này, MSI đã đổi tên thành Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).
Với những thương vụ thâu tóm diễn ra gần đây, số lượng CTCK vốn Hàn Quốc tại Việt Nam đã tăng lên con số 6, bao gồm Chứng khoán KIS, Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán HFT, Chứng khoán KB Việt Nam, Chứng khoán Shinhan Việt Nam (tiền thân là Chứng khoán Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân chứng khoán Woori CBV) và xu hướng này có lẽ chưa dừng lại.
Đẩy mạnh tăng vốn, phả hơi nóng vào các CTCK nội
Sự hiện diện của các CTCK vốn ngoại, đặc biệt dòng vốn Hàn Quốc đang thổi làn gió mới trên TTCK Việt Nam. Sau khi mua lại, đối tác Hàn Quốc đã mau chóng tăng vốn và trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh với các CTCK trong nước.
Vào cuối tháng 9, Chứng khoán Mirae Asset đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ lên gần 5.500 tỷ đồng. Theo kế hoạch được công bố, trong tháng 10/2019, Công ty mẹ là Mirae Asset Securities sẽ góp thêm 1.155,5 tỷ đồng vào Mirae Asset (Việt Nam).
Với việc nâng vốn lên gần 5.500 tỷ đồng, Mirae Asset đã vượt qua SSI để trở thành Công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Chứng khoán HFT sau khi được mua lại bởi Hanwha Investment & Securities Co., Ltd cũng tiến hành tăng vốn từ 100 tỷ lên 600 tỷ trong tháng 9 vừa qua.
Trước đó, KBSV sau khi mua lại Chứng khoán Maritime cũng liên tục tiến hành tăng vốn trong giai đoạn cuối năm 2018 và đầu năm 2019 lên 1.675 tỷ đồng, qua đó lọt top 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Ngoài Mirae Asset và KBSV, trong top 10 CTCK vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam còn có sự hiện diện của một cái tên Hàn Quốc khác là Chứng khoán KIS với vốn điều lệ 1.897 tỷ đồng.
TOp 10 CTCK vốn điều lệ lớn nhất có tới 3 cái tên Hàn Quốc
Với tiềm lực mạnh, các CTCK Hàn Quốc đang tạo nên áp lực cạnh tranh mạnh với các CTCK nội, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin).
Vào cuối quý 2/2019, dư nợ cho vay margin của Mirae Asset đã lên đến 5.000 tỷ đồng, không thua kém quá nhiều so với SSI với dư nợ khoảng 6.300 tỷ đồng. Các CTCK Hàn Quốc khác như KIS, KBSV cũng đều có dư nợ cho vay lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, bám sát các tên tuổi trong nước như HSC, VND, MBS…
Trong báo cáo thị phần môi giới quý 3 do Sở GDCK Hà Nội (HNX) mới công bố, top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất có tới 2 CTCK vốn Hàn Quốc, bao gồm Mirae Asset và KIS Việt Nam.
Dư nợ margin của các CTCK vốn Hàn Quốc hiện khá lớn
Vì sao dòng vốn Hàn Quốc đổ mạnh vào CTCK Việt Nam?
Kinh tế vĩ mô Việt Nam những năm qua tương đối ổn định, trở thành điểm sáng tại khu vực Châu Á là yếu tố hấp dẫn dòng vốn Hàn Quốc. Từ đầu năm tới nay, đồng KRW của Hàn Quốc đã mất giá 8,2% so với USD, trong khi tỷ giá USD/VND gần như không thay đổi. Việc đồng KRW suy yếu đã khiến dòng tiền từ Hàn Quốc tìm đến các thị trường khác trú ẩn. Thị trường Việt Nam với tỷ giá ổn định trong thời gian qua đã hấp dẫn dòng tiền Hàn Quốc.
Đồng KRW mất giá mạnh trong năm 2019
Một yếu tố khác khiến dòng vốn Hàn Quốc đổ vào Việt Nam phải kể tới lãi suất. Nếu như lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc khá thấp, chỉ khoảng 1,5% thì lãi suất tại tại Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều. Lãi suất gửi ngân hàng hiện xoay quanh 8%/năm, trong khi lãi suất cho vay margin tại các CTCK dao động từ 12 – 14%/năm. Đây là yếu tố góp phần khiến dòng vốn Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán.
Bên cạnh đó, việc dòng vốn Hàn Quốc đang hướng đến lĩnh vực chứng khoán Việt Nam có thể đến từ tiềm năng phát triển thị trường còn rộng mở. Thời gian gần đây, các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc SK Group, Hanwa đã có những thương vụ lớn, quy mô hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD vào các doanh nghiệp Việt Nam như VinGroup, Masan. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp của Hàn Quốc còn thông qua các quỹ đầu tư như KIM (quy mô tỷ USD). Do đó, sự hiện diện của các CTCK vốn Hàn trên thị trường để hỗ trợ các "deal" là điều tất yếu.
Theo Trí thức trẻ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy