Phát biểu kết luận hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thành và Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy quý 1 năm 2023 vào ngày 31/3, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 540 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Cụ thể, Hà Nội có 48 vụ; Thanh Hóa, Ninh Thuận 10 vụ; Bắc Giang, Đồng Nai 9 vụ… Cùng với đó, các ban chỉ đạo rà soát, xử lý các vụ án, vụ việc trên địa bàn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực như vụ Công ty Việt Á, AIC, Tập đoàn FLC, vụ án liên quan đến hoạt động đăng kiểm…
Nhiều địa phương đã chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ diện tỉnh ủy quản lý, góp phần khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như: Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, An Giang, Khánh Hòa, TP.HCM, Phú Yên, Hòa Bình, Thái Nguyên...
Bên cạnh đó, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã quyết liệt, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu đưa nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào
Đề cập đến nhiệm vụ quý 2 và cả năm 2023, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh yêu cầu tiên quyết đặt ra là Ban Chỉ đạo phải thực sự là một tập thể mạnh, đoàn kết thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ.
Mỗi thành viên của Ban Chỉ đạo phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào.
Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh phải nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của ban đã nêu trong quy định của Ban Bí thư.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc
Ông Phan Đình Trạc lưu ý, Ban Chỉ đạo không làm thay các cơ quan chức năng, cũng không phải chỉ quan tâm và xử lý từng vụ việc cụ thể mà phải “đúng vai và thuộc bài” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tức là phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, không “làm thay”, “lấn sân” sang việc của cơ quan khác, phải nắm vững, nắm chắc nguyên tắc, luật pháp, cơ chế, chính sách, quy chế, quy định....
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cũng phải kịp thời điều chuyển, thay thế những khâu, “mắt xích” yếu, bảo đảm bộ máy Ban Chỉ đạo vận hành thông suốt, thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư “ai không làm thì đứng sang một bên để người khác làm”.
“Tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, tắc trách, được chăng hay chớ, lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc lưu ý.
Muốn thế, theo ông Phan Đình Trạc, phải có chương trình, kế hoạch, quy chế công tác một cách bài bản, kiểm tra, đôn đốc một cách thường xuyên.
Trước mắt, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, Chương trình công tác năm 2023 và các quy định, quy trình công tác nội bộ đảm bảo hoạt động đi vào nề nếp, hiệu quả; tuân thủ nghiêm chế độ làm việc…
Xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp
Để tạo chuyển biến rõ nét, đột phá với những kết quả cụ thể về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Phan Đình Trạc yêu cầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải chỉ đạo có “trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn, những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm ở địa phương”.
Theo đó, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Cùng với đó là chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đầu tư công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đầu giá, chứng khoán; kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Ngoài ra, cần chú ý nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; nơi nào để bên ngoài kiểm tra, thanh tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương giao tỉnh ủy chỉ đạo, xử lý và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm, y tế, giáo dục...; các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để chuẩn bị tốt cho việc lấy phiếu tín nhiệm, kiểm điểm giữa nhiệm kỳ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.
Tác giả: Thu Hằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy