Dòng sự kiện:
Dinh Độc Lập - Bản hùng ca vang mãi
30/04/2016 11:07:42
Cả dân tộc Việt Nam, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới và những ai đã, đang và sẽ đến với Dinh Độc Lập, không chỉ tìm về nguồi cội của thành phố, với hơn 300 năm hình thành và phát triển; mà còn để được ôn lại những ngày tháng 4 lịch sử.

Với những người con dân nước Việt, những người “khách phương xa” - những người đã tham chiến vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở giữa những thập niên của thế kỷ trước và với tất cả khách du lịch quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau, thì Dinh Độc Lập đã trở thành là điểm đến và thậm chí còn là điểm lựa chọn đầu tiên trong hành trình đến với TP. Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là địa điểm cuối cùng đánh dấu sự sụp đổ của một chế độ Ngụy quyền, đưa đất nước Việt Nam trở thành một đất nước độc lập vào trưa ngày 30/4/1975 mà còn là công trình mang dấu ấn lịch sử, là niềm tự hào, là bản hùng ca của cả dân tộc Việt Nam.

Dấu ấn lịch sử

Cả dân tộc Việt Nam, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới và những ai đã, đang và sẽ đến với Dinh Độc Lập, không chỉ tìm về nguồi cội của thành phố, với hơn 300 năm hình thành và phát triển; mà còn để được ôn lại những ngày tháng 4 lịch sử với những bước thăng trầm khi chứng kiến bao sự kiện lịch sử - nơi đã “kết liễu” số phận của một chế độ Ngụy quyền, ghi tên một đất nước Việt Nam nhỏ bé về diện tích, nhưng lại kiên cường về ý chí và tinh thần tự chủ vào bản đồ thế giới.

Tọa lạc tại số 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận I, TP. Hồ Chí Minh, bốn mặt của Dinh được bao quanh bởi bốn trục đường lớn vào trung tâm Sài Gòn là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Du và mặt tiền đối diện ra đại lộ Lê Duẩn. Dinh Thống Nhất ngày nay đã trải qua nhiều biến cố lịch sử và qua nhiều thời kỳ Đế quốc đô hộ với những cái tên khác nhau, như: Dinh Thống đốc Nam Kỳ (1868); Dinh Norodom (1873), Dinh Thống đốc (1871 – 1887); Dinh Toàn quyền (1887 – 1945); Dinh Thủ tướng (1954 –1956); Dinh Độc Lập (1956 – 1975).

Ngày 25/6/1976, Dinh Độc Lập được đổi tên thành Hội trường Thống Nhất

Căn cứ theo tài liệu về Dinh Thống nhất hiện nay thì Dinh được khởi công vào năm 1962 theo đồ án thiết kế của Khôi Nguyên La Mã - Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và hoàn thành năm 1966. Công trình cao 26m, có diện tích xây dựng 4.500m2, diện tích sử dụng 20.000m2, gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và 1 sân thượng làm sân bay trực thăng. Hơn 100 phòng họp, phòng làm việc khác nhau của Tổng thống, Phó Tổng thống và các cộng sự. Riêng phòng Đại Yến có sức chứa trên 500 người, cửa có kính chống đạn dày hơn 2cm. Tổng Hành dinh ngầm dưới mặt đất là một khối hầm bê tông, bọc thép chịu đựng được bom lớn và đạn pháo, đáp ứng mục tiêu phòng thủ quân sự hiện đại nhất thời bấy giờ. Chi phí xây dựng vào thời điểm đó là 150.000 lượng vàng.

Mặc dù Dinh với nhiều cái tên và trải qua nhiều biến cố chính trị, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu sử học, thì chỉ đến giai đoạn năm 1955- 1975, Dinh Độc Lập mới trở thành nơi đại diện cho chính quyền tay sai, là nơi ra đời nhiều chính sách phản lại nhân dân của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, là nơi chứng kiến sự can thiệp quân sự của Đế quốc Mỹ vào Việt Nam và biến Việt Nam thành một chiến trường tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng cũng là nơi chứng kiến bản anh hùng ca chiến đấu ngoan cường và yêu chuộng hòa bình của toàn dân tộc Việt Nam.

Bản hùng ca vang mãi

0 giờ 45 ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân giải phóng thuộc Ðại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc Lập, tiếp đó xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh…

Đến 11 giờ 30 trưa cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận, Ðại đội trưởng chỉ huy xe tăng số hiệu 843 đã tiến thẳng vào Dinh và nhanh chóng chạy lên nóc Dinh hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Cờ phấp phới tung bay trên nóc Dinh, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam. Cũng chính vào giờ phút này, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng.

30/4/1975, xe tăng Bắc Việt chuẩn bị tiến vào Dinh Ðộc Lập

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã hoàn thành tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, khi khúc khải hoàn ca của hai miền Nam - Bắc đã sum họp một nhà được vang lên. Một chiến thắng vẻ vang ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam khi đánh đổ một Đế quốc Mỹ hùng cường và thêm một lần khẳng định với bạn bè yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh trên thế giới rằng: Tinh thần và ý chí của nhân dân Việt Nam là độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà.

Cũng kể từ 30/4/1975, Dinh Độc Lập đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam - Bắc trong một đất nước Việt Nam thống nhất; là nơi tổ chức các hội nghị hợp nhất các tổ chức quần chúng của cả nước (Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ) và để kỷ niệm các sự kiện chính trị đặc biệt này, Chính phủ đã quyết định đổi tên Dinh Độc Lập thành Hội trường Thống Nhất.

Tầm vóc lịch sử và kiến trúc đặc sắc, cùng những bộ sưu tập cây xanh quý hiếm, cây kiểng và tặng phẩm độc đáo; không gian lý tưởng… Tất cả tạo nên cho Dinh Độc Lập dáng dấp của một Bảo tàng - chứng tích lịch sử cực kỳ sống động. Chính vì những lý do đó mà ngày 25/6/1976, Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định số 77A/VH-QĐ, xếp hạng Dinh Độc Lập là Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.

Hiện nay, Dinh Độc Lập do Cục Quản trị II - Văn phòng Chính phủ quản lý. Dinh Độc Lập sẽ không chỉ là nơi để chính quyền thành phố nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung đón tiếp các đoàn khách quốc tế, thể hiện tinh thần ngoại giao, hiếu khách của một dân tộc anh hùng, mà còn là nơi cho các hiệp hội, đoàn thể và các thế hệ thanh niên, học sinh trong cả nước đến tham quan, tìm hiểu và trau dồi đạo đức cách mạng, để sống có lý tưởng, góp phần vào công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam văn minh và phồn thịnh.

Theo Công lý

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến