Dòng sự kiện:
DN thủy sản kiến nghị nhiều vấn đề để gỡ 'thẻ vàng'
01/12/2017 07:01:23
Ngày 30/11, tại TP.HCM, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội nghị “Nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu - Hiện trạng và giải pháp”.

Hội nghị nhằm tổng hợp các ý kiến của DN để đóng góp ý kiến kịp thời cho Dự thảo sửa đổi Thông tư 26/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

DN nêu vướng mắc tại hội nghị (Ảnh: N.Hiền)

Hội nghị nằm trong kế hoạch hành động của VASEP cho chương trình DN Hải sản cam kết chống khai thác bất hợp pháp (IUU) và để thực hiện cam kết chung tay với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chống IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EU,

Theo đó, để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, dự thảo Thông tư 26 đang bộc lộ nhiều vấn đề chưa phù hợp với điều kiện thực tế, gây khó khăn cho DN. 

Cụ thể theo dự thảo Thông tư 26, trong hồ sơ đăng ký kiểm dịch, DN phải có bản sao giấy chứng nhận đánh bắt (C/C) do cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác cấp. Điều này là không thể thực hiện được do quy trình cấp C/C của các nước phải qua rất nhiều khâu, theo đó, phải mất ít nhất 1 tháng DN Việt Nam mới có thể nhận được C/C từ chủ hàng. Thậm chí, chia sẻ của đại diện Công ty TNHH ITOCHU, đôi khi phải mất tới 4 tháng cho quy trình này. 

Ông Hoài Nam cho rằng quy định này là “tự mình trói chân mình”, do Luật thủy sản chỉ quy định việc xác nhận nguyên liệu thủy sản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khi có yêu cầu chứ không bắt buộc với tất cả các thị trường xuất khẩu. Quy định của EU cũng chỉ yêu cầu DN nộp C/C khi nhập hàng vào EU chứ không cần nộp vào thời điểm nhập hàng vào Việt Nam.

VASEP cũng nêu lên rằng, NAFIQUAD căn cứ vào Thông báo số 90/BNN-QLCL ngày 21/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đó yêu cầu các nước xuất khẩu nguyên liệu vào Việt Nam để chế biến xuất đi EU phải đáp ứng đồng đồng thời hai điều kiện liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Một là cơ sở sản xuất, bao gồm cả tàu cá, phải có tên trong danh sách đuộc EU công nhận hoặc được cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm tra và công nhận đáp ứng yêu cầu tương đương với quy định EU về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ hai, từng lô hàng nhập vào Việt Nam (không áp dụng đối với tàu cá) cung cấp giấy chứng nhận y tế (H/C) theo mẫu của Việt Nam yêu cầu , trên mẫu H/C này có ghi chú cho phần chứng nhận lô hàng phải ghi “meet EU requirements”.

Trên thực tế, một số nước chỉ cấp H/C có chứng nhận lô hàng đạt yêu cầu EU (nghĩa là “meet EU requirement”) đối với những lô hàng xuất trực tiếp đi EU và  việc cấp EU H/C này phải làm trên hệ thống TRACE. Đối với nước nhập khẩu không phải EU, họ không cấp H/C trên hệ thống TRACE được nên không thể cấp H/C có câu “meet EU requirement”. Nhiều nước cũng có mẫu định sẵn nên không thể chèn thêm câu chữ như Việt Nam yêu cầu.

Từ những bất cập kể trên, VASEP kiến nghị sửa đổi Thông tư 26 theo hướng không yêu cầu DN nộp C/C trong hồ sơ kiểm dịch động vật thủy sản. Thay vào đó, DN có thể cung cấp giấy chứng nhận của thuyền trưởng hoặc giấy xác nhận của người bán. DN sẽ nộp C/C cho NAFIQUAD khi đăng ký xuất khẩu lô hàng. Đối với những lô nguyên liệu nhập khẩu không có H/C do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp thì cho phép cơ quan thẩm quyền Việt Nam tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích rồi cấp H/C để DN được nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với lô nguyên liệu nhập để sản xuất xuất khẩu đi EU, nếu lô hàng đã đáp ứng quy định IUU của EU nhưng chỉ thiếu H/C hoặc H/C không có câu “meet EU requirement”, các DN kiến nghị cho phép cơ quan thẩm quyền Việt Nam (cơ quan thú y hoặc NAFIQUAD) tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích để chứng nhận cho lô nguyên liệu đủ điều kiện để xuất khẩu sang EU.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Vương đặt vấn đề về việc bên cạnh việc quản lý nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dự thảo cần bổ sung nội dung quản lý đối với hàng nhập khẩu để tiêu thụ nội địa và hàng chuyển cảng. Bởi thực tế, lượng hải sản nhập khẩu tiêu thụ nội địa là rất lớn. Trong đó hải sản khai thác bất hợp pháp chiếm tỷ lệ không nhỏ. Khi EU nhận thấy có tàu bất hợp pháp vào cảng Việt Nam thì lập tức hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị vạ lây. 

Một DN chế biến thủy sản xuất khẩu khác cũng cho rằng, để gỡ được thẻ vàng của EU thì điều quan trọng là kiểm soát sao cho nguyên liệu IUU không vào được Việt Nam. Hiện EU có dữ liệu đẩy đủ về các tàu IUU. Do đó, cơ quan nhà nước Việt Nam cần nhanh chóng liên hệ với EU để nắm các thông tin này, từ đó có cơ sở kiểm soát chặt chẽ đầu vào, chặn các tàu IUU ngay tại cảng.

Tại hội nghị, một số ý kiến cũng cho rằng Việt Nam cần tham gia và trở thành thành viên của các tổ chức quản lý nghề cá để có thể tiếp cận nhiều thông tin giúp cho việc quản lý chặt chẽ vấn đề IUU. Bởi hiện Việt Nam vẫn chưa là thành viên của tổ chức quốc tế nào về nghề cá.

Các DN cũng kiến nghị dự thảo cần bổ sung quy định theo hướng phân luồng DN để làm căn cứ miễn kiểm tra, kiểm tra theo tần suất, không áp dụng kiểm tra 100% tất cả các lô hàng nhập khẩu như hiện nay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ.

Theo báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến