DN tư nhân: cứ 1 đồng tiền lời thì cõng 10 đồng lãi vay
27/09/2014 16:43:00
Cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đang giảm đi khi hệ số sinh lời của khối doanh nghiệp này ngày càng giảm xuống cùng với sự trì trệ của nhiều thành phần tham gia vào nền kinh tế.

Ts. Võ Trí Thành: Cơ hội của Doanh nghiệp tư nhân đang giảm đi do sự trì trệ của nền kinh tế

Quy mô đang hẹp lại

Báo cáo của VCCI cho thấy, về quy mô vốn, vốn trung bình của DN đang có xu hướng giảm, năm 2012, lần đầu tiên sau 10 năm, tổng nguồn vốn của khu vực DN đã giảm so với năm trước.

Quy mô vốn của DN nhà nước đã giảm 26,1% so với năm 2011, từ mức 1.584 tỷ xuống 1.171 tỷ. Quy mô vốn bình quân của DN ngoài nhà nước giảm 3,6%, từ mức 25 tỷ xuống 24 tỷ.

Theo nhìn nhận của bà Hằng, việc quy mô vốn bình quân của DN ngoài nhà nước giảm cho thấy thực trạng khó khăn của DN trong năm 2012, còn quy mô vốn bình quân của DN nhà nước giảm chủ yếu do thực hiện tái cấu trúc DN.

Trong khi đó, quy mô vốn bình quân của DN FDI lại tăng từ 270 tỷ đồng lên 307 tỷ đồng, một lần nữa cho thấy các DN này vẫn phát triển tốt và không chịu tác động nhiều từ bối cảnh kinh tế ở Việt Nam năm 2012.

Điều này cũng thể hiện rõ ở việc, tỷ lệ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ (xét theo quy mô lao động),  tiếp tục có xu hướng tăng lên, từ 94% lên 95,8%.

Do vậy, việc tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập và mở rộng quy mô doanh nghiệp ở đâu đó chưa đi kèm với việc tăng số lượng việc làm mới.

Ngoài ra, sự đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển chung của thế giới.

Xét theo ngành nghề kinh doanh, giai đoạn 2007-2012 chứng kiến sự phát triển ấn tượng về số lượng doanh nghiệp trong các ngành nông nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên Nghiên cứu chỉ số kinh doanh toàn cầu 2013 (GEM) lại cho thấy sự “tụt hậu” của Việt Nam.

Theo cách tiếp cận của OECD, Việt Nam thuộc nhóm “Các nước phát triển dựa trên yếu tố đầu vào“ (Giai đoạn I).

Những nước ở trình độ phát triển cao hơn đã chuyến sang giai đoạn II hoặc III là  “Các nước phát triển dựa trên hiệu quả” và tương ứng “Các nước phát triển dựa trên đổi mới”.

Năm 2013, lần đầu tiên VCCI tham gia cùng 70 quốc gia xây dựng chỉ số kinh doanh toàn cầu (GEM), kết quả cho thấy mức độ đa dạng hóa của các DN Việt Nam rất thấp, thấp hơn cả mức độ trung bình của các nước trong nhóm phát triển ở giai đoạn I.

Đổ vỡ hàng loạt

Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),tính đến 1/1/2014 cả nước đã có 764.374 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp.

Kết quả điều tra của Tổng cục thống kê cho thấy tại thời điểm 1/1/2013, cả nước có 347.693 DN đang hoạt động.

Trong 8 tháng đầu năm 2014, cả nước có 47.500 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 289.800 ngàn tỷ đồng, giảm 9,5% về số DN và tăng 14,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các doanh nghiệp DN đang hoạt động, tỷ lệ DN khu vực tư nhân (Doanh nghiệp ngoài nhà nước) chiếm khoảng 96%.

Trong số 10,9 triệu việc làm phi nông nghiệp  được toàn bộ khu vực tạo ra  năm 2012 thì các số việc làm do DN ngoài nhà nước tạo ra là 6,7 triệu việc làm, chiếm 61%.

Theo kết quả cuộc tổng điều tra của Tổng cục Thống kê, năm 2012 cả nước có 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực này đã tạo ra 7,8 triệu việc làm phi nông nghiệp, tương đương 35% số lượng việc làm phi nông nghiệp.

Như vậy, toàn bộ khu vực tư nhân (kể các các DN ngoài nhà nước và khu vực hộ kinh doanh cá thể) tạo ra số việc làm là 14,5 triệu việc làm, chiếm 76,7 % việc làm phi nông nghiệp hiện nay.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Nhà nước cắt giảm biên chế hành chính sự nghiệp thì ý nghĩa xã hội của khu vực kinh tế tư nhân là vô cùng to lớn.

Trong giai đoạn 2002-2012, kết quả chủ yếu trong tái cơ cấu đầu tư là giảm tỷ trọng đầu tư/GDP, thay đổi cơ cấu đầu tư theo chủ thể đầu tư và nguồn vốn.

Năm 2000, khu vực tư nhân trong nước đóng góp 22,9 đến năm 2013 đã đóng góp 37,6%, trở thành bộ phận đóng góp lớn trong tổng vốn đầu tư.

Từ việc định hình một cách rõ ràng về khu vực tư nhân ở Việt Nam và tham chiếu các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, có thể nhận thấy một số vấn đề lớn cần đặt ra đối với sự phát triển của khu vực này như sau.

Về chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, có nhiều dẫn chứng cho thấy khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, đặc biệt là các DN ngoài nhà nước vẫn đang là khu vực dễ bị tổn thương nhất.

Tỷ lệ DN ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng cao, chỉ tính riêng trong năm 2013, cả nước có 60.737 DN giải thể và ngừng hoạt động (trong đó, số DN hoàn thành thủ tục giải thể là 9.818 DN, số DN gặp khó khăn và rơi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động là 50.919) tăng 11,9 % so với cùng kỳ năm trước.

Số DN gặp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động tăng dần theo các tháng trong năm 2013, tổng số là 14.402 doanh nghiệp.

Các thống kê của VCCI cho thấy, trong giai đoạn 2007-2012, so sánh  hiệu quả kinh doanh của các khu vực doanh nghiệp có thể thấy: Hiệu suất sử dụng lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước nhà nước luôn thấp so với khu vực DNNN và FDI.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn có chỉ số thanh toán hiện tại tốt nhất, dù có giảm đi từ 5,3 lần năm 2007 xuống còn 3,2 lần năm 2012.

Kích cầu thế nào?

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội, mặc dù lãi suất đã được điều chỉnh mạnh nhưng khả năng tiếp cận vốn đặc biệt là vốn vay tín dụng của các doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Về quan điểm kích cầu, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh khuyến nghị, nếu tiếp tục chính sách kích cầu chỉ nên kích thích vào khu vực tư nhân. Về mặt kinh tế các doanh nghiệp này không có động cơ đầu tư mở rộng sản xuất.

Bởi lẽ, ràng buộc và chi phí ở đây là hệ số sinh lời của khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng giảm xuống mức chỉ khoảng trên 1%, trong khi lãi suất huy động là 6% -7% và lãi phải trả ngân hàng trên dưới 10%.

Báo cáo kinh tế vĩ mô của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho thấy, đối với đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2014, đầu tư tư nhân chỉ ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP của cùng kỳ năm 2013.

Bên cạnh đó, khu vực tư nhân cũng đang chịu sự đối xử thiếu bình đẳng so với khu vực đầu tư nước ngoài FDI và doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với vô vàn những trở ngại, nhiêu khê về mặt thủ tục hành chính cũng như các chi phí không chính thức khác cũng khiến cho sức sống của doanh nghiệp tư nhân vốn yếu ớt sẽ dễ bị tổn thương hơn trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu như hiện nay.

Các thống kê của VCCI cho thấy, tỷ lệ thua lỗ ở hai khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI đang có xu hướng giảm đi.

Trong khi đó các doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ thua lỗ đang ngày một tăng lên, cho thấy hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp này ngày càng đặt ra nhiều vấn đề, hơn nữa, các chỉ số ROA, ROE của các doanh nghiệp nhà nước đã liên tục giảm trong hai năm 2011-2012, xuống lần lượt là 6,9% và 6,6%.

Đặc biệt, theo TS. Võ Trí Thành, sự trì trệ trong nhiều thành phần của nền kinh tế khiến cơ hội kinh doanh đang giảm đi. Tổng đầu tư đang giảm khá mạnh ở hầu hết các khu vực kể cả FDI. 

Một điểm đáng chú ý nữa là tính phi chính thức của khu vực tư nhân không có chiều hướng cải thiện.

Sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể năm 2012 với mức tăng trên 23% về số lượng hộ so với năm 2007 là minh chứng cụ thể về vấn đề này.

Tuy nhiên, trong số 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, có tới 1,25 triệu hộ có đăng ký kinh doanh/có mã số thuế, chiếm 27%. Trên thực tế các hộ kinh doanh cá thể này hoạt động gần như các doanh nghiệp, tuy quy mô nhỏ.

“Sự tồn tại khu vực tư nhân “bán chính thức” này đặt ra các câu hỏi: Tại sao các đơn vị này không đăng ký hoạt động một cách chính thức đầy đủ? và Nhà nước phải có động thái gì để khuyến khích khu vực này phát triển thành doanh nghiệp có hình thức pháp lý hiện đại hơn như: DN tư nhân, Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Công ty hợp danh?...”, TS. Phạm Thị Thu Hằng đặt câu hỏi.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến