Dòng sự kiện:
DN xuất khẩu muốn có tín dụng khép kín
13/07/2018 09:02:54
Để “giải cứu” khẩn cấp tình trạng khát vốn nhập nguyên liệu, các DN ngành điều sẽ kiến nghị với NHNN để cho phép các NHTM thực hiện một “gói tín dụng” trị giá khoảng 800 triệu USD.

Ngành tôm đã chủ động hình thành các mô hình cho vay khép kín

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) trong những tháng đầu năm 2018, do giá nguyên liệu điều nhập khẩu ở mức cao (trung bình 2.100 USD/tấn), trong khi giá điều nhân giảm khá nhanh đã khiến hàng loạt DN ngành điều phải chấp nhận bỏ tiền đặt cọc để hủy hợp đồng nhập khẩu đã ký với đối tác nước ngoài. Kết quả là có khoảng 500.000 tấn điều thô đang trên đường đến Việt Nam hoặc đang nằm tại kho ngoại quan không được vận chuyển về trong nước. Điều này khiến cho 30% DN ngành điều phải tạm đóng cửa vì không có nguyên liệu chế biến.

Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas cho biết, hiện đã có một số DN đàm phán được với đối tác để giảm giá bán từ 150-200 USD/tấn. Do vậy, nếu các NHTM tiếp tục cho vay khoảng 800 triệu USD từ nay đến cuối năm thì các DN có thể sẽ mua được một lượng lớn điều thô với giá khá rẻ (1.600 – 1.700 USD/tấn). Ngược lại, nếu không vay được vốn và phải bỏ cọc (10%, tương đương 100-150 USD/đơn hàng) thì con số thiệt hại của các DN ngành điều sẽ rất lớn.

Câu chuyện khát ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu của ngành điều kể trên là một ví dụ thực tế cho thấy thành công hay thất bại của nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập.

Thực tế, với giá nhập khẩu 1.700 USD/tấn điều thô (tương đương hơn 39 triệu đồng/tấn) thì việc các DN ngành điều kiến nghị các NHTM tiếp tục cho vay ngoại tệ để nhập nguyên liệu cũng là điều dễ hiểu. Bởi tính đến thời điểm hiện tại mặc dù kim ngạch xuất khẩu mỗi năm vẫn đạt khoảng 3,5 tỷ USD, nhưng ngành điều mới chỉ chủ động được khoảng 1/4 nguồn nguyên liệu nội địa. Trong khi đó, giá điều thô trong nước luôn cao hơn giá nhập khẩu từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Do sự chênh lệch khá lớn này nên việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập là không tránh khỏi.

Một ngành hàng khác cũng đang diễn ra tương tự đó là ngành tôm. Những thống kê gần đây cho thấy, mặc dù hiện nay Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới với kim ngạch năm 2017 đạt tới 3,85 tỷ USD, nhưng cũng là 1 trong 4 quốc gia nhập khẩu tôm nguyên liệu nhiều nhất thế giới.

Theo Tổng cục Hải quan, hiện con tôm xuất khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ 37 quốc gia trên thế giới. Chỉ trong giai đoạn 2016-2017, các DN Việt Nam đã chi hơn 1,3 tỷ USD để nhập khẩu thủy sản nguyên liệu từ thị trường Ấn Độ (trong đó chủ yếu là tôm đông lạnh). Kim ngạch nhập khẩu tôm quá lớn thậm chí đã khiến ngành tôm Việt Nam bị Cơ quan chống gian lận của EU cảnh báo về tình trạng thiếu minh bạch trong xuất xứ hàng hóa.

Tuy nhiên, cảnh báo này không khiến cho việc chi tiền tỷ nhập tôm nguyên liệu của các DN suy giảm. Với mức chênh lệch giữa giá tôm nhập khẩu với giá tôm nguyên liệu nội địa quá lớn (chẳng hạn chênh lệch 30.000-40.000 đồng/kg, đối với tôm thẻ chân trắng nguyên liệu loại 40 con/kg), hiện ngành tôm Việt Nam ngoài việc ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập còn đối mặt nguy cơ mất dần các thị trường xuất khẩu, vì tôm của các nước Ấn Độ, Ecuador… chỉ mượn mác Việt Nam để rồi xuất đi các thị trường lớn như Trung Quốc và Nhật Bản.

Bền vững với mô hình khép kín

Để “giải cứu” khẩn cấp tình trạng khát vốn nhập nguyên liệu, các DN ngành điều sẽ kiến nghị với NHNN để cho phép các NHTM thực hiện một “gói tín dụng” trị giá khoảng 800 triệu USD.

Mặc dù chưa biết kiến nghị kể trên chưa biết có nhận được sự đồng thuận hay không khi mà hiện mục tiêu chống đôla hóa vẫn được NHNN xác định trong dài hạn và từng bước chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Việc giải cứu vốn vay ngoại tệ cho ngành điều hoặc các ngành khác có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu lớn, sẽ tạo ra tiền lệ không tốt cho lộ trình chống đô la hóa mà NHNN đang thực hiện.

Ngay cả khi NHNN đồng thuận cho việc mở ra gói tín dụng ngoại tệ thì chưa chắc các NHTM đã cởi mở trong việc nới rộng hạn mức vốn vay. Bởi theo ông Nguyễn Quốc Phong - Giám đốc Khối khách hàng DN của Eximbank cái khó chung của các DN ngành điều hiện nay là tỷ lệ vốn chủ sở hữu quá thấp so với hạn mức vốn vay. Một khi các chỉ số rủi ro kinh doanh bị đẩy lên cao, tất nhiên các NHTM sẽ không dám mạnh dạn cho vay vì lo ngại rủi ro.

Vì lẽ đó, bản thân ông Nguyễn Đức Thanh cũng cho rằng, đã đến lúc ngành điều cần có kế hoạch dài hạn cho việc xây dựng các vùng nguyên liệu bền vững. Theo ông Thanh, hiện nay nhiều ngành hàng nông sản đã thực hiện khá tốt các mô hình khép kín. Tuy nhiên ở ngành điều, tình trạng manh mún vẫn đang rất phổ biến với khoảng 450 DN xuất khẩu và hơn 1.000 cơ sở chế biến nhỏ lẻ.

Việc liên kết giữa các DN chế biến với nông dân trồng điều mặc dù được đặt ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa có những mô hình hiệu quả. Điều này khiến cho ngành điều chưa có DN nào tham gia được vào chính sách hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ và Quyết định 1050/2014/QĐ-NHNN của NHNN trong khi nhiều DN ngành khác như lúa gạo, cá tra, rau quả… đã làm được điều này.

Đi trước một bước so với ngành điều, hiện các DN ngành tôm đã chủ động hình thành các mô hình cho vay khép kín. Theo đại diện Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, vừa qua cơ quan này đã phối hợp với Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) tổ chức hoàn thiện “Bộ quy tắc về tham gia và vay vốn theo chuỗi giá trị tôm tại Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau”.

Ông Trần Quốc Khởi - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Cà Mau cho rằng việc hình thành được bộ quy tắc này sẽ là bước đột phá, điểm tựa vững chắc cho người nuôi tôm ở ĐBSCL. Trước mắt, các đơn vị sẽ áp dụng bộ quy tắc này để thí điểm cho vay khép kín đối với 3 mô hình sản xuất – tiêu thụ tôm tại các địa phương kể trên, sau đó đánh giá và kiến nghị nhân rộng ra các mô hình khác.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến