Bế tắc vốn
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 11/8, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, sức ép tài chính cho các doanh nghiệp rất lớn, tái cấu trúc và phục hồi sau dịch. Nguồn vốn, tài chính là mạch máu cho doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết, đặc biệt cần khai thông hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo Nghị định 31.
Theo ông Công, việc khai thông nay cần cân đối cả việc nới room tín dụng, đây là vấn đề rất khó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang phải xử lý. Việc bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm cũng như giai đoạn sau này rất quan trọng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho hay, các doanh nghiệp xây dựng đại đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn hạn hẹp, khi thực hiện các hợp đồng xây dựng phần lớn chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị hợp đồng nên khi triển khai thực hiện phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công.
Thực chất công trường xây dựng cũng phải lo sản xuất, lo đời sống, công ăn việc làm cho người lao động không khác gì một nhà máy, nhưng tín dụng cho các doanh nghiệp xây dựng lại hoàn toàn chưa được ưu tiên như cho sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng bị siết room tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng cũng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao.
Hiệp hội xin đề xuất Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất.
Các doanh nghiệp mong muốn cần có nguồn vốn ổn định để vượt qua giai đoạn khó khăn. (Ảnh: Hoàng Hà)
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, thị trường BĐS có một số dấu hiện đáng lo ngại, đó là tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân, người lao động. Nguồn nhà ở liên tục giảm từ năm 2018 đến nay. Năm 2020 chỉ bằng 39,2%, năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017.
Đối với TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng, chỉ riêng lĩnh vực BĐS là tăng trưởng âm, giảm 5,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Tình trạng lệch pha về cung cầu và lệch pha về cung ứng thị trường dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm vừa qua, tính từ năm 2017. Hoạt động chuyển nhượng ách tắc, thị trường bất động sản hiện nay có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu. Riêng quý I/2022 và tháng 7/2022, doanh nghiệp BĐS không phát hành được trái phiếu nào.
Hiệp hội BĐS xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng bảo đảm tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất, làm thế nào để tiếp cận được tín dụng một cách thuận lợi hơn.
Cân nhắc tăng room tín dụng
Tại hội nghị, thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, việc xác định tăng trưởng tín dụng như thế nào để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng, NHNN khẳng tín dụng phải đạt được mục tiêu như vậy. Việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Đối với tăng trưởng tín dụng, thời gian tới NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững.
Về việc nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng của các ngân hàng và trần tăng trưởng tín dụng, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ: NHNN đang băn khoăn hai vấn đề: "Một là lạm phát. Tôi đã chứng minh là lạm phát năm nay chịu tác động từ cung tiền không nhiều. Hai là thanh khoản hệ thống ngân hàng, tiền huy động của hệ thống ngân hàng ít mà cho vay lại tăng. Huy động vốn chỉ tăng dưới 5% trong khi tín dụng tăng 9,35%.
Tôi đã phân tích một phần tiền năm nay không chảy vào chứng khoán, không chảy vào ngân hàng, bất động sản mà chảy vào sản xuất kinh doanh vì kinh tế phục hồi. Đó là điều tốt, tuy nhiên ngân hàng rõ ràng cần có vốn để cho vay".
“NHNN cần tính toán từ nay đến cuối năm dòng vốn FDI thế nào, đầu tư công ra làm sao, để xem trong bối cảnh như vậy lạm phát sẽ như thế nào, để không phải quá lo về câu chuyện lạm phát. Như vậy, NHNN bắt đầu có thể cân nhắc nới room sớm hơn thay vì chờ quý IV, vì sẽ là hơi muộn. Bên cạnh đó, để phục vụ cho tăng trưởng GDP, mức tăng trưởng tín dụng có thể cân nhắc cao hơn 14% vì đa số dòng tiền đi vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn là đầu cơ như mọi năm”, ông Cấn Văn Lực chia sẻ.
Tác giả: Duy Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy