Doanh nghiệp giao thông sau cổ phần hóa vẫn 'sống' tốt
20/08/2014 10:07:23
Ngày 18/8, làm việc với các đơn vị đã cổ phần hóa trong năm 2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu nhanh chóng đổi mới phương pháp quản trị doanh nghiệp.

 

 Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Bộ GTVT), đến nay cả 10/10 Tổng công ty trực thuộc Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) đã hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Trong đó có 4/10 đơn vị hoàn thành CPH theo đúng phương án. Hiện có 6 Tổng công ty nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối và 4 Tổng công ty có vốn nhà nước trên 51%.
 
Đến hết ngày 31/5, cả 10/10 Tổng công ty đã tổ chức xong đại hội đồng cổ đông lần đầu, thành lập công ty cổ phần. Đến hết 30/6 các đơn vị này cũng hoàn thành đăng ký doanh nghiệp, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
 
Tại cuộc họp, lãnh đạo của 10 Tổng công ty đã báo cáo tình hình hoạt động sau khi chuyển sang mô hình CPH. Đa số các ý kiến đều cho biết, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường và đang có tín hiệu tốt lên.
 
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4) cho biết: “Sau CPH mọi hoạt động của Tổng công ty vẫn diễn ra bình thường, thu nhập của người lao động vẫn ổn định. Vai trò của Đảng và các tổ chức đoàn thể trong Tổng công ty vẫn được giữ nguyên, thậm chí còn được tăng cường”.
 
Không chỉ giữ ở mức ổn định, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) còn cho biết: “Sau khi CPH, chúng tôi đặt nhiệm vụ phải có đột phá, giảm chi phí và tăng cường đầu tư công nghệ để phát triển. Trong mô hình hiện nay, dù thể chế có thay đổi nhưng các hoạt động của tổ chức Đảng, công đoàn và đoàn thanh niên… vẫn được duy trì. Tổ chức Đảng vẫn là bộ não chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Tổng công ty”.
 
Dù là là đơn vị gặp khá nhiều khó khăn khi chuyển sang mô hình CPH nhưng đại diện Tổng công ty Vận tải thủy cũng cho biết, từ khi chuyển sang mô hình CPH, tuy gặp một số khó khăn về việc giải quyết chế độ dôi dư lao động nhưng tình hình hoạt động chung của đơn vị bắt đầu khá lên.
 
Tại cuộc họp, một số ý kiến của các Tổng công ty cũng kiến nghị một số cơ chế tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ của Bộ cho các doanh nghiệp sau CPH như: cho phép một số công ty sửa chữa đường bộ tiếp tục thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng trên các tuyến đường do Bộ quản lý; Tiếp tục cho thoái phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần; Cho bán bớt phần vốn sở hữu nhà nước tại các đơn vị còn trên 51% vốn chủ sở hữu nhà nước…
 
Trong phần kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đánh giá cao nỗ lực lãnh đạo các Tổng công ty, doanh nghiệp trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ thực hiện thành CPH. Đồng thời Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp cần thay đổi tâm lý, phương pháp quản trị, sắp xếp cơ cấu sản xuất, ổn định tâm lý để tiếp tục phát triển. Đặc biệt, khi chuyển đổi sang mô hình mới, cần duy trì và phát huy vai trò của tổ chức Đảng và các đoàn thể để nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động…
 
“Sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Bộ và các cơ quan trực thuộc đối với các doanh nghiệp sau CPH là không thay đổi. Việc làm này không chỉ để giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, lao động thu nhập cao hơn mà quan trọng nhất là để các sản phẩm của các doanh nghiệp cung cấp cho xã hội được tốt hơn”, Bộ trưởng nói.

Theo Giao thông vận tải
 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến