Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp ngành điện thăng hoa trong quý đầu năm 2022
16/05/2022 15:34:49
Sản lượng tiêu thụ cùng giá bán điện tăng giúp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành điện được cải thiện đáng kể trong quý I/2022.

Báo cáo tình hình hoạt động trong quý I/2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhiệt điện than là nguồn điện được huy động lớn nhất với 28,37 tỷ kWh, chiếm 45% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống, theo sau là thuỷ điện (16,48 tỷ kWh, chiếm 26,1%).

Năng lượng tái tạo tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 10,01 tỷ kWh, chiếm 15,9% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (điện mặt trời đạt 6,86 tỷ kWh, điện gió đạt 2,95 tỷ kWh).

Xét về tình hình kinh doanh của 3 nhóm doanh nghiệp ngành điện (thuỷ điện, nhiệt điện, điện tái tạo) niêm yết trên sàn chứng khoán trong quý đầu năm nay, phần lớn các doanh nghiệp đều ghi nhận kết quả có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Thuỷ văn thuận lợi giúp DN thuỷ điện lãi lớn

Ở lĩnh vực thuỷ điện, hiện tượng La Nina được dự báo sẽ kéo dài cho đến tháng 5/2022, đây là điều kiện thuận lợi cho nhà máy thủy điện nửa đầu năm. Trong 3 tháng đầu năm 2022, tình hình hoạt động của các nhà máy thủy điện vẫn đang được duy trì tốt, tuy nhiên, đang dần có sự phân hóa.

Cụ thể, nhóm nhà máy thủy điện ở Bắc và Trung Bộ có dung tích chứa nước trung bình chỉ đạt 56 - 74% dung tích hồ trong khi các nhà máy ở khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ lần lượt đạt 75 - 99% và 80 - 95%. Do đó, hoạt động kinh doanh của nhà máy thủy điện miền Trung và miền Nam được kỳ vọng khả quan hơn.

Nổi bật nhất trong nhóm doanh nghiệp thuỷ điện phải kể đến Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (UpCOM: DNH) khi công bố doanh thu trong quý đạt gần 785 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ; khoản lãi sau thuế ở mức kỷ lục, với 511 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả kinh doanh tăng mạnh, công ty cho biết do tình hình thuỷ văn trên lưu vực các hồ Đơn Dương, Hàm Thuận tương đối ổn định, lưu lượng nước về hồ cao hơn trung bình nhiều năm đồng thời phân bố đều giữa các thời kỳ nên sản lượng điện sản xuất tăng. Các công ty liên doanh liên kết cũng mang về khoản lãi 13,7 tỷ đồng, tăng gần 5 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Ở vị trí thứ 2, Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HoSE: VSH) báo doanh thu đạt hơn 808 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với doanh thu hơn 190 tỷ đồng đạt được quý I/2021; lợi nhuận sau thuế gấp 4 lần cùng kỳ, lên mức 404 tỷ đồng, hoàn thành 77% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Tình hình thuỷ văn khu vực Miền Trung năm 2021 thuận lợi kéo dài đến năm đầu 2022, đồng thời có sự bổ sung sản lượng điện từ Nhà máy Thượng Kon Tum, dẫn tới tổng sản lượng điện thương phẩm trong quý I vừa qua tăng mạnh, đạt 392,88 triệu kWh, giúp Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh lãi lớn.

Trong nhóm này, Thủy điện miền Nam (HoSE: SHP) chuyển từ lỗ 4,2 tỷ đồng quý I/2021 sang lãi 61,4 tỷ đồng kỳ này.

Các doanh nghiệp khác như Thuỷ điện Thác Mơ (HoSE: TMP) báo lãi tăng trưởng 77% ở mức 122 tỷ đồng; Thuỷ điện A Vương (UpCOM: AVC) lãi 99 tỷ đồng, tăng 12%; Thuỷ điện Sông Ba Hạ (UpCOM: SBH) ghi nhận doanh thu đạt gần 133 tỷ đồng, tăng 14%; lãi sau thuế đạt gần 53 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Thuỷ điện Sê San 4A (UpCOM: S4A) lãi sau thuế 22,4 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

DN nhiệt điện hoạt động dè chừng

Nhóm doanh nghiệp nhiệt điện đang đối mặt với việc thiếu hụt lớn nguồn nhiên liệu để hoạt động (than) khi tình hình cung ứng nguồn than trong nước đang gặp khó.

Quý I/2022, khối lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 4,49 triệu tấn/5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, tương đương 76,7%, điều này khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng một số tổ máy vào cuối tháng 3.

Mặc dù nguồn cung than không đủ cầu nhưng sản lượng tiêu thụ của quý I năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, cùng với giá bán điện tăng giúp nhóm nhiệt điện cải thiện được biên lợi nhuận gộp. Kết quả, phần lớn các doanh nghiệp nhóm này đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3, HoSE: PGV) ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính đạt 10.905 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện sản xuất cùng giá bán bình quân tăng là nguyên nhân chính giúp doanh thu của EVNGENCO3 tăng trưởng mạnh.

Sự phục hồi của hoạt động kinh doanh chính giúp bù đắp đáng kể phần hụt đi của khoản doanh thu tài chính. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất nhờ vậy đạt 844 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng, tương đương mức tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, trong nhóm này, Tổng Công ty Phát điện 2 (UpCOM: GE2) là doanh nghiệp duy nhất đạt lãi sau thuế trên 1.000 tỷ đồng, tăng 143,5%. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ của GE2 được cải thiện từ 12,4% lên 20,8%. Cùng với đó, doanh thu tài chính cũng tăng lên 462 tỷ đồng, gấp 5 lần kỳ trước nhờ tăng lãi chênh lệch tỉ giá đã giúp cho lợi nhuận của doanh nghiệp tăng đáng kể.

Các doanh nghiệp khác cùng nhóm như Nhiệt điện Hải Phòng (HDN), Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (NT2) đều ghi nhận kết quả tương tự với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng.

Trong đó, Nhiệt điện Quảng Ninh có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất với doanh thu tăng 45% (2.598 tỷ đồng), lợi nhuận tăng 196% (346 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.

Do sản lượng điện quý này chỉ bằng 79% sản lượng của quý I/2021 nên Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) ghi nhận doanh thu giảm 7,8% (7.061 tỷ đồng) nhưng nhờ giá điện trung bình tăng, các chi phí được tiết giảm nên lãi sau thuế tăng 42% (803 tỷ đồng). Tình hình sản xuất năm nay của POW sẽ gặp nhiều khó khăn do nhiều nhà máy điện của doanh nghiệp tiến hành sửa chữa lớn và đại tu.

Duy nhất chỉ có Nhiệt điện Phả Lại (PPC) ghi lợi nhuận giảm 42% (80 tỷ đồng). Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm trong khi doanh thu gần như không đổi là do giảm khoản cổ tức nhận được so với cùng kỳ năm ngoái.

Năng lượng tái tạo tăng trưởng tích cực

Năng lượng tái tạo xếp thứ 3 trong nhóm năng lượng được EVN huy động trong quý I/2022, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong nhóm này có sự phân hoá lớn. Trên thực tế, mảng năng lượng tái tạo chỉ đóng góp một phần nhỏ trong cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp này.

Điển hình như Cơ điện lạnh REE (HoSE: REE) báo doanh thu hợp nhất đạt 2.045 tỷ đồng, tăng 72,9% so với cùng kỳ; lãi sau thuế quý I/2022 chạm mốc gần 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần thực hiện quý I/2021.

Đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đến từ mảng năng lượng. Tổng doanh thu của mảng năng lượng trong quý I/2022 đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 287% so với cùng kỳ, trong đó lĩnh vực điện gió ghi nhận thêm sản lượng của 3 nhà máy là Trà Vinh V1-3, Phú Lạc 2 và Lợi Hải 2.

Năm 2022, REE đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu là 9.279 tỷ đồng và và lợi nhuận sau thuế là 2.064 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I/2022, REE đã đạt được đạt 22% kế hoạch doanh thu và 46,2% kế hoạch lợi nhuận của năm.

Điện Gia Lai (HoSE: GEG) cũng có doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng. Doanh thu trong kỳ của doanh nghiệp đạt 570 tỷ đồng – tăng 87% so với cùng kỳ. Nhờ lãi gộp lớn nên sau khi trừ các khoản chi phí, Điện Gia Lai lãi sau thuế 174 tỷ đồng tăng 127% so với cùng kỳ.

Theo giải trình từ phía công ty, trong kỳ doanh thu bán điện tăng 270 tỷ đồng tương ứng tăng 89%, đồng thời giá vốn tăng 96 tỷ đồng do từ quý 4/2021 các nhà máy điện gió đã đi vào vận hành thương mại. Chi phí tài chính tăng so với cùng kỳ do phát sinh lãi vay từ các dự án điện gió đã đi vào vận hành thương mại.

Tương tự, Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1) ghi nhận doanh thu giảm 9%, ở mức 1.477 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ, đạt 179 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của PC1, doanh thu từ bán điện thu chiếm lớn nhất với 456 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến