Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp nước ngoài mong Việt Nam sớm có quy hoạch điện VIII
06/05/2023 08:10:35
Theo doanh nghiệp Nhật Bản, sự chậm trễ trong quy hoạch điện VIII sẽ gây ảnh hưởng đến các nhà máy điện tái tạo và các ngành liên kết.

Tại Hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), ông Santiago Alfonso - Trưởng bộ phận hợp tác kinh tế, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết Đức ủng hộ các nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc xây dựng quy hoạch điện VIII.

"Nhưng Đức cũng đề xuất Việt Nam nên đẩy mạnh hơn nữa phát triển điện mặt trời mái nhà đặc biệt là điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp. Ngoài ra, Đức đề xuất nên tận dụng khuôn khổ sẵn có của Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) để hỗ trợ, lồng ghép các hoạt động của Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)", ông nói.

Bà Chiaria Odetta Rogate chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng nhu cầu về nguồn của Việt Nam cho phát triển nguồn và lưới điện là rất lớn.

"Theo đó, vấn đề truyền tải điện cần đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, thương mại và an toàn. WB đề xuất Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư trong nước và quốc tế để có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay", bà nói.

Cho rằng cần gia tăng xe điện, ông Keiju Mitsuhashi - Phó giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết với mục tiêu đạt phát thải ròng vào năm 2050, Việt Nam đã công bố tham vọng 100% xe điện sẽ chạy bằng năng lượng điện và năng lượng xanh, đồng thời phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng sạc điện trên cả nước.

Quy hoạch điện VIII nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: MOIT.

"Trong dự thảo quy hoạch điện VIII, tác động của EV và cơ sở hạ tầng sạc EV đối với biểu đồ phụ tải và hoạt động của hệ thống lưới điện không được phản ánh, cũng như cơ hội sử dụng các phương tiện được kết nối như một kho lưu trữ năng lượng để cung cấp các dịch vụ lưới điện", ông nói.

Ông cho biết ADB đã cung cấp 135 triệu USD cho VinFast, công ty con của Tập đoàn Vingroup để mở rộng sản xuất xe buýt điện tử và cơ sở hạ tầng sạc điện cho xe điện. Ngoài ra, ADB đang hỗ trợ VinFast trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc sử dụng xe điện và đánh giá tác động của quá trình chuyển đổi sang xe điện của Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) đánh giá nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu điện ở Việt Nam trong thời gian tới. Sự chậm trễ trong quy hoạch điện VIII đã ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến các nhà máy điện tái tạo mà còn đến các ngành liên kết như sản xuất nhiên liệu sinh khối vốn đã bị tạm dừng.

"Để giảm bớt những lo ngại từ ngành, điều cần thiết là phê duyệt quy hoạch điện VIII càng sớm càng tốt để đảm bảo rằng các khoản đầu tư vào sản xuất điện phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế", đại diện hiệp hội nhìn nhận.

Ngoài ra, JCCI đề xuất thúc đẩy việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và nới lỏng các yêu cầu về tính đủ điều kiện đối với dự thảo hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) đối với năng lượng tái tạo.

Đề án Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương trình Thủ tướng lần đầu vào tháng 3/2021. Từ đó tới nay, Bộ Công thương đã lần lượt có 8 tờ trình khác về đề án này, với lần gần nhất vào tháng 11/2022.

Tác giả: Thanh Thương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến