Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp tìm vốn đầu năm
17/02/2019 15:06:52
Thời điểm đầu năm luôn là lúc các doanh nghiệp cần vốn để đầu tư phát triển, mua thêm trang thiết bị, mở rộng sản xuất nhằm nâng cao năng lực kinh doanh.

Các ngân hàng đang rất nỗ lực để tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN.

Xoay vốn từ nhiều cách

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1/2019, cả nước có 10.079 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 151,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7% về số DN và tăng 53,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 15 tỷ đồng, tăng 64,8%. Nếu tính cả 484 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong tháng 1 là 635,1 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy, một lượng lớn vốn đã và đang được đổ vào nền kinh tế từ các DN, nên nhu cầu về vốn đầu năm là rất lớn.

Các DN hiện nay có nhiều phương thức để tiếp cận nguồn vốn, trong đó, vay vốn qua ngân hàng là phổ biến nhất. Với các DN lớn và đã có uy tín, thương hiệu mạnh, việc vay vốn qua ngân hàng có thể dễ dàng hơn; nhưng với các DN nhỏ và vừa, đây là vấn đề còn không ít khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Xuân Pha, Giám đốc Công ty TNHH XNK Phương Thanh (DN chuyên sản xuất, XK đồ thủ công mỹ nghệ) cho hay, DN vẫn hoạt động chủ yếu bằng vốn tự có. Tuy nhiên, thời điểm năm mới các đơn hàng nhiều, DN cần vốn gấp để sản xuất nên phải đi vay ngắn hạn tại ngân hàng. Với kênh này, DN phải trả lãi suất khoảng trên 7%/năm, dù thủ tục cho vay rất nhanh, giải ngân cũng nhanh nhưng DN phải có tài sản thế chấp thì ngân hàng mới đồng ý cấp tín dụng. Ông Pha cho biết, DN rất mong muốn được ngân hàng chấp thuận cho vay tín chấp nhưng vẫn chưa được đồng ý.

Cùng với phương thức vay vốn, đại diện một DN sản xuất hàng gia dụng cho biết, trong năm mới, DN sẽ đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn toàn mới, tổng mức đầu tư lên tới 4.000 tỷ đồng. Do đó, để có được nguồn kinh phí này, DN đã phải huy động từ nhiều kênh khác nhau. Dù vay vốn ngân hàng đóng vai trò chủ lực, nhưng DN đã tính toán, sắp xếp doanh thu, lợi nhuận từ những năm trước để giảm tối đa chi phí đầu vào cho sản xuất, tránh phát sinh cao do lãi vay.

Tìm hướng tiếp cận

Nói về việc tiếp cận vốn của DN, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho biết, hiện các ngân hàng đang nâng lãi suất cho vay, điều này ảnh hưởng đến DN vì dịp cuối năm và đầu năm phải nhập nhiều hàng hóa, nguyên phụ liệu cho sản xuất, trả lương thưởng cho nhân viên… khiến chi phí đầu vào của DN tăng tới 10-20%. Do đó, việc tìm kiếm được nguồn vốn giá rẻ vào dịp đầu năm thường khá nan giải với không ít DN.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6%/năm. Tuy đây là mức lãi suất không phải quá cao nhưng với nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa, việc tiếp cận vốn vẫn rất khó khăn do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo các DN, việc giảm lãi suất cho vay chỉ là một phần nhỏ của giải pháp khơi thông nguồn tín dụng, mà điều quan trọng phải là việc cải thiện phương thức để DN tiếp cận được nguồn vốn.

Để giải quyết những khó khăn trên, ngoài việc cố gắng tối đa không tăng lãi suất, các ngân hàng đều đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho nhiều đối tượng DN, với hình thức cấp tín dụng đa dạng, tỷ lệ tài trợ cao, linh hoạt, giúp DN đảm bảo nhu cầu vốn kinh doanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của DN. Tuy nhiên, các DN cũng phải chủ động, cải thiện phương thức hoạt động, sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, cung cấp báo cáo tài chính đầy đủ để ngân hàng có thể tin tưởng cho vay.

Theo ông Mạc Quốc Anh, để đảm bảo tình hình tài chính cho DN trong năm mới, DN phải chủ động cơ cấu lại khoản vay, khoản trả nợ theo tình hình lãi suất. Ngoài ra, DN có thể tìm kiếm các giải pháp tài chính khác như quỹ đầu tư, hợp tác... để tối đa hóa lợi nhuận. Ngoài ra, đại diện cộng đồng DN nhỏ và vừa Thủ đô cũng cho rằng, các ngân hàng phải ổn định lãi suất thì DN mới có thể yên tâm vay vốn và ổn định làm ăn; Hiệp hội sẽ tiếp tục, hỗ trợ rà soát, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động hội thảo, xúc tiến thương mại, giúp DN vừa có thêm bạn hàng, vừa có thêm nguồn tài trợ.

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến