Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp vừa và nhỏ lay lắt trong cơn bão giá xăng dầu
30/06/2022 10:03:20
Giá xăng dầu liên tục tăng kỷ lục chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đẩy chi phí sản xuất và vận hành tăng lên khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản.

Càng làm càng lỗ

Trong làn sóng dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã lao đao, ngấp nghé bờ vực phá sản do sản xuất đình trệ. Khi dịch qua đi, hoạt động sản xuất mới trở lại chưa được bao lâu thì “cơn bão giá” xăng dầu tiếp tục ập đến khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ kiệt quệ. Trong đó, chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất là các doanh nghiệp vận tải.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 12 tuyến xe bút cố định với trên 200 đầu xe, nhưng hiện chỉ còn 6 tuyến với trên 70 xe có thể duy trì hoạt động ở mức cầm chừng; 6 tuyến buộc phải tạm dừng hoàn toàn.

Doanh nghiệp vận tải gặp thách thức kép, sau dịch COVID-19 đến giá xăng dầu

Theo ông Lê Xuân Long, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa, chịu ảnh hưởng kép của dịch COVID-19 kéo dài và giá xăng dầu tăng cao đã khiến cho ngành vận tải thiệt hại nặng nề. Nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản khi hàng trăm phương tiện buộc phải ngừng hoạt động.

Nhiều hãng taxi cũng đang chịu chung số phận khi nhiều xe đắp chiếu do giá xăng dầu tăng kỷ lục.

Ông Lê Đức Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Mai Linh Thanh Hóa cho biết, giá xăng dầu quá cao khiến lợi nhuận công ty giảm mạnh. Hiện công ty đang có 950 xe taxi - là hãng có số đầu xe lớn nhất trong tỉnh. Trong hơn tuần qua, đã có nhiều lái xe của công ty có đơn xin tạm nghỉ việc với lý do thu nhập không còn bảo đảm. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn có thêm nhiều lái xe bỏ việc, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều tuyến xe bus đã phải cắt giảm tuyến vì không gánh nổi giá nhiên liệu

Tình hình tại các doanh nghiệp vận tải đường dài cũng ảm đạm không kém. Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Trường Hằng (TP Thanh Hóa), có 15 xe khách giường nằm chạy tuyến cố định Thanh Hóa - Bắc Ninh, Thanh Hóa - Hà Nội và Thanh Hóa - Lâm Đồng. Trong thời gian dịch bệnh, các đợt giãn cách xã hội hồi đầu thời kỳ dịch bệnh khiến năm 2020 các tuyến xe dừng hoạt động 3 tháng, năm 2021 dừng hoạt động tổng thời gian khoảng 7 tháng. Những khoảng thời gian còn lại của 2 năm này các xe cũng hoạt động cầm chừng vì ít khách.

Khi giá xăng dầu lại leo thang, trở thành thách thức kép với doanh nghiệp vận tải. Ông Mai Văn Trường, Giám đốc Công ty cho hay, các xe đều loại 60 giường, lâu nay mỗi chuyến chỉ duy trì từ 10 đến 15 khách nhưng vẫn phải chạy. Mỗi chuyến đi Hà Nội hay Bắc Ninh đều lỗ từ 1,5 đến 3 triệu đồng, nhà xe đành giảm chuyến. Trước kia, mỗi ngày, công ty chạy 5 chuyến Hà Nội và Bắc Ninh, nay chỉ duy trì 2 chuyến. 3 chuyến đi Lâm Đồng mỗi ngày, nay giảm còn 1 chuyến, bởi lộ trình càng dài càng lỗ nhiều hơn.

“Công ty vẫn đang 20 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau, hằng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng một khoản lớn. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, chỉ cần đến cuối năm là công ty phá sản”, ông Trường giãi bày.

Lay lắt chờ "bão tan"

Không chỉ doanh nghiệp vận tải, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cũng lao đao không kém do ảnh hưởng của giá xăng dầu.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Hưng (Thanh Hóa) cho biết, giá xăng dầu kéo theo giá nguyên vật liệu đầu vào tăng lên, gây khó khăn cho nhà thầu khi thi công các dự án, công trình có vốn của Nhà nước.

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó khăn cho chi phí logistics tăng cao

”Tổng vốn đầu tư của dự án không thay đổi, nhưng giá hàng hóa vật liệu thì leo thang, nhà thầu không làm thì dự án đình trệ, mà càng làm càng lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Chúng tôi hiện không biết phải làm sa, tiến thoái lưỡng nan. Mong nhà nước sớm có cơ chế điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo đơn giá thị trường, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Giá xăng dầu kéo theo chi phí logistics tăng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng đang gặp nhiều thách thức. Ông Nguyễn Văn Hợp, Giám đốc công ty gỗ Như Xuân cho biết: 3 tháng nay, chi phí vận chuyển tăng cao, trong khi giá sản phẩm thấp, càng làm càng lỗ nên công ty của ông không thể xuất hàng sang Mỹ và châu Âu. Trước khi doanh nghiệp có hơn 100 lao động, nay cắt giảm nhiều lao động, song vẫn phải hoạt động cầm chừng để giữ công nhân.

“Chúng tôi vẫn phải tìm cách xoay sở để sống sót qua giai đoạn biến động này, áp lực nhất là lãi suất ngân hàng hàng tháng. Dù không có lợi nhuận, chúng tôi cũng không thể để công ty phá sản”, ông Hợp ngao ngán.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến