Thép xây dựng đã trải qua 5 lần tăng giá từ đầu năm đến nay.
Chi phí đầu vào tăng chóng mặt
Ngày 16/3, các doanh nghiệp thép thông báo điều chỉnh tăng giá thép xây dựng thêm từ 310 - 1.470 đồng/kg. Chỉ từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường thép đã trải qua 5 lần tăng giá.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xung đột Nga - Ukraine có thể dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng ngành thép tại châu Âu, do Nga là nhà cung cấp lớn về sắt và thép cho thị trường này. Năm 2021, Nga và Ukraine chiếm khoảng 20% sản lượng thép nhập khẩu của khu vực này. Sự mất cân đối về cung - cầu được cho là nguyên nhân đẩy giá thép tăng vọt.
Ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã PHC) cho biết, đối với những công trình dân dụng và công nghiệp có mức độ xây thô hoàn thiện mặt ngoài, giá thép chiếm khoảng 25 - 30% giá thành. Từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng tới 30%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo ông Phúc, biên lợi nhuận và chi phí quản lý chiếm tối đa 10% giá trị công trình, mà riêng giá thép đã ngốn tới 9% lợi nhuận, do đó, một số công trình của PHC đang chịu lỗ.
Thông tin được ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) chia sẻ, các loại vật liệu xây dựng đều tăng mạnh, đặc biệt là thép, có loại tăng đến 70%, thấp cũng vào khoảng 40%.
Mỗi năm, chỉ riêng nhu cầu sử dụng thép tại Hòa Bình đã lên đến hàng trăm nghìn tấn, nên giá thép tăng khiến chi phí của Công ty tăng thêm hàng trăm tỷ đồng.
“Các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là doanh nghiệp đóng vai trò tổng thầu sẽ càng chịu nhiều áp lực. Chúng tôi chịu sức ép về tiến độ với chủ đầu tư nên phải tìm cách giữ chân các nhà thầu phụ bằng cách bù giá cho họ”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty Hợp Lực cũng than thở, giá thép và vật liệu xây dựng hiện đã vượt xa mức đơn giá ở thời điểm doanh nghiệp ký kết hợp đồng, vì vậy, các hợp đồng mà Hợp Lực đang triển khai đều trong tình trạng thua lỗ.
Giá vật liệu biến động liên tục cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi đưa ra giá chào thầu, quá trình đàm phán vì thế bị kéo dài.
“Có những nhà thầu phụ đã hợp tác lâu dài, họ chấp nhận chịu lỗ cùng với tổng thầu, nhưng cũng có những đơn vị không chịu được mức tăng giá vật liệu đã bỏ cuộc, khiến chúng tôi phải đi tìm nhà thầu khác”, ông Thành cho hay.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (mã DPG), nhà thầu trong liên danh thi công gói thầu XL01 Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết cho biết, hiện các nhà thầu đã thi công xong khoảng hơn 60% khối lượng dự án, “nhưng với tình trạng giá vật liệu tăng mạnh như hiện nay, e rằng tiến độ chung của dự án có thể bị ảnh hưởng”.
Theo ông Tuấn, so với thời điểm gói thầu XL1 tổ chức đấu thầu (tháng 9/2020), giá thép và các loại vật liệu xây dựng khác đã tăng trung bình khoảng 45%. Không chỉ thép tròn, mà tất cả các loại thép phục vụ thi công gói thầu như thép hình, thép tấm, ống siêu âm, cáp dự ứng lực… cũng đồng loạt tăng giá mạnh. Ngoài ra, thời gian qua, theo đà tăng mạnh của theo giá xăng dầu, các loại đất đắp, đá, cát sỏi... cũng tăng đột biến.
“Hiện liên danh nhà thầu đang phải thi công công trình trong tình trạng chịu lỗ, càng thi công càng lỗ”, ông Tuấn nói.
Nỗi lo vỡ tiến độ
Tổng giám đốc Tập đoàn Đạt Phương cho biết thêm, để giữ chân các nhà thầu, hiện đơn vị tổng thầu buộc phải điều chỉnh tăng đơn giá, tuy nhiên hợp đồng có loại có thể điều chỉnh, nhưng cũng có loại không thể điều chỉnh.
Vì vậy, đã có nhà thầu nhỏ đơn phương chấm dứt hợp đồng để cắt lỗ và Đạt Phương đang phải tìm cách bổ sung nhà thầu mới để tránh ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
“Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam có phương án hỗ trợ nhà thầu”, ông Tuấn cho biết và khẳng định, nhiều nhà thầu thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam đang phải “gồng lỗ” vì giá vật liệu leo thang.
Tại Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, mặc dù có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng chi phí nguyên vật liệu tăng chóng mặt, nhưng ông Hải thừa nhận, “chỉ giải quyết được một phần nào những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay”. HBC đang tập trung vào hai giải pháp để kiểm soát rủi ro: Thương lượng điều kiện trượt giá với chủ đầu tư và thương lượng điều kiện ổn định giá với nhà đầu tư, nhà cung cấp.
“Chúng tôi tính toán, ngay khi trúng thầu, nếu chúng tôi làm việc được ngay với nhà cung cấp thì rủi ro sẽ giảm bớt. Nhưng thực tế, chúng tôi vẫn phải chấp nhận chịu lỗ trong thi công nhiều công trình”, ông Hải nói.
Với Phục Hưng Holdings, ông Phúc cho biết, giải pháp để ứng phó với bão giá vật liệu là ngay sau khi ký hợp đồng, Công ty đặt hàng mua nguyên vật liệu. Cùng với đó, Công ty chú trọng giảm thiểu hao hụt vật liệu và tăng năng suất lao động.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) thông tin, Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ cho các nhà thầu xây dựng.
Theo tính toán của VACC, thép xây dựng chiếm khoảng 18 - 20% giá thành xây dựng công trình dân dụng và chiếm tỷ lệ cao hơn đối với công trình xây dựng công nghiệp và hạ tầng. Đối với các công trình tư nhân, nhà thầu và chủ dự án có thể ngồi lại với nhau để tính toán điều chỉnh hợp đồng. Nhưng đối với các công trình đầu tư công, nhiều nhà thầu chấp nhận dừng dự án và chịu phạt.
“Nếu cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát, bình ổn giá, nhiều công trình sẽ vỡ tiến độ, buộc phải dừng thi công”, ông Hiệp nhận định.
Tác giả: Minh Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy