Doanh nghiệp xi măng 'ngắm' thị trường Lào
23/04/2015 16:18:37
ANTT.VN – Theo Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Trần Nam, các doanh nghiệp xi măng hiện nay mới chỉ “mải” cạnh tranh nhau về giá thành mà chưa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì.

Tại Hội thảo “Xuất khẩu xi măng – Hướng tới tăng trưởng bền vững” do Bộ Công thương phối hợp cùng Bộ Xây Dựng tổ chức sáng 23/4, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, ngành xi măng Việt Nam đang có nhiều thuận lợi do nguồn tài nguyên để sản xuất xi măng trong nước rất dồi dào. Ước tính, trữ lượng đá vôi để sản xuất ra xi măng có thể dùng trong vòng 100 năm tới và là điều kiện tốt để vươn lên chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Với tiềm năng như vậy, dự báo đến năm 2020 công suất của ngành này có thể đạt 100 triệu tấn xi măng/năm.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

Sau nhiều năm phải nhập khẩu, năm 2010 Việt Nam đã xuất khẩu xi măng và clinker, sau 4 năm gia nhập nhóm các mặt hàng xuất khẩu, ngành xi măng đã xuất khẩu mới mức tăng trưởng nhanh và trở thành một trong những nước đứng đầu Đông Nam Á.

Tính riêng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu xi măng, clinker đã đạt mức 912 triệu USD tăng gần gấp 10 lần so với năm 2010 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia xuất khẩu xi măng.

Thứ trưởng Nam cũng đánh giá, với con số xuất khẩu gần 1 tỷ USD năm 2014, ngành xi măng đã góp phần vào tăng nguồn ngoại tệ và thu hẹp cán cân thanh toán của nước ta, “con số này có thể duy trì ổn định và lâu dài, nếu thống nhất cao, quy hoạch xi măng sẽ hướng đến xuất khẩu, tôi ủng hộ xuất khẩu xi măng vì tiềm năng trong nước là rất lớn” – ông Nam nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nam cũng nhận định, “hiện tại các doanh nghiệp xi măng chưa chú trọng cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm mà cạnh tranh phổ biến nhất vẫn là hạ giá thành”. Đồng thời, do công suất lớn nên ngành xi măng cũng cần giải quyết bài toán tăng trưởng bền vững, cũng như ít tác động đến môi trường.

Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, Việt Nam đứng thứ 5 trong top các nước sản xuất nhiều xi măng trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ, cả nước có 74 dây chuyền đang vận hành với tổng công suất thiết kế là 77,36 triệu tấn, công suất huy động 72 – 73 triệu tấn, tỷ lệ khai thác công suất trung bình của cả nước là 96%.

Bảng sản lượng xi măng sản xuất và tiêu thụ từ năm 2005 đến 2014 và dự kiến năm 2015 mà ông Tới đưa ra cho thấy, về xuất khẩu xi măng bắt đầu từ năm 2010 là 1,2 triệu tấn/năm, trong đó, xi măng là 0,60 triệu tấn, clinker là 0,60 triệu tấn; đến năm 2014 xuất khẩu đạt 20,40 triệu tấn nhưng trong đó xi măng chiếm có 4,74 triệu tấn còn clinker chiếm những 15,66 triệu tấn. Như vậy là việc xuất khẩu xi măng của nước ta ít hơn rất nhiều so với việc xuất khẩu clinker.

Toàn cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Quản lý bán hàng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, xu thế tăng trưởng xi măng trong nước năm 2015 dự kiến vẫn tăng, tuy nhiên Việt Nam vẫn cần xuất khẩu xi măng – Clinker nhiều hơn năm trước để cân bằng cung cầu do dư thừa 10 triệu tấn sau khi bị trừ đi lượng xi măng dự kiến tiêu thụ trong nước (51 – 52 triệu tấn) vầ xuất khẩu ( 19 – 20 triệu tấn).

Nhà xuất khẩu Việt Nam ngày càng có kinh nghiệm và hiểu biết hơn trong thương mại quốc tế; uy tín Việt Nam ngày càng cải thiện trên thị trường xi măng quốc tế; clinker và xi măng xuất khẩu là nguồn tài chính đáng kể đối với các nhà xản xuất xi măng.

Theo dự báo của VICEM, về khối lượng xi măng xuất khẩu năm 2015 dự kiến từ 4 - 5 triệu tấn nhờ nhu cầu cao từ thị trường chính Indonesia, Lào và Campuchia; giá xuất khẩu có thể giảm nhẹ để tăng cạnh tranh do cước vận chuyển và giá dầu thấp.

VICEM cũng dự báo, xuất khẩu clinker sẽ giảm sút, năm 2015 có khả năng giảm xuống mức 12 -13 triệu tấn do cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường xuất khẩu khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan; giá xuất khẩu sẽ chịu áp lực và biến động mạnh vì hầu như các nhà xuất khẩu chỉ ký kết giao hàng theo từng chuyến và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Bangladesh; đồng thời, do ảnh hưởng bởi nhu cầu nhập khẩu thấp, cạnh tranh khốc liệt và giảm giá đáng kể chênh lệch cước vận tải, giá clinker sẽ giảm hơn mức xuất khẩu năm 2014.

Kiều Chinh – Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến