Dòng sự kiện:
Doanh thu và lợi nhuận của Vận tải biển Hải Âu giảm mạnh
17/09/2024 06:18:00
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Vận tải biển Hải Âu (SSG) ghi nhận doanh thu đạt 18,4 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Công ty lỗ sau thuế hơn 178,3 triệu đồng.

Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (UPCoM: SSG) vừa công bố phương án tái cơ cấu tài sản Công ty.

Nội dung này dự kiến sẽ trình lên đại hội đồng cổ đông bất thường 2024 vào ngày 18/9 tới đây. Ngoài việc tái cơ cấu tài sản, Công ty cũng trình nội dung quan trọng khác là điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu chỉ đạt 18,4 tỷ đồng, bằng 64% so với kế hoạch.

Báo cáo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2024 của Công ty cho thấy, doanh thu vận tải chỉ đạt 18,4 tỷ đồng, bằng 64% so với kế hoạch và bằng 83% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lý giải của Công ty, do giá cước trung bình 8 tháng đầu năm 2024 là 3.400 USD/ngày, trong khi cùng kỳ là 3.809 USD/ngày. Ngoài ra, tàu Sea Dream có 30 ngày offhire (thời gian không tính tiền thuê) để sửa chữa máy phát điện số 1, tương đương doanh thu giảm 2,6 tỷ đồng.

Theo hợp đồng thuê tàu mới ký từ ngày 3/7/2024 đến hết ngày 1/10/2024, giá cước thuê tàu là 3.400 USD. Về doanh thu tài chính, Công ty ghi nhận khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm là 1,1 tỷ đồng, đạt 74% so với kế hoạch.

Sau khi trừ các khoản chi phí, Công ty hiện đang lỗ sau thuế hơn 178,3 triệu đồng. Kết quả này không đạt so với kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã đề ra. Theo lý giải của Công ty, nguyên nhân lợi nhuận không đạt là vì doanh thu 8 tháng đầu năm có 30 ngày offhire, tương đương 2,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, sau việc thực hiện thanh lý tàu Sea Dream, Vận tải biển Hải Âu dự kiến trình đại hội đồng cổ đông bất thường tới đây về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Về phương án tái cơ cấu tài sản, Vận tải biển Hải Âu cho biết, sau gần 18 năm khai thác, tàu Sea Dream đang bước vào giai đoạn tàu già, tình trạng kỹ thuật bắt đầu thường xuyên có những dấu hiệu không ổn định trong khi vẫn phải vận hành khai thác tuyến quốc tế rất khắc nghiệt.

Do đó, chi phí vận hành tàu Sea Dream đi vào giai đoạn tăng cao và nguy cơ offhire (thời gian không tính tiền thuê) dài ngày. Ngoài ra, tàu Sea Dream đến hạn cuối lên đà trung gian lần thứ 4 (IS4) vào ngày 15/1/2025, ước tính sơ bộ chi phí lên đà đợt này có thể từ 12-15 tỷ đồng và 5 tỷ đồng mất doanh thu và chi phí hoạt động trong thời gian 35 ngày lên đà.

Trước bối cảnh như vậy, việc bán tàu Sea Dream trong thời gian sớm nhất, cố gắng trước thời gian lên đà trung gian để tái đầu tư tàu khác.

Công ty đã tiến hành thẩm định giá với CTCP Tập đoàn Vinacontrol (HNX: VNC) và theo kết quả ngày 6/9, tàu Sea Dream có giá hơn 90 tỷ đồng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Công ty chào bán môi giới trong nước 100 tỷ đồng và 4 triệu USD cho khách hàng người nước ngoài.

Kết quả, tàu Sea Dream nhận được lời chào mua với giá dao động từ 2,8-3,3 triệu USD, tương đương từ 70-82 tỷ đồng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Sau khi thanh lý tàu Sea Dream, Công ty dự kiến tái đầu tư 1 con tàu có trọng tải tương đương từ 12.000-13.000 DWT, biên độ tuổi từ 10-12 năm và xuất xứ Nhật Bản, giá khoảng 8 triệu USD. Trong đó, giá bán tàu cũ dự kiến là 3,4-3,6 triệu USD, đối với phần ngân sách còn thiếu, Công ty sẽ lên kế hoạch tăng vốn điều lệ hoặc vay ngân hàng.

Sau việc thực hiện thanh lý tàu Sea Dream, Vận tải biển Hải Âu dự kiến trình đại hội đồng cổ đông bất thường tới đây về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024. Cụ thể, tổng doanh thu dự kiến tăng 224,5%, từ 30,2 tỷ lên hơn 98 tỷ đồng. Chi phí hoạt động dự kiến tăng 51,3% lên hơn 35,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng tới hơn 9,5 lần (tương đương tăng 851,9%) lên hơn 49,5 tỷ đồng.

Được biết, kế hoạch này được xây dựng trên kịch bản là giá tàu dự kiến là hơn 73,9 tỷ đồng và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đây là mức giá bằng với 90% so với định giá của Vinacontrol.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến