Ngôi chợ này cũng là nơi Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ tập trung quân lính, lương thực… để thần tốc tiến quân ra Bắc đánh tan 27 vạn quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789.
Đánh trống khai mạc Lễ Hội chợ Gò
Phiên chợ lịch sử
Chợ Gò có từ thời anh em nhà Tây Sơn. Ngày đó Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ giao cho hai phó tướng là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy quân sỹ phòng thủ ở cửa biển Thị Nại để đề phòng chúa Nguyễn Ánh (sau này là Vua Gia Long) đánh úp bất ngờ. Tại ngôi chợ này, ngày ngày nghe quân lính tâm sự nỗi xa nhà, chứng kiến cảnh người vợ trẻ ôm con chờ chồng gần trại lính, những bà mẹ ở tuổi xế chiều ngóng chờ con, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ hiểu được nỗi buồn của họ. Nhân dịp Tết năm đó, Vua cho mở lễ hội vui xuân để quân sỹ gặp mặt người thân và khích lệ tinh thần họ. Cũng tại khu vực này, trước khi tiến quân ra bắc, người dân trong vùng chủ động mang lương thảo đến ủng hộ cho nghĩa quân Tây Sơn tiến quân thần tốc ra bắc đại phá 27 vạn quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789. Để tưởng nhớ công lao to lớn ấy, cứ đến mùng 1 Tết âm lịch hằng năm, người dân nơi đây tổ chức buổi nhóm phiên chợ đặc biệt này.
Hơn 200 năm qua, những ngày cuối năm, không ai bảo ai, người dân đất võ tập trung về thôn Phong Thạnh, xã Gia Nghĩa, huyện Tuy Phước để chuẩn bị cho lễ hội. Theo truyền thống, mỗi năm chính quyền sở tại xây dựng công trình nằm trong công viên bến Trường Úc để tổ chức lễ hội. Ngày trước khu vực này là nơi neo các thuyền chiến của nghĩa quân Tây Sơn.
Biểu diễn võ cổ truyền
Khi những tràng pháo hoa đón năm mới vụt tắt, người dân quanh vùng mang những món hàng như lá trầu, buồng cau, chùm sung, vôi Trường úc... được xem là lộc đầu năm đến chợ bày bán. Trong hơi sương lành lạnh giữa thời khắc giao mùa, những ông lão, bà cụ ở tuổi bên kia sườn dốc khoác chiếc áo bông, áo len dày cộm run run đôi bàn tay cầm chiếc đèn dầu le lói chiếu sáng trong đêm đặc quánh để giới thiệu khách hàng các sản phẩm từ “cây nhà lá vườn”.
Không giành giật, lời qua tiếng lại như các phiên chợ thường ngày, chủ hàng nào đến trước thì dọn hàng gần khu trung tâm lễ hội, người đến sau cứ thế nối đuôi nhau. Những vị khách mở hàng mua lộc đầu năm phần lớn là những cặp đôi mới nên duyên vợ chồng, họ mua mớ trầu, trái cau và chút vôi để tăng thêm duyên thắm tình nồng, giữ trọn một lòng sắt son. Ngoài ra có cả trăm gian hàng bán đồ ăn thức uống, chủ yếu là các đặc sản của người dân bản xứ như: Nem Chợ Huyện, rượu gạo Trường Úc, bún song thần An Thái, bánh ít lá gai, bún chả cá Qui Nhơn, tré... những món đặc sản này từ lâu đã đi vào thơ ca: “Rượu ngon Trường Úc mê ly/Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi không đành” hay “Muốn ăn bánh ít lá gai/Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”...
Đánh bài chòi cổ không thể thiếu tại lễ hội Chợ Gò
Thay nhau hái lộc
6h sáng, mặt trời lên cao. Những tia sáng ban mai xuyên qua khe hở các tán cây trên núi Trường Úc kéo dài thành vệt dài, báo hiệu ngày đầu năm mới bắt đầu. Dòng người đổ về đông đúc khiến cho nhiều tuyến đường dẫn về chợ Gò như: Đào Tấn, Nguyễn Huệ, Quốc lộ 1A... chật cứng người. Mỗi người đến chợ Gò không những mua lộc về nhà mà phiên chợ cũng là dịp để gặp người quen để thăm hỏi, động viên và chúc đầu năm may mắn. Điều đặc biệt người mua kẻ bán trong phiên chợ đều mặc quần áo mới, ai cũng cười nói, mặc tươi như hoa. Người bán không phải vì mục đích sinh lợi, còn người mua với mục đích hái lộc đầu năm, bởi vậy ở phiên chợ không ai mặc trả giá, cò kè bớt một thêm hai.
Trong sương sớm, cụ Hà Thị Mại (79 tuổi, ngụ thôn Trung Tín) có hơn 60 năm bán cau ở chợ Gò lời rằng, hơn nửa thập kỷ qua, năm nào cụ cũng có mặt ở chợ Gò. Tuy một năm chợ chỉ nhóm họp có một ngày, nhưng như thế đã là quá đủ với những người con quê hương, và người xa xứ gặp mặc. Vì đây là lễ hội linh thiêng mang đậm hồ cốt dân tộc nên cụ đều chọn trong vườn nhà buồng cau lá trầu tươi đẹp nhất gánh ra chợ Gò bán lấy lộc đầu năm. “Tục lệ ở vùng, khách mua 12 lá trầu tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Trong gói trầu còn có hai trái cau chín đỏ, một ít vôi Trường Úc, một chùm trái sung. Tất cả nói lên mong ước sung túc của mọi gia đình trong năm mới”, cụ Mại cho biết thêm.
Trầu cau món hàng chủ đạo bán ở chợ Gò
Chiều muộn, chen chúc bên các gian hàng bán rượu bầu đá, những thanh niên ở tuổi đôi mươi liếc mắt đưa tình các thiếu nữ thước tha trên mình chiếc áo dài truyền thống đang xuýt xoa bên giang hàng bún chả cá cay nóng. Nhiều cặp đôi như tìm được “một nửa” của mình, họ rủ nhau lên núi Trường Úc tâm sự, cầu nguyện năm mới phát tài, có đôi bạn ôn lại chiến tích lịch sử vẻ vang của nhà Tây Sơn qua hồi ức trăm năm của các bậc lão niên. Cụ Trần Thị Vân (74 tuổi, ngụ Tuy Phước) cười nói: “Hàng trăm năm qua, ngọn “núi thiêng” này đã tác hợp không biết bao nhiêu cặp đôi trẻ nên vợ nên chồng và còn lưu truyền trong câu ca dao với lời thề non hẹn nước: “Bao giờ Trường Úc hết vôi/ Thì anh hết đứng hết ngồi cùng em”.
Xứ sở của bài chòi
Tìm đến Chợ Gò, năm nào cũng vậy, sau khi nghe lãnh đạo UBND huyện, tỉnh chúc Tết và lời khai mạc “lễ hội chợ Gò”, chúng tôi hòa mình vào hàng ngàn người chen chân mê mẩn xem các nghệ nhân hát các thể loại văn nghệ truyền thống ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, con người Bình Định kiên trung trong kháng chiến và góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp. Các bài hát được thể hiện qua các hình thức diễn xướng, nổi bật là hát bài chòi, hát tuồng...
Hàng ngàn người dân đến tham dự lễ hội chợ Gò
Điều đặc biệt trong lễ hội năm nay là hội đánh bài chòi cổ dân gian. Tại đây du khách được nghe những người “thượng chòi” hô những “câu thai” (cách nói của dân địa phương) dí dỏm, sâu sắc. Người thắng cuộc được thưởng ly rượu Bầu Đá nồng nàn cùng những lời hát chúc tụng điều tốt đẹp: Vạn sự như ý – Phú quý Cát tường hay An khang – Thịnh vượng. Bài chòi trở thành nếp sống của người Bình Định ở thuở lập ấp lập làng, từ già đến trẻ ai cũng thuộc lòng câu thơ: “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún ra”.
Lễ hội chợ Gò - Trường Úc mỗi năm chỉ diễn ra đúng một ngày, nhưng mang ý nghĩa thiêng liêng. Ngoài việc tạo cho mọi người có khoảng thời gian giải trí sau một năm làm việc mệt mỏi, lễ hội còn gợi lại lòng tự tôn của dân tộc - thời oanh liệt của nhà Tây Sơn, giúp những người con đang sống trên đất võ hiểu được giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Vì các giá trị văn hóa lịch sử trên mà Chợ Gò được Trung tâm sách kỷ luật Việt Nam xếp trong “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam”.
Theo Dân trí
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy