Dòng sự kiện:
Đốc thúc tiến độ xử lý nợ xấu
16/11/2018 16:22:05
Dù nợ xấu không quá đáng lo ngại, nhưng với việc tỷ lệ nợ xấu tăng chắc chắn các ngân hàng sẽ phải quan tâm nhiều hơn cũng như phải đẩy nhanh hơn tiến độ xử lý.

Cuối tuần vừa qua, Thống đốc NHNN Việt Nam lần lượt có văn bản yêu cầu các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu (XLNX), cũng như có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành đề nghị tăng cường phối hợp trong công tác này. Lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho biết, NHNN ban hành các văn bản để nhắc nhở các TCTD thực hiện nghiêm túc kế hoạch XLNX theo Nghị quyết 42, Quyết định số 1058, Chỉ thị 05… nhằm đẩy nhanh tốc độ XLNX.

Tuy nhiên cũng có ý kiến băn khoăn, việc NHNN ban hành văn bản này phải chăng do tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng tăng? Lý giải về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, hiện các ngân hàng đang quyết liệt XLNX theo lộ trình của Nghị quyết 42 cũng như Quyết định 1058 đến năm 2020, về cơ bản phải xử lý hết nợ xấu cơ cấu lại cũng như nợ đã bán cho VAMC. Chính bởi vậy, đã có không ít ngân hàng mua lại khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Bên cạnh đó do yêu cầu phân loại nợ chặt chẽ hơn nên nhiều khoản nợ nhảy nhóm khiến cho nợ xấu các ngân hàng nhích lên.

“Đây chỉ là do điều chỉnh về mặt kỹ thuật chứ không phải do thực tế, khách hàng xấu đi hay là do ngân hàng đó gặp rủi ro”, TS. Lực lưu ý.

Tốc độ XLNX sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới

Quả vậy theo quy định của Thông tư 02/2013/TT-NHNN, toàn bộ số dư nợ và giá trị các cam kết ngoại bảng của một khách hàng tại một TCTD phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. Đối với khách hàng có từ hai khoản nợ và/hoặc cam kết ngoại bảng trở lên tại TCTD mà có bất cứ một khoản nợ hoặc cam kết ngoại bảng nào bị phân loại vào nhóm có mức độ rủi ro cao hơn các khoản nợ hoặc cam kết ngoại bảng khác thì TCTD đó phải phân loại lại các khoản nợ hoặc cam kết ngoại bảng còn lại của khách hàng vào nhóm có mức độ rủi ro cao nhất.

Là người trong cuộc, Tổng giám đốc một NHTMCP tại TP.HCM thừa nhận, nợ xấu của ngân hàng có tăng cao hơn những tháng đầu năm một phần cũng do tín dụng tăng khá nhanh trong mấy năm gần đây. Cộng thêm tác động bất lợi từ thị trường dẫn đến việc người vay không trả được nợ cho ngân hàng khiến nợ xấu có tăng.

Tuy nhiên vị CEO này cho rằng tỷ lệ tăng nợ xấu khá ít, không đến mức độ báo động. So với quy định của NHNN cũng như thông lệ quốc tế, nợ xấu ở mức dưới 3% là chấp nhận được. Mặt khác, thời gian qua các ngân hàng cũng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, thậm chí còn vượt nên có đủ nguồn để xử lý các khoản nợ xấu này. Ngoài ra các khoản nợ xấu hầu hết có TSĐB, trong đó đa phần là BĐS, nên việc thu hồi nợ là hoàn toàn có khả năng nhưng phải theo lộ trình và thời gian cụ thể.

“Nợ xấu của các NHTM cũng thay đổi theo thời điểm. Có thể quý III nợ xấu tăng cao hơn, nhưng đến quý cuối năm khi ngân hàng bước vào mùa cao điểm thu nợ có nợ xấu lại giảm. Vì lẽ đó, nợ xấu là chỉ số động không phải là tĩnh, nó có thể dao động lên xuống miễn là trong ngưỡng an toàn”, vị CEO trên cho biết.

Cũng có chung cái nhìn như vậy, lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho biết, xu hướng nợ xấu tăng cũng chỉ mang tính thời điểm. “Xét về tổng thể, bức tranh toàn cảnh nợ xấu đang cải thiện tốt hơn. Nợ xấu toàn ngành còn hơn 2%, các ngân hàng có nợ xấu trên 3% ít hơn rất nhiều so với những năm trước. Độ tin cậy số liệu nợ xấu khá cao do NHNN kiểm soát rất chặt về hoạt động phân loại nợ cũng như trích lập dự phòng rủi ro. Điều này cho thấy, tình hình hoạt động của các ngân hàng tốt hơn thể hiện qua chất lượng tín dụng cũng như tổng tài sản, lợi nhuận...”, vị này chia sẻ thêm.

Dù nợ xấu không quá đáng lo ngại, nhưng với việc tỷ lệ nợ xấu tăng chắc chắn các ngân hàng sẽ phải quan tâm nhiều hơn cũng như phải đẩy nhanh hơn tiến độ xử lý. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, thời gian tới ngân hàng triển khai các biện pháp chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng tín dụng. “Số nợ xấu mà chúng tôi mua lại từ VAMC 100% đều có TSĐB, và phần lớn là BĐS. Trong thời gian qua, hoạt động bán tài sản của ngân hàng khá suôn sẻ. Thậm chí có tài sản bán đi thu được cả gốc lẫn lãi. Cho nên đối với những khoản nợ còn tồn đọng lại nhiều khả năng tốc độ cũng như tỷ lệ thu khá tích cực. Chắc chắn, thời gian tới nợ xấu của ngân hàng tiếp tục giảm”, ông Tùng tiết lộ.

Không thể phủ nhận sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 42, cùng với sự đốc thúc của NHNN, các ngân hàng đã đẩy mạnh XLNX, bán đấu giá tài sản lớn tồn đọng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên một số lãnh đạo ngân hàng vẫn than phiền công tác XLNX vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, việc thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm cũng như công tác thi hành án chậm trễ…

Chính vì vậy, giới chuyên môn cũng như các ngân hàng kỳ vọng động thái NHNN ban hành văn bản gửi tới UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phối hợp nhất là chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan như công an, tài chính, thuế, tài nguyên môi trường… và đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án tại địa bàn tiếp tục phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trên địa bàn trong việc XLNX, xử lý TSĐB của khoản nợ xấu. Theo đó, giúp cho tốc độ XLNX sẽ hiệu quả hơn.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến