Dòng sự kiện:
Đối tượng lái xe máy cố tình đâm CSGT tử vong đối diện với hình phạt nào?
01/12/2017 11:38:25
Theo Luật sư Nguyễn Hương Giang, đối tượng lái xe máy đâm thẳng vào tổ công tác đang làm nhiệm vụ trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên làm 1 cán bộ CSGT tử vong có thể bị xử lý mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Theo Luật sư Nguyễn Hương Giang, Đoàn luật sư Hà Nội, hành vi xe máy đi vào cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên của đối tượng Hoàng Văn Trường (SN 1993), trú xóm Nhất Trí, xã Tiên Lãng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) là vi phạm luật giao thông. Khi bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra, tài xế không những không chấp hành, còn lao vào tổ công tác đang thi hành nhiệm vụ, khiến 1 CSGT trọng thương và 1 cán bộ CSGT khác tử vong là hành động táo tợn, coi thường mạng sống của người khác, cần phải được pháp luật xử lý nghiêm minh.

Luật sư Nguyễn Hương Giang

Ngoài ra, Hoàng Văn Trường từng có tiền án, mới ra tù năm 2016, tức vẫn trong thời gian thử thách, nếu CQĐT làm rõ hành vi của lái xe cố tình đâm vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ thì có thể kết luận đây là hành vi cố tình sử dụng phương tiện nguồn nguy hiểm cao độ để giết người. Hành vi này có thể xử lý mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Cũng theo Luật sư Giang, Điều 93 Bộ Luật hình sự quy định rất rõ, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

Điều 601 BLDS năm 2015, quy định:

“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại".

Đoàn Tân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến