Dòng sự kiện:
Đòn bẩy cho TTCK bằng luật
23/04/2019 16:00:44
Tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Dự luật này, được xem là Luật Chứng khoán thế hệ mới, sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 7 sắp tới, kỳ vọng góp phần làm lành mạnh, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK). 

Cá nhân tôi nhất trí về việc cần làm rõ các khái niệm, định nghĩa và thống nhất cách giải thích giống với tiêu chuẩn quốc tế. Đó là làm rõ định nghĩa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cá nhân có chứng chỉ hành nghề… hay mở rộng định nghĩa người nội bộ, người liên quan là cần thiết. 

Khắt khe hơn điều kiện niêm yết

3 năm gần đây, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng; quy mô thị trường, số lượng doanh nghiệp niêm yết (DNNY) tăng rất nhanh. Tổng vốn hóa thị trường tính đến hết năm 2018 đạt hơn 3,96 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, vốn hóa tại sàn HOSE vẫn lớn nhất với 2,87 triệu tỷ đồng (tăng 10% so với 2017).

Vốn hóa sàn UPCoM tiếp tục có sự tăng trưởng vượt bậc với 677.700 tỷ đồng (tăng 32% so với năm trước)… Điều này đặt ra những thách thức về việc cần hoàn thiện bộ khung pháp lý, đặc biệt là Luật Chứng khoán phải đổi mới, cập nhật và linh hoạt để có thể thích nghi trong điều kiện mới, nhất là hướng tới quá trình nâng hạng TTCK cận biên lên mới nổi trong giai đoạn 2020-2022.

Một trong những điểm cần quan tâm là điều kiện về chào bán cổ phiếu ra công chúng, phát hành riêng lẻ cũng như các tiêu chí niêm yết cụ thể trên từng sàn giao dịch. Hiện có hơn 1.100 DNNY trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM.

Số lượng cổ phiếu niêm yết khá tương đồng trên 3 sàn, nhưng chất lượng DNNY lại là vấn đề khá nan giải. Bên cạnh những DN đầu ngành, hoạt động với hiệu quả cao, vẫn có DN chất lượng yếu kém, hoạt động đa ngành nghề, cơ cấu sở hữu chồng chéo, phức tạp. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư nhìn nhận sai về các cơ hội đầu tư, cũng như đánh giá triển vọng của từng DN trước và sau khi niêm yết. 

Chuẩn bị cho phiên đấu giá (ảnh minh họa). 

Do vậy, chúng ta cần quán triệt sàng lọc khắt khe các đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) phải có các công ty chứng khoán (CTCK) uy tín tư vấn niêm yết, nhất là các tiêu chí niêm yết phải được nâng lên để hạn chế các DN nhỏ, yếu kém lên sàn, gây xáo trộn và ảnh hưởng tới nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiêu chuẩn vốn điều lệ, các năm hoạt động có lãi cần được điều chỉnh hợp lý hơn.

Ngoài ra, các DN trước khi lên UPCoM cũng cần có 1 CTCK tư vấn niêm yết như đối với hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu trên HOSE và HNX.

Về điều kiện niêm yết, đối với DN trên sàn giao dịch HNX vốn điều lệ tối thiệu từ 100 tỷ đồng trở lên, kể cả điều kiện niêm yết trái phiếu DN. Với các DN niêm yết trên HOSE có thể quy định từ 150 tỷ đồng trở lên kèm theo 1 số tiêu chí niêm yết theo quy định hiện hành. Về điều kiện niêm yết trái phiếu DN cũng như sàn quản lý các trái phiếu DN, cần đưa ra những tiêu chí hỗ trợ và khuyến khích các DN, nhà đầu tư tham gia nhiều hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu DN, thị trường tiềm năng trong các năm tới.

Liên quan đến vấn đề mua cổ phiếu quỹ, liệu có cần thiết phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong vòng 10 ngày từ khi hoàn tất? Tất nhiên, DN mua lại cổ phiếu quỹ phải có quyết định của đại hội đồng cổ đông thông qua. Nhiều khi việc mua lại cổ phiếu quỹ cũng là cách làm gia tăng giá trị cho cổ đông, hoặc đơn giản là hoạt động đầu tư tài chính, nên việc phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ phải xem xét thấu đáo hơn, tránh thủ tục phiền hà.

Thêm thẩm quyền cho UBCKNN

Tôi hoàn toàn đồng ý về việc mở rộng quyền cho UBCKNN việc thanh tra chứng khoán, trong bối cảnh TTCK tăng trưởng mạnh về quy mô. Bởi nhiều DNNY có nhiều các sai phạm vô tình hay cố ý, nên việc giám sát, kiểm tra cũng như xử lý các sai phạm, xử phạt mang tính răn đe rất cần thiết. Các hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch trên nhiều tài khoản như trường hợp CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA), hay các trường hợp vi phạm giao dịch nội gián có tình tiết tinh vi, khó phát hiện, có thể đưa ra khung hình phạt hợp lý.

Về các mức phạt, cần nâng các mức phạt tiền cao hơn để mang tính phòng ngừa. Bởi mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân và mức phạt tiền tối đa cho trường hợp tái phạm gấp 2 lần lần đầu, như theo dự thảo sửa đổi là khá thấp, chưa thực sự thuyết phục.

Các mức vi phạm hành chính với tổ chức và cá nhân cũng nên đưa ra nhiều mức có thể áp dụng cả đối với nhà đầu tư nội cũng như nhà đầu tư nước ngoài. 

Về công bố thông tin của DNNY, là một trong những việc quan trọng trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR - Investor Relation) và trong tương lai gần hướng tới việc nâng hạng TTCK lên thị trường mới nổi (Emerging Market). Tỷ trọng giải ngân của khối ngoại sẽ ra tăng mạnh mẽ ở tất cả phân khúc ngành nghề, từ các cổ phiếu vốn hóa lớn cho đến các cổ phiếu vừa và nhỏ.

Các quy định về công bố thông tin, báo cáo thường niên, bản cáo bạch hay báo cáo tài chính cần dịch ra tiếng Anh bên cạnh các báo cáo tiếng Việt thông thường. Các quy định, chuẩn mực kế toán, kiểm toán hay các mẫu báo cáo thường niên đạt chuẩn quốc tế cũng phải được khuyến cáo áp dụng đến DN trước và sau khi niêm yết. 

Cần định hướng hoạt động công bố thông tin như  hoạt động định kỳ và mang tính chuyên nghiệp cao. Các DN cũng phải nhận thức tầm quan trọng của hoạt động IR, sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp các CTCK hàng đầu hiện nay đang cung cấp, như họp định kỳ các nhà phân tích chứng khoán, chỉnh sửa và cập nhật giao diện website công ty, tổ chức họp đại hội đồng cổ đông… 

Theo Sài Gòn đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến