Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỷ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tính từ năm 2012 đến nay.
Tăng trưởng của nhóm hàng dệt may ở mức kỷ lục trong tháng 3/2022, đạt 3,05 tỷ USD, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với tháng trước.
Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,3 tỉ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp theo là thị trường EU với 896 triệu USD, tăng 31%; thị trường Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 7%...
Nhiều doanh nghiệp cho biết đã kín đơn hàng đến quý III/2022, thậm chí có doanh nghiệp đã ký đơn hàng quý IV/2022. Nhờ đó, kết thúc quý I, nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ trong ngành dệt may đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Đây cũng là tín hiệu tốt cho thấy triển vọng tăng trưởng của nhóm ngành này trong năm 2022.
Dẫn dầu trong loạt doanh nghiệp dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – UpCOM: VGT) ghi nhận doanh thu thuần trong quý I đạt gần 4.900 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 329 tỷ đồng, chênh lệch hơn 128 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu đạt 18.067 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả thực hiện năm 2021; lợi nhuận sau thuế ước đạt 951 tỷ đồng, giảm 28%. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận quý I lần lượt đạt 27% và 35% kế hoạch cả năm 2022.
Theo giải trình từ phía công ty, kết quả kinh doanh tăng cao như vậy chủ yếu là tận dụng được các lợi thế của thị trường từ cuối năm 2021, hầu hết các đơn vị sợi của Tập đoàn đã có được các đơn hàng với giá bán tốt. Cộng thêm việc dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị đã đưa ra quyết sách phù hợp dự trữ lượng bông lớn với giá thành rẻ.
Vinatex cho biết, doanh thu trung bình của các đơn vị trong hệ thống ngành may khu vực phía Nam đều tăng trung bình từ 1,2 - 1,5 lần. Đáng chú ý, doanh thu quý I của các công ty con như may Đồng Nai, Tổng Công ty miền Nam tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Vinatex cho rằng thị trường ngành may hiện tương đối tốt, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều được các đối tác quay trở lại, đơn hàng dài, số lượng lớn.
Ở vị trí thứ hai, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - HoSE: GIL) với doanh thu 1.417 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 107 tỷ đồng, lần lượt tăng 64% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gilimex cho biết, sở dĩ lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ doanh thu khởi sắc và có thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.
Thời điểm 31/3/2022, tổng tài sản của Gilimex ghi nhận hơn 4.030 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tồn kho cuối kỳ đạt gần 752 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm trong đó nguyên liệu vật liệu chiếm 57%, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chiếm 30%. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng tăng 24%, lên hơn 594 tỷ đồng, chủ yếu đến từ biến động ở khoản mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng 38% và 73% so với cùng kỳ năm 2021, lần lượt đạt 1.260 tỷ đồng và 38 tỷ đồng.
Năm nay, Dệt may TNG đặt kế hoạch năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 6.000 tỷ đồng, tăng 10% và 280 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Kế hoạch này không bao gồm mảng bất động sản. Như vậy, với kết quả trên, đơn vị đã hoàn thành lần lượt đạt 21% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nhìn lại 2021, Dệt may TNG ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động bất chấp diễn biến dịch bệnh phức tạp. Cụ thể, doanh thu đạt gần 5.444 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 233 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc thực hiện 113% kế hoạch doanh thu và 133% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu thuần quý I đạt 1.081 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 69 tỷ đồng, tăng 17%.
Năm 2022, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu hơn 4.180 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 253,8 tỷ đồng. Kết quả này tăng lần lượt 18% và 77% so với kết quả năm vừa qua. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2022 là 20%.
HĐQT công ty nhận định 2022 sẽ là một năm khởi sắc hơn cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và doanh nghiệp này nói riêng. Công ty đã kín đơn hàng đến quý III và chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý IV/2022. Để chạy đua với các đơn hàng, công ty dự kiến đưa vào vận hành nhà máy may số 2 tại khu công nghiệp Hòa Phú tỉnh Vĩnh Long với 1.500 công nhân, công suất 9 triệu sản phẩm/năm. Sau khi nhà máy vận hành sẽ đóng góp thêm doanh thu cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Một doanh nghiệp khác là Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu 640 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận sau thuế 76,3 tỷ đồng, tăng 9%. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp thực hiện được 25% mục tiêu doanh thu lẫn lợi nhuận.
Công ty cho biết, quý I thị trường phục hồi tốt sau khi tình hình dịch bệnh đã được ổn định, các khách hàng tại thị trường trong nước và xuất khẩu đều đưa công suất hoạt động trở lại với mức trước dịch.
Công ty duy trì mạng lưới khách hàng hiện hữu, phát triển thêm khách hàng mới để nhận thêm đơn hàng, đẩy mạnh hoạt động bán hàng tồn kho, linh hoạt thực hiện chính sách bán hàng và duy trì biên độ khoảng trống giá ổn định. Cụ thể, công ty có thêm 14 khách hàng mới trong quý đầu năm.
Ở chiều ngược lại, trong khi các doanh nghiệp đều báo lãi thì May Sông Hồng (HoSE: MSH) lại ghi nhận lợi nhuận giảm. Trong quý I, doanh thu thuần của công ty ở mức 1.292 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ việc đưa công ty con Sông Hồng Nghĩa Hưng vào sản xuất.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 11%, ở mức 82 tỷ đồng bởi công ty con mới đi vào hoạt động, năng suất lao động còn thấp trong khi chi phí sản xuất cao. Năm nay, May Sông Hồng đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 3% so với kết quả năm 2021 và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 500 tỷ đồng, giảm 8%.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diến biến phức tạp, khó lường, song thị trường cũng có những tín hiệu tích cực, nên xuất khẩu được nhận định vẫn có cơ hội tăng trưởng. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng năm nay. Kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I, kim ngạch xuất khẩu 42,5 - 43,5 tỷ USD. Kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 40 - 41 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát vào quý II. Kịch bản 3, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38 - 39 tỷ USD. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy