Dòng sự kiện:
Đồng đô la yếu liệu có nằm trong kế hoạch của Mỹ?
24/08/2020 13:30:03
Đồng đô la Mỹ tuột dốc trong năm tháng qua càng tô đậm sự bất ổn của các thị trường tài chính toàn cầu, trong khi các hoạt động thương mại của nhiều quốc gia đối mặt thêm nhiều yếu tố thách thức và khó lường.

Soi lại quá khứ, không ít người hoài nghi cho rằng liệu đô la Mỹ suy yếu có nằm trong kế hoạch được dự tính trước?

Lựa chọn ưa thích của Tổng thống Trump?

Từ mức đỉnh cao 103 điểm vào giữa tháng 3, chỉ số US.Dollar Index (DXY) đã giảm mạnh xuống chỉ còn quanh vùng 93 điểm trong những ngày gần đây. Sự suy yếu nhanh chóng của đồng tiền số 1 thế giới này khiến những nhà đầu tư kỳ cựu nhất cũng phải tự hỏi vì sao nên nỗi?

Quá trình đảo ngược toàn cầu hóa, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế Mỹ, các chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ thông qua việc giảm lãi suất cơ bản về mức thấp kỷ lục (0%) và các gói kích thích kinh tế khổng lồ mà Chính phủ Mỹ liên tiếp tung ra, được xem là yếu tố gây áp lực giảm giá lên đô la Mỹ trong suốt thời gian qua.

Chỉ tính riêng trong tháng 7, chỉ số DXY đã giảm đến 4,5% và đô la Mỹ mất giá gần như so với hầu hết các ngoại tệ chính khác, từ bảng Anh, euro, yen Nhật, đô la Úc, đô la Canada cho đến nhân dân tệ của Trung Quốc. Đây cũng là đợt suy giảm mạnh nhất và dài nhất trong hơn hai năm rưỡi qua của đồng tiền số 1 thế giới này, dù chỉ cách đây không lâu giới phân tích còn nhận định đây là tài sản an toàn trong đại dịch.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại rằng chính sách một đồng đô la yếu là lựa chọn ưa thích của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong gần bốn năm qua, ngay từ trước khi ông đắc cử tổng thống. Với cáo buộc Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, luôn ngầm thao túng đồng nhân dân tệ để giữ dưới giá trị thực nhằm duy trì lợi thế xuất khẩu, Washington nhiều lần đe dọa sẽ có các chính sách trừng phạt Bắc Kinh hoặc có chính sách làm suy yếu đô la Mỹ một cách tương tự.

Đáng lưu ý là kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Bắc Kinh đã chủ động phá giá đồng nhân dân tệ để hạn chế những ảnh hưởng của các hàng rào thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump cũng từng cáo buộc Trung Quốc đang lạm dụng thương mại với Mỹ thông qua chính sách tỷ giá thiếu công bằng, đồng thời đã từng yêu cầu cấp dưới tại Nhà Trắng tìm cách phá giá đô la Mỹ.

Cụ thể hồi tháng 7-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các trợ lý tìm cách phá giá đô la Mỹ nhằm thúc đẩy nền kinh tế trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cũng như từng nhiều lần thúc ép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải giảm lãi suất về 0% để làm suy yếu đồng đô la.

Ngoài chỉ trích Trung Quốc, ông Trump cũng đả kích Liên minh châu Âu (EU), khi từng chia sẻ trên Twitter rằng “Trung Quốc và châu Âu đang chơi trò thao túng tiền tệ lớn và bơm tiền vào hệ thống của họ để cạnh tranh với Mỹ. Chúng ta nên đáp lại tương xứng, hoặc là cứ tiếp tục là những kẻ ngốc ngồi đó và lịch thiệp dõi nhìn các nước khác tiếp tục trò chơi của họ - như cách họ đã chơi trong suốt nhiều năm!”.

Và giờ đây, có vẻ như mong muốn đó đã thành hiện thực, khiến những người theo thuyết hoài nghi thậm chí cũng tin rằng đô la Mỹ suy yếu vốn nằm trong kế hoạch của Mỹ để đối phó với chính sách phá giá nhân dân tệ. Thực tế, tính từ cuối tháng 5 đến nay, bất chấp thực trạng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ mất giá so với nhiều đồng tiền khác, đô la Mỹ vẫn giảm đến 3,3% so với nhân dân tệ.

Vũ khí tiền tệ?

Một đồng đô la yếu sẽ có lợi cho các công ty đa quốc gia của Mỹ cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này, vì sản phẩm của họ sẽ có giá bán cạnh tranh hơn ở thị trường nước ngoài. Trong giai đoạn cầm quyền của mình, ông Trump cũng luôn xác định giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ là một ưu tiên trong chính sách điều hành đất nước.

Trong khi đó, theo số liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ, trong sáu tháng đầu năm 2020, Mỹ vẫn đang nhập siêu từ Trung Quốc 131,7 tỉ đô la, riêng thâm hụt thương mại trong tháng 6 là 28,4 tỉ đô la, tăng 5,35% so với tháng 5 nhưng giảm 4,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình trạng cán cân thương mại với Trung Quốc vẫn chưa có nhiều cải thiện như mong muốn, một chính sách đồng đô la yếu liệu có giúp Mỹ đạt được mục tiêu giảm thâm hụt đề ra, từ đó giúp ông Trump giành lại sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử cuối năm nay?

Đáng lưu ý là theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký kết hồi tháng 1-2020, Trung Quốc đã cam kết tăng cường mua hàng hóa Mỹ thêm khoảng 200 tỉ đô la so với mức của năm 2017, bao gồm nông sản và hàng hóa chế tạo, năng lượng và dịch vụ. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền Bắc Kinh mới chỉ mua khoảng 5% sản phẩm năng lượng so với mục tiêu đề ra của giai đoạn 1 là 25,3 tỉ đô la, với lý do đưa ra là vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19 trên toàn cầu.

Theo kế hoạch ban đầu, Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc thảo luận trực tuyến ngày 15-8, với mục đích đánh giá thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai nước đã ký hồi đầu năm nay, nhưng sau đó cuộc gặp đã bị hoãn lại. Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng đe dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vì dịch Covid-19. Với những căng thẳng leo thang liên tiếp gần đây, từ vấn đề Hồng Kông, Đài Loan cho đến biển Đông, giới phân tích dự báo mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn tiếp tục nổi sóng. Và trong tình hình này, một đồng đô la yếu có lẽ cũng là một vũ khí quan trọng của Washington trên bàn đàm phán với Bắc Kinh.

Ngoài vũ khí tiền tệ, Washington gần đây đang tìm cách chặt đứt cửa huy động qua thị trường vốn của các công ty Trung Quốc, như là một chính sách nhằm gây sức ép lên Bắc Kinh. Sau khi Tổng thống Donald Trump hồi giữa tháng 5 yêu cầu quỹ hưu trí liên bang rút 4 tỉ đô la ra khỏi chứng khoán Trung Quốc, mới đây vào ngày 6-8, nhóm làm việc của tổng thống Mỹ chuyên trách thị trường tài chính tuyên bố rằng để có thể giao dịch trên sàn của Mỹ, doanh nghiệp cần phải cho phép các nhà quản lý Mỹ tiếp cận với giấy tờ kế toán được kiểm toán.

Quy định này chủ yếu nhắm trực tiếp vào các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã từ chối cho phép các thanh tra viên thuộc Ban giám sát kế toán các doanh nghiệp đại chúng Mỹ xem xét giấy tờ kiểm toán của tập đoàn Alibaba, Baidu và nhiều công ty khác niêm yết trên sàn Mỹ, với lý do các tài liệu này sẽ có thể chứa các bí mật nhà nước. Được biết nhóm các chính trị gia hàng đầu nước Mỹ, trong đó bao gồm Chủ tịch Fed, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã đưa ra đề xuất này.

Các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ sẽ có thời gian từ nay đến ngày 1-1-2021 để tuân thủ quy định từ phía Mỹ. Còn những công ty muốn niêm yết mới sẽ cần phải tuân thủ ngay lập tức các quy định này. Đây dường như là động thái nhằm hiện thực hóa mục tiêu đẩy các công ty niêm yết của Trung Quốc ra khỏi sàn chứng khoán Mỹ và hạn chế mức độ phủ sóng của các công ty Mỹ tại thị trường Trung Quốc, vốn đã từng được hé lộ vào cuối năm 2019 và được nhắc lại vào giữa tháng 5 năm nay.

Tác giả: Triêu Dương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến