Dòng sự kiện:
Đồng Nai: Vốn FDI trong 3 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần
27/03/2023 16:39:25
Trong số hơn 500 triệu USD vốn FDI trong 3 tháng đầu năm, có 11 dự án cấp mới với số vốn đăng ký gần 50 triệu USD và 22 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 451 triệu USD.

Công nhân hoàn thiện linh kiện giảm chấn băng cao su kỹ thuật cao tại nhà máy của Công ty TNHH Tương Lai tại Đồng Nai. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, 3 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đồng Nai đạt hơn 500 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tổng vốn FDI nên trên có 11 dự án cấp mới với số vốn đăng ký gần 50 triệu USD và 22 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 451 triệu USD.

Các dự án cấp mới, tăng vốn hầu hết từ các quốc gia châu Á, châu Âu, nhiều nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đây đều là những dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề và thuộc lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư. Đặc biệt, trong 11 dự án FDI cấp mới có 6 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết những tháng qua, thu hút FDI của Đồng Nai khởi sắc, số dự án, số vốn đều tăng.

Đây là tín hiệu tích cực, bởi năm 2022, tỉnh gặp nhiều khó khăn, thu hút vốn FDI giảm sút so với thời gian trước. Dòng vốn ngoại của Đồng Nai tăng là do nhà đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thêm nhà máy mới.

Doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng vào triển vọng phục hồi kinh tế của thế giới; kỳ vọng vào các dự án lớn đang được triển khai trên địa bàn, đặc biệt là sân bay Long Thành và các tuyến cao tốc. Ngoài ra, tỉnh không ngừng cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời những vướng mắc của nhà đầu tư.

Theo ông Phạm Văn Cường, khó khăn lớn nhất trong thu hút FDI ở Đồng Nai là quỹ đất công nghiệp của tỉnh còn rất ít. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Đồng Nai có 40 khu công nghiệp với diện tích khoảng 19.000ha.

Đến nay, tỉnh có 32 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy hơn 85%. Trong khi đó, 8 khu công nghiệp còn lại chưa thể xây dựng vì gặp các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu.

Đây hầu hết là những vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương, tỉnh mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, tháo gỡ “nút thắt,” tạo điều kiện cho địa phương sớm thành lập khu công nghiệp mới, đón dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới./.

Tác giả: Công Phong

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến