Dòng sự kiện:
Đông Nam Bộ: Kim ngạch xuất nhập khẩu bứt phá vượt 200 tỷ USD
16/12/2023 08:13:39
Với kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 200 tỷ USD, đặc biệt, quy mô xuất khẩu lớn đã góp phần giữ vững vị thế của vùng Đông Nam bộ trong việc dẫn dắt hoạt động xuất khẩu.

Khu vực Đông Nam Bộ trong 11 tháng năm 2023 đạt hơn 200,5 tỷ USD

Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của các địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ trong 11 tháng năm 2023 đạt hơn 200,5 tỷ USD, chiếm gần 32,4% thương mại của Việt Nam.

Đáng chú ý Tp.HCM duy trì tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu cao nhất cả nước, đạt gần 89 tỷ USD, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đều ghi nhận kim ngạch xuất - nhập khẩu cao trên 30 tỷ USD với lần lượt 47,7 tỷ USD và 34 tỷ USD.

"Đặt trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, cầu tiêu dùng hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU... giảm mạnh, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của khu vực Đông Nam Bộ vẫn được duy trì", Bộ Công thương nhận định.

Thông tin trên báo Đầu Tư, với kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 200 tỷ USD, đặc biệt, quy mô xuất khẩu lớn đã góp phần giữ vững vị thế của vùng Đông Nam Bộ trong việc dẫn dắt hoạt động xuất khẩu.

Hàng hóa xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Hiện vùng Đông Nam Bộ thu hút vốn FDI lớn nhất chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước, đóng vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước.

Để thúc đẩy xuất khẩu cho vùng Đông Nam Bộ, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, Phan Thị Thắng, mỗi một vùng, mỗi một mô hình phát triển cần có cách thức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường khác nhau. Trong đó, cần nghiên cứu kỹ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ và các lợi thế nội tại của vùng để tìm kiếm cơ hội, thông tin trên báo Đầu Tư.

Ảnh minh họa.

Tp.HCM là địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước

Trong Top 10 địa phương đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong năm ngoái, khu vực Đông Nam Bộ vẫn giữ vai trò chủ đạo. Tp.HCM dẫn đầu với kim ngạch 47,5 tỷ USD, Bình Dương 32,7 tỷ USD, Đồng Nai 24,6 tỷ USD, Tây Ninh 6,18 tỷ USD, Bà Rịa Vũng Tàu gần 6 tỷ USD, Bình Phước 3,96 tỷ USD. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Tp.HCM gặp nhiều khó khăn và bị suy giảm mạnh theo đà giảm chung của thương mại toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu giảm đều ở hầu hết ngành nghề từ điện tử, hàng dệt may, nông lâm thủy sản cho tới chế biến gỗ, giày dép - túi xách.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM cho biết, trong năm 2023 kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu nhưng sức mua sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM cũng như ở các địa phương khác. Có giai đoạn xuất khẩu ở Tp.HCM giảm tới 37%.

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, Sở Công Thương Tp.HCM cùng Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Tp.HCM (ITPC), đã liên tục tổ chức các hội chợ, triển lãm cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, hàng loạt các chương trình đã được các cơ quan xúc tiến thương mại thực hiện như: Hội chợ xuất khẩu của Tp.HCM, diễn đàn Mekong Connect 2023, triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm Tp.HCM...

Gần đây nhất, ngày 7/12, Cục Hải quan Tp.HCM đã phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Sự kiện thu hút hơn 300 doanh nghiệp quan tâm tham dự.

Tại đây, Cục Hải quan Tp.HCM đã giới thiệu một số quy định mới tại Thông tư 33/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cục Hải quan Tp.HCM còn thông tin đến doanh nghiệp về Chương trình doanh nghiệp tuân thủ về xuất xứ hàng hoá xuất nhập khẩu. Theo đó, khi doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ trên nhiều phương diện như giảm kiểm tra hàng hóa. Doanh nghiệp tham gia cần có văn bản gửi cơ quan hải quan để được xem xét, rồi sau đó tiến hành ký kết tham gia chương trình này.

Nhằm cung cấp thông tin chính xác về các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tại đây, hội nghị đã tiếp nhận và giải đáp hơn 55 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về chính sách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; mã số hàng hóa, loại hình xuất nhập khẩu; kho ngoại quan; kiểm tra sau thông quan; xuất nhập khẩu tại chỗ; tạm nhập, tái xuất hàng hóa; định hướng, chính sách hỗ trợ hàng hóa xuất khẩu...

Tác giả: Trúc Chi (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến