Đây là nhận định về diễn biến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam của ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Theo ông Minh, câu chuyện của TTCK trong nửa cuối năm 2024 sẽ là sự hồi phục của kinh tế vĩ mô và câu chuyện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
*PV: Trải qua nửa đầu năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,42%, vượt xa mức tăng 3,72% cùng kỳ. Đây là tín hiệu phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, rủi ro. Theo đánh giá của ông, kinh tế vĩ mô trong nửa cuối năm nay sẽ được hỗ trợ bởi những yếu tố nào?
Ông Nguyễn Thế Minh: Theo tôi, kinh tế Việt Nam trong quý III/2024 vẫn sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt, với động lực từ xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công và FDI. Tuy nhiên, đến quý IV sẽ phần nào gặp thách thức bởi quý IV/2023 là giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng hồi phục (GDP quý IV/2023 tăng trưởng 6,72%). Xét cả năm, tôi nhìn nhận GDP năm 2024 vẫn đạt chỉ tiêu đề ra hồi đầu năm là 6 - 6,5%.
Các tác nhân hỗ trợ GDP gồm tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi tốt. Có thể thấy lượng doanh nghiệp quay trở lại sản xuất cũng như thành lập mới tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 6 - 7%. Bên cạnh đó, tình hình xuất - nhập khẩu cũng rất tốt, với xuất khẩu tăng 14,5%, nhập khẩu tăng 17%.
Ngoài ra, đó còn là các động lực từ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, và sự phục hồi của tiêu dùng nội địa nhờ các biện pháp kích cầu.
Một yếu tố tích cực khác trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn yếu là các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất, điều này sẽ hỗ trợ đến chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất chỉ có thể phát huy các tác động cụ thể đến nền kinh tế từ năm 2025 do thường có độ trễ. Ví như trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất trong tháng 9 thì tôi nghĩ phải đến năm sau mới tác động dần vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, động lực lớn khác của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam là xu hướng dịch chuyển FDI. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm nay đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Thông thường, chu kỳ FDI sẽ kéo dài tăng trưởng trong 3 năm. FDI đã tăng trưởng trở lại trong năm 2023 và thường sẽ kéo dài thêm 2 năm nữa, tức nối dài sang năm 2025.
Nhiều người lo lắng vấn đề nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đúng là tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại thời điểm cuối quý II/2024 là 5%, nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%. Tuy nhiên, với thanh khoản hiện tại của hệ thống, nền kinh tế trong nước dần phục hồi, thì áp lực nợ xấu vẫn chưa quá đáng ngại.
*PV: Việc FED vẫn chần chừ chưa giảm lãi suất đã gây nhiều khó khăn với chính sách tiền tệ trong nước khi tỷ giá trong nước tăng vọt, áp lực lạm phát… Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ trong nước sẽ thế nào?
Nguyễn Thế Minh: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) từ đầu năm đến nay vẫn kiên định với chính sách nới lỏng tiền tệ. Tuy vậy, việc FED chậm giảm lãi suất hơn dự kiến chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Chúng ta có độ mở rất cao với nền kinh tế toàn cầu, từ 80 – 90%. Hoạt động xuất nhập khẩu rất sôi động, đặc biệt là cán cân thương mại giữa Việt Nam – Hoa Kỳ là rất cao.
Việc FED chậm giảm lãi suất rõ ràng sẽ khiến đồng VND mất giá mạnh. Việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng làm áp lực tỷ giá sẽ còn tiếp diễn. Tôi nghĩ NHNN nhiều khả năng sẽ thực hiện việc nâng lãi suất. Dù vậy, việc tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tín dụng còn yếu, tăng trưởng kinh tế mới “chớm nở” có thể không phải giải pháp tốt để hỗ trợ cho đồng nội tệ. Mặt khác, nó có thể gây áp lực và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Dù vậy, tôi nghĩ không cần quá lo ngại. Bởi theo nhiều dự báo, đánh giá, xác suất để FED giảm lãi suất ngay trong tháng 9 là hơn 90%. Kịch bản này rõ ràng là rất tích cực với chính sách nới lỏng tiền tệ. NHNN không nhất thiết tăng lãi suất điều hành lãi suất cơ bản để kiềm chế tỷ giá.
Mặt khác, tôi nhìn nhận, NHNN vẫn sẽ duy trì chính sách kể trên trong phần còn lại của năm 2024. Luận điểm này dựa trên cơ sở Chính phủ và NHNN ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, dù FED chần chừ, song xu hướng giảm lãi suất đang diễn ra trên toàn cầu. Đơn cử, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) hạ lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản xuống 4,75% và là ngân hàng trung ương trong nhóm G7 đầu tiên bắt đầu chu kỳ nới lỏng. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) ngay sau đó đã hạ lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản xuống 3,75%, trong khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã có động thái cắt giảm lãi suất vào tháng 3.
TTCK Việt Nam sẽ hấp dẫn trở lại khi FED giảm lãi suất. Ảnh: Duy Dũng.
*PV: Với những đánh giá, phân tích của mình, ông đánh giá các yếu tố kể trên và chính sách tiền tệ của NHNN sẽ có những tác động thế nào tới TTCK?
Nguyễn Thế Minh: Việc FED vẫn tiếp tục neo cao lãi suất đã có những ảnh hưởng nhất định đến TTCK, thể hiện qua việc khối ngoại bán ròng 61.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, điều này giờ đây không còn trở nên quá lo ngại, do tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đã giảm xuống tỷ lệ rất thấp. Mặt khác, xu hướng khối ngoại trong một số phiên trở lại đây đã thu hẹp đà bán ròng, thậm chí mua ròng trở lại. Tôi nghĩ áp lực bán của khối ngoại không nhiều nữa, do tỷ lệ sở hữu của nhóm này trên thị trường giờ tập trung chủ yếu ở các quỹ đầu tư tổ chức, cổ đông chiến lược nắm giữ dài hạn cổ phiếu trên TTCK Việt Nam.
Do vậy, điểm tích cực là một khi FED phát tín hiệu giảm lãi suất, định giá của TTCK Việt Nam (cũng như các TTCK cận biên) sẽ trở nên hấp dẫn, dòng tiền sẽ đổ trở lại.
Mặt khác, với chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều nhóm cổ phiếu hưởng lợi ghi nhận đà tăng giá tốt tính từ đầu năm đến nay như bán lẻ, công nghệ thông tin, thực phẩm… TTCK năm 2024 dù tăng điểm (gần 10% tính từ đầu năm đến nay), song dòng tiền tập trung tìm đến những cái tên tiềm năng, hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế.
Với nhận định NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, tôi đánh giá TTCK trong phần còn lại của năm vẫn rất hấp dẫn với các câu chuyện riêng của doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh tiềm năng, phục hồi. Trong đó, quý III sẽ là thời điểm thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Quý IV có thể sẽ lình xình, do thông tin hỗ trợ không quá nhiều.
Tôi nghĩ mức tăng điểm của VN-Index trong nửa cuối năm 2024 sẽ tương đương nửa đầu năm. VN-Index có “cửa” vượt mốc 1.300 điểm, tuy nhiên đến quý IV sẽ hạ nhiệt. Nhìn chung trong nửa cuối năm 2024, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.200 – 1.300 điểm.
*PV: Xin cảm ơn ông!