Dòng sự kiện:
Dòng tiền ngoại 'tháo chạy' khỏi thị trường 6 tuần liên tiếp
17/12/2023 06:03:14
Các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh cơ cấu lại danh mục, đánh dấu tuần bán ròng thứ 6 liên tiếp với giá trị đạt 3.300 tỷ đồng.

Bất chấp những tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới, đặc biệt khi chỉ số Dow Jones lập đỉnh mới và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất, các chỉ số chứng khoán trong nước vẫn diễn biến ngược chiều. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản bình quân toàn thị trường giảm 27% so với tuần trước xuống còn 17.756 tỷ đồng/phiên.

Dù tỷ trọng giá trị giao dịch chiếm chưa đầy 10% nhưng động thái xả ròng liên tiếp ra thị trường của khối ngoại đang khiến nhiều nhà đầu tư trong nước lo ngại.

Tính riêng trên HoSE, khối ngoại mua vào tổng cộng 280,1 triệu cổ phiếu và bán ra 408 triệu đơn vị, tương đương xả ra thị trường 127,9 triệu cổ phiếu với giá trị lên đến 3.482 tỷ đồng. Đây cũng là tuần bán ròng thứ 6 liên tiếp của khối này.

Trong đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu giá trị bán ròng với 418 tỷ đồng, kế đó là các cổ phiếu bluechips như HPG của Hòa Phát (-367 tỷ đồng), VCB của Vietcombank (-264 tỷ đồng), STB của Sacombank (-262 tỷ đồng), VNM của Vinamilk (-261 tỷ đồng) và VPB của VPBank (-211 tỷ đồng).

Các mã nhóm chứng khoán như SSI, VCI, VIX, HCM cũng nằm trong danh sách bị khối ngoại hạ tỷ trọng đầu tư.

Mặt khác, ở chiều mua, cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect được gom mạnh 220 tỷ đồng. NVL của Novaland (+134 tỷ đồng), NKG của Thép Nam Kim (+41 tỷ đồng), CMG của CMC (+30 tỷ đồng).

 

Khối ngoại đã bán ròng 13 phiên liên tiếp. Ảnh: VNDirect.

Trái với diễn biến trên HoSE, khối ngoại lại mua ròng 4/5 phiên trên sàn HNX. Tổng cộng đã mua vào 22,6 triệu cổ phiếu và bán 19,3 triệu cổ phiếu, tương đương mua ròng 3,3 triệu cổ phiếu với giá trị 143 tỷ đồng.

Dấu ấn nổi bật tập trung ở 2 mã CEO của C.E.O Group và IDC của Idico, được gom ròng lần lượt 145 tỷ và 136 tỷ đồng. Riêng CEO được giao dịch tích cực sau khi được thêm mới trong danh mục MarketVector Vietnam Local Index (chỉ số tham chiếu của VNM ETF).

Trong khi đó, thị trường UPCoM ghi nhận lượng bán ròng hơn 25.000 cổ phiếu với quy mô 34 tỷ đồng. Trong đó, QNS của Đường Quảng Ngãi bị bán 35 tỷ đồng, còn ACV của Cảng Hàng không Việt Nam bị bán 23,7 tỷ đồng. Cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu nhóm được khối ngoại mua ròng, đạt 14 tỷ đồng.

Chia sẻ về tình trạng dòng tiền ngoại “tháo chạy” khỏi thị trường chứng khoán, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - cho rằng giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam 11 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp so với các thị trường khác.

Động thái bán ròng mạnh đến từ sự đảo chiều của các quỹ ETF và xu hướng rút ròng chung của các quỹ đầu tư đa quốc gia khi rút khỏi các thị trường mới nổi. Trong khi đó, nhóm quỹ chủ động ở Việt Nam gần như chỉ rút ròng nhẹ trong 4 tháng qua.

Nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và các quốc gia còn lại, bên cạnh chính sách tiền tệ của Việt Nam phân kỳ với chính sách tiền tệ của Mỹ và một phần đến từ hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh giai đoạn tháng 11/2022 đến tháng 1/2023 với tổng giá trị lên đến 32.500 tỷ đồng.

Cũng có thể thấy khối ngoại bán ròng từ đầu năm tập trung ở một số mã cổ phiếu nhất định và phản ánh phần nào hoạt động tái cơ cấu danh mục.

 Tác giả: Minh Khánh

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến