Dòng sự kiện:
Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào tiết kiệm
26/07/2022 11:54:29
Tính đến cuối tháng 5/2022 đang có hơn gần 11,4 triệu tỷ đồng được tổ chức kinh tế và dân cư gửi tại các ngân hàng.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau tháng 4 giảm nhẹ, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng trong tháng 5 đã tăng trở lại. Cụ thể tính đến cuối tháng 5, tiền gửi của các tổ chức kinh tế khoảng 5,8 triệu tỷ đồng. So với thời điểm cuối năm 2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng đã tăng thêm khoảng 150.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi của dân cư tại ngân hàng tính đến cuối tháng 5 là 5,57 triệu tỷ đồng. Như vậy chỉ trong tháng 5, tiền gửi của người dân đã tăng thêm đến 40.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 4. Còn nếu so với thời điểm cuối năm 2021, tiền gửi của dân cư tại ngân hàng đã tăng đến 270.000 tỷ đồng.

Như vậy tính chung, đang có hơn gần 11,4 triệu tỷ đồng được tổ chức kinh tế và dân cư gửi tại các ngân hàng.

Tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng liên tục tăng từ đầu năm đến nay

Giới chuyên gia cho rằng, lý do tiền gửi tăng mạnh phần nào đến từ việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động sau 2 năm giữ ở mức thấp. Ngoài ra, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, hay bất động sản từ đầu năm đến nay có nhiều biến động, nên tiết kiệm trở thành kênh được ưa chuộng của nhiều người dân.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết lãi suất huy động từ đầu năm đến nay tại một số ngân hàng tăng từ 0,3 - 0,6%/năm. Hiện không khó để tìm thấy mức lãi suất trên 7%/năm tại nhiều ngân hàng như: SCB, Bảo Việt, Kiên Long…

VCBS dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tới đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Do vậy, lãi suất huy động cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng khoảng 1 - 2%/năm trong cả năm 2022; đồng thời, một số ngân hàng thu hút được lượng khách hàng dồi dào sẽ chịu ít áp lực hơn.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục tăng trong năm nay trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng đang ngày càng bị thu hẹp và nhu cầu tín dụng có sự tăng trưởng tích cực. Áp lực lạm phát và nhu cầu chuyển dịch kênh đầu tư của người dân cũng khiến ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút dòng tiền.

Tác giả: Thùy An

Theo: VTV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến