Dòng sự kiện:
Dòng tiền trở lại với cổ phiếu VPB
01/11/2021 16:07:09
Trong những phiên gần đây, cổ phiếu VPB - Ngân hàng TMCP VPBank đã được dòng tiền tìm đến với thanh khoản tăng đột biến. Vậy VPB có gì hấp dẫn giới đầu tư?

 

Dòng tiền đã trở lại với cổ phiếu VPB trong nhiều phiên giao dịch gần đây

Điểm qua các phiên giao dịch, cổ phiếu VPB đã được dòng tiền lớn chú ý. Phiên ngày 29/10, có tới 7,8 triệu cổ phiếu VPB giao dịch trị giá 305 tỷ đồng; Phiên giao dịch 28/10 hơn 10 triệu cổ phiếu VPB được giao dịch với tổng giá trị lên tới 409 tỷ đồng; Phiên giao dịch ngày 27/10 hơn 6 triệu cổ được khớp lệnh với tổng giá trị gần 300 tỷ đồng… Giới đầu tư nhận định khả năng dòng tiền lớn của "cá mập" là các nhà đầu tư lớn, quỹ đầu tư đã trở lại với cổ phiếu VPB. Đây là tín hiệu đáng mừng sau gần 01 năm các nhóm "cá mập" lớn im hơi lặng tiếng với cổ phiếu ngân hàng nói chung và VPB nói riêng…

VPB vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021.Trong quý 3/2021, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 10.132 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, động lực tăng trưởng lại chủ yếu đến từ mua bán chứng khoán, trong khi hoạt động cốt lõi ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý 3/2021 của VPB đạt 7.474 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, lãi từ hoạt động dịch vụ cũng giảm 16%, đạt 790 tỷ đồng.

Các mảng kinh doanh khác lại có kết quả khả quan hơn. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư trong quý 3/2021 đạt 1.158 tỷ, tăng tới 184% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh ngoại hối quý 3/2021 bị lỗ 9,6 tỷ đồng, tuy nhiên mức lỗ này thấp hơn so với mức lỗ 126,8 tỷ trong cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác tăng mạnh 123% lên 1.158 tỷ đồng. Mức tăng trưởng đột biến này đến từ các khoản nợ đã xử lý thu hồi của ngân hàng..

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của VPB đạt hơn 33.200 tỷ đồng, tăng 17% so với 9 tháng đầu năm 2020. Chi phí hoạt động 9 tháng ở mức 7.864 tỷ, giảm 8,8%. Chi phí dự phòng là 13.631 tỷ, tăng 32,3%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của VPP đạt 11.736 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với riêng ngân hàng mẹ VPB, báo cáo tài chính cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của ngân hàng riêng lẻ đạt gần 10.900 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, ước tính lợi nhuận của ngân hàng mẹ đóng góp tới hơn 92% cho lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất. Như vậy, tỷ lệ đóng góp của công ty con FE Credit cho ngân hàng hợp nhất đã xuống dưới 8%. Trước đó, tỷ lệ đóng góp của FE Credit trong 6 tháng đầu năm là 12%.

Báo cáo nhận định cổ phiếu VPB, Trung tâm nghiên cứu CSI kì vọng chi phí vốn của VPB sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới nhờ việc hợp tác từ cổ đông chiến lược SMFG sẽ giúp VPB tiếp cận được nhiều nguồn vốn với chi phí rẻ hơn, và việc đầu tư mạnh vào hệ thống giao dịch NEO cùng với định hướng vào phân khúc bán lẻ sẽ giúp VPB tăng tỷ lệ CASA trong dài hạn. Với sự tham gia của Sumitomo vào việc quản trị của FE Credit sẽ giúp VPB giữ vững được vị trí số 1 trong mảng cho vay tiêu dùng trong những năm tới. Tuy lĩnh vực này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, CSI vẫn kì vọng vào chu kì mua sắm cuối năm nay khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát sẽ thúc đẩy lợi nhuận của Công ty con.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank

Có thể nói, ngoài 1,4 tỷ USD từ thương cụ bán 49% vốn FE Credit, VPB còn có nhiều kế hoạch nhằm tăng vốn như phát hành cổ phiếu thưởng hay việc phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược trong năm tới. Điều này sẽ giúp cho VPB trở thành một trong những ngân hàng có bộ đệm vốn dày nhất hệ thống, đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp VPB nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Hiện hợp đồng bancassurance với AIA được đàm phán lại. CSI kì vọng VPB sẽ đi đến một hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với AIA qua một hợp đồng với khoản phí trả trước khoảng 8.000 tỷ đồng. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy thu nhập ngoài lãi của VPB trong các năm sau.

Do vậy, CSI dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của VPB đạt 17.385 tỷ (+33,5%) và lợi nhuận trước thuế năm 2022 của VPB đạt mức 20.175 tỷ (+16,1%). Tuy nhiên khi đầu tư cổ phiếu VPB, CSI khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng bởi trong ngắn hạn VPB áp lực bởi rủi ro tăng cao do áp lực nợ xấu từ FE Credit. Do các khoản cho vay tiêu dùng của Công ty con chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh đã làm cho tỷ lệ nợ xấu NPL hợp nhất của VPB tăng +29 lên mức 3,47% tại cuối tháng 6. Nợ xấu của VPB và công ty con cuối tháng 9/2021 ở mức 11.711 tỷ đồng, tăng 1.788 tỷ so với đầu năm, tương đương tăng 18%.

Cùng với đó, VPB cũng đã phải đẩy mạnh trích lập dự phòng hơn với 8.653 tỷ đồng (+35%). Tuy vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn chỉ dừng lại ở mức 44% tại cuối quý 2, đây là con số khá thấp so với mặt bằng chung của ngành…

Tác giả: Hà Phương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến