Dòng sự kiện:
Dòng tiền vào chứng khoán vẫn dè dặt
19/07/2021 09:03:45
VN-Index 2 phiên cuối tuần qua tăng điểm, nhiều nhà đầu tư lạc quan trở lại, nhưng việc bắt đáy được nhận định có rủi ro cao hơn cơ hội.

Nhiều cổ phiếu vẫn có rủi ro giảm giá, nhất là khi thanh khoản chưa tăng trở lại.

Sau một số phiên điều chỉnh mạnh kể từ mức đỉnh 1.420 điểm ngày 2/7/2021, VN-Index phiên 15/7 tăng hơn 1%, phiên 16/7 tăng 0,42%, đóng cửa tại 1.299,31 điểm.

Tuy nhiên, chỉ số vẫn đánh mất toàn bộ mức tăng kể từ thời điểm đầu tháng 6. Hầu hết trạng thái tài khoản của nhà đầu tư chuyển từ lãi sang lỗ. Trên một số diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư đưa ra những góc nhìn về thị trường ở giai đoạn hiện tại, đa số vẫn thận trọng cho rằng, với đà giảm mạnh trước đó thì nhịp hồi phục là hợp lý, nhưng nhịp hồi mang tính kỹ thuật nhiều hơn là khả năng thị trường sẽ quay trở lại mức đỉnh trong ngắn hạn.

Tuy vậy, có những quan điểm nhìn nhận, đây là cơ hội để mua thêm cổ phiếu với mức giá hợp lý hơn giai đoạn trước.

“Chỉ trong 6 phiên, nhiều cổ phiếu đã giảm giá 15 - 20%, đây là cơ hội để gom những cổ phiếu tốt, đặc biệt trong nhóm VN30. Vừa qua, tôi đã mua 30.000 cổ phiếu BID và 50.000 cổ phiếu CTG. Khi xu hướng tăng hình thành trở lại thì nhóm blue-chips thường có cơ hội tăng giá mạnh hơn”, chị Trần Mai Hoa, nhà đầu tư tại sàn VNDIRECT chia sẻ.

Thanh khoản thấp cho thấy dòng tiền vẫn dè dặt, tham gia thị trường trong sự nghi ngờ. Với những người thích đầu cơ, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ được ưu tiên. Đây là nhóm “giảm sâu, tăng sốc”, vốn giảm giá từ cuối tháng 6 trước khi thị trường rơi vào đợt điều chỉnh đầu tháng 7 như FLC, ROS, HQC, DLG, ITA, TTF, HID, DCM...

Nhìn nhận về chuyển động thị trường ở giai đoạn này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, nhà đầu tư cá nhân chiếm gần 90% giá trị giao dịch của toàn thị trường nên rất dễ xảy ra các đợt biến động mạnh do bị tác động bởi một số thông tin tiêu cực như dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Xu hướng thị trường sẽ phụ thuộc chính vào diễn biến của dịch bệnh, tốc độ triển khai chương trình tiêm vắc-xin, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp cũng như khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn dần xuất hiện nhiều hơn.

Thực ra, đợt dịch lần này có nguy cơ kéo dài, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III sẽ bị ảnh hưởng gây nên lo ngại của giới đầu tư đã được phản ánh một phần vào đợt điều chỉnh của thị trường vừa qua.

Ở tuần điều chỉnh đầu tiên (5 - 9/7), nhiều hoạt động bắt đáy đã không thành công khiến nhà đầu tư càng thận trọng, lượng tiền vào thị trường vì thế giảm dần, giá trị giao dịch trên HOSE từ hơn 20.000 tỷ đồng/phiên giảm còn 15.000 - 16.000 tỷ đồng/phiên.

Với thanh khoản có xu hướng giảm, hoạt động bắt đáy được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị cần thận trọng, nên ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm đòn bẩy, không mua bình quân giá, đưa tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt về mức cân bằng hoặc thấp.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, nhịp giảm vừa qua diễn ra khá bất ngờ và trong thời gian ngắn, khiến nhiều nhà đầu tư “không kịp trở tay”. Thanh khoản chưa tăng trở lại cho thấy lực cung tiềm năng vẫn còn, nên quán tính giảm điểm có thể tiếp tục diễn ra. Do đó, việc bắt đáy cổ phiếu nhìn chung có rủi ro.

Giai đoạn hiện nay, đầu tư ngắn hạn không được khuyến khích, thay vào đó, nhà đầu tư nên xác định những cổ phiếu mục tiêu giàu tiềm năng trong giai đoạn nửa cuối năm 2021 và giải ngân khi thị trường có các tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy. Tất nhiên, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên cổ phiếu đầu ngành, lợi nhuận doanh nghiệp đang tăng trưởng, nhằm giúp phòng thủ tốt trước rủi ro.

Một số nhóm cổ phiếu đang được thị trường quan tâm là bất động sản do chưa tăng giá nhiều, nhóm ngân hàng với kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh trong quý III, nhóm kỳ vọng hồi phục ngắn hạn khi dịch bệnh được khống chế như hàng không, dịch vụ, bán lẻ, bia rượu…

Tác giả: Hoàng Minh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến