Đồng 100 USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng USD đã giảm hơn 1% so với các đồng tiền lớn khác trong phiên giao dịch ngày 14/11, sau khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng Mười cho thấy lạm phát tại nước này giảm tốc, từ đó làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất.
Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 14/11, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ không thay đổi trong tháng 10, sau khi tăng 0,4% trong tháng Chín. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 10, CPI của Mỹ đã tăng 3,2%, thấp hơn so với mức tăng 3,7% của tháng Chín.
Ngay sau khi số liệu nói trên được công bố, đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đều giảm mạnh. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống dưới 4,5%, khiến đồng USD mất đi một lực đẩy lớn đã hỗ trợ đồng tiền này trong năm nay.
Ông John Doyle, người đứng đầu bộ phận giao dịch của công ty Monex USA ở Washington, nhận định đồng USD sẽ tiếp tục giảm nhẹ đến hết năm nay, thậm chí có thể sang cả tháng Một năm sau.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với sáu đồng tiền chủ chốt, đã giảm 1,55% xuống 103,980, mức giảm theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất trong ngày kể từ ngày 11/11 năm ngoái.
Số liệu lạm phát nói trên đã củng cố khả năng Fed dừng tăng lãi suất. Nhưng ông Doyle và nhiều chuyên gia khác cảnh báo dừng tăng lãi suất không có nghĩa là Fed sẽ hạ lãi suất sớm như thị trường đang dự đoán, vì thị trường lao động vẫn thắt chặt và kinh tế Mỹ vẫn ổn định, từ đó duy trì đà chi tiêu của người tiêu dùng.
Những ngày gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác của ngân hàng này đã nỗ lực đẩy lùi các đồn đoán trên thị trường rằng Fed sẽ dừng tăng lãi suất.
Theo công cụ FedWatch của Công ty CME, thị trường đang dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trở lên từ nay đến tháng Năm năm sau là hơn 68%.
Trong khi đó, đồng yen cũng mạnh lên so với đồng USD, nhưng với mức tăng ít hơn so với các đồng tiền khác. Phiên này, đồng yen có thời điểm tăng 0,97% lên mức 150,23 yen đổi 1 USD.
Tháng Chín năm ngoái, giới chức Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng yen lần đầu tiên kể từ năm 1998, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng đã đẩy đồng yen xuống mức 145 yen đổi 1 USD.
Sau đó, vào tháng 10/2022, Chính phủ Nhật Bản lại can thiệp một lần nữa khi đồng yen sụt mạnh xuống mức thấp nhất 32 năm là 151,94 yen đổi 1 USD.
Ông Yusuke Miyairi, chiến lược gia ngoại hối của Nomura, dự đoán Nhật Bản có thể can thiệp nếu đồng yen phá vỡ ngưỡng 152 yen đổi 1 USD./.
Tác giả: Khánh Ly
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy