Từ đầu năm đến nay, đồng tiền của Nhật nhiều lần giảm mạnh. Hồi tháng 7, đồng Yên có thời điểm giảm xuống gần 162 Yên đổi 1 USD - mức thấp nhất trong 38 năm - dẫn tới động thái can thiệp thị trường ngoại hối của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Trước đó vào tháng 5, khi đồng Yên rớt giá xuống ngưỡng 160 yên đổi 1 USD, nhà chức trách Nhật cũng phải bán ngoại tệ để vực dậy đồng nội tệ.
Sau hàng loạt những can thiệp quyết liệt từ phía Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản, đồng Yên liên tục tăng giá với những kỷ lục mới. Ngày 27/8, đồng Yên tại Nhật Bản có tỷ giá 143 Yên/USD, còn thị trường New York là 144 Yên/USD. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 5 tháng qua, mà nguyên nhân được cho là do những động thái chứng tỏ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FRB) sắp hạ sàn lãi suất ngân hàng thêm một lần nữa.
Phân tích về những tác động của đồng Yên khi liên tiếp biến động mạnh, chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi đồng Yên Nhật giảm giá tức là đồng Việt Nam tăng giá so với đồng yên. Điều này sẽ tác động đến những người Việt Nam đang sinh sống và lao động ở Nhật Bản, có thu nhập bằng đồng Yên. “Khi họ gửi tiền về nước, đồng Yên quy đổi ra đồng tiền Việt Nam sẽ được ít hơn”, ông nói.
Tương tự, PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích, người lao động Việt Nam tại Nhật Bản nếu gửi tiền về hoặc quy đổi ra VNĐ sẽ phải chịu thiệt khi giá đồng Yên giảm sâu so với mặt bằng chung của tiền tệ thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đồng Yên Nhật vừa trải qua nhiều biến động mạnh. (Ảnh minh họa: Reuters)
Còn đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tùy từng trường hợp cụ thể mà mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau. “Những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sẽ chịu thiệt khi đồng Yên Nhật mất giá vì hợp đồng đã ký từ trước, không thay đổi được giá thành. Trong khi doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản lại được lợi khi giá cả hàng hóa đầu vào giảm xuống", ông Long nói.
Làm rõ thêm khía cạnh này, TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải: Những doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản nếu hợp đồng nhận tiền bằng USD thì sẽ không bị ảnh hưởng cho dù đồng Yên có tăng hay giảm. Còn đối với những doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản mà nhận về đồng Yên thì quy đổi sẽ không có lợi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy, Khoa Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi cũng cho rằng việc đồng Yên biến động lên xuống có thể tác động đến kinh tế Việt Nam theo nhiều cách khác nhau.
Khi đồng Yên giảm giá, hàng hóa Nhật Bản trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến việc gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản, như thiết bị điện tử, ô tô và máy móc công nghiệp. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam tại thị trường này.
Vì thế sự mất giá của đồng Yên nếu kéo dài có thể làm tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam nếu nhập khẩu từ Nhật tăng nhanh hơn xuất khẩu. Điều này có thể gây áp lực lên cán cân thanh toán.
Những biến động trên đồng Yên còn tác động đến đầu tư nước ngoài. “Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam. Nếu đồng Yên mất giá, lợi nhuận của các công ty Nhật Bản khi chuyển đổi sang Yên sẽ giảm, có thể dẫn đến việc họ cân nhắc các kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên ngược lại, nếu các công ty Nhật thấy cơ hội tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp ở Việt Nam, họ cũng có thể tăng cường đầu tư, đặc biệt trong các ngành sản xuất xuất khẩu”, ông Huy nói.
Thêm vào đó, sự biến động của đồng Yên có thể thúc đẩy nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm các thị trường ổn định hơn và Việt Nam có thể là một điểm đến tiềm năng nếu nền kinh tế Việt Nam được xem là ổn định.
Phân tích về tác động của việc đồng Yên biến động thất thường đến tỷ giá, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tỷ giá VND/USD chỉ phải chịu tác động một cách gián tiếp. Nếu đồng Yên giảm sâu trong thời gian dài có thể dẫn đến tác động tỷ giá giữa USD và Việt Nam giảm xuống. Điều này là có lợi cho cân đối vĩ mô. “Tuy nhiên, ở thời điểm này tôi nhận định việc đồng Yên Nhật biến động lên xuống không ảnh hưởng đến tỷ giá của đồng Việt Nam".
Tác giả: Công Hiếu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy