Dòng sự kiện:
Dragon Capital trở thành cổ đông lớn của Sacombank
11/03/2022 07:41:43
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), một nhóm cổ đông nước ngoài đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) lên trên 5%.

Thêm cổ đông ngoại

Cụ thể, bà Trương Ngọc Phương, đại diện cho một nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan công bố về sở hữu tại ngân hàng Sacombank gồm các quỹ thành viên của Dragon Capital.


Ngày 8/3 vừa qua, Dragon Capital thông qua Vietnam Enterprise Investment Limited đã mua vào 1,25 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 93,9 triệu cổ phiếu lên 95,2 triệu cổ phiếu, tương đương 5,05% vốn cổ phần ngân hàng.

Trong các quỹ thành viên của Dragon Capital, Norges Bank là đơn vị nắm giữ nhiều cổ phiếu STB nhất, với số lượng gần 18 triệu đơn vị. Tiếp theo là Amersham Industries Limited (15,9 triệu cổ phiếu) và Vietnam Enterprise Investments Limited (15,7 triệu cổ phiếu).

Trước đó, nhóm quỹ Dragon Capital chính thức trở thành cổ đông lớn của một ngân hàng khác là MB vào ngày 1/3. Cụ thể, 12 quỹ Dragon Capital nâng tổng số cổ phiếu sở hữu tại MB lên gần 189,3 triệu đơn vị, tương đương hơn 5% vốn điều lệ của MB.

Năm 2021, Sacombank lãi trước thuế 4.400 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm 2020 và vượt 10% kế hoạch năm. Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Sacombank đạt 521.196 tỷ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% lên 387.930 tỷ đồng; các khoản phải thu, lãi phí phải thu giảm mạnh 36% xuống còn 24.826 tỷ đồng.

Chất lượng tài sản của ngân hàng được cải thiện khi số dư nợ xấu giảm 1% xuống còn 5.721 tỷ đồng, qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ mức 1,7% hồi đầu năm xuống 1,47% cuối năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Sacombank tăng từ mức 93,6% lên 120,9%.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, sau 5 năm, Sacombank có tốc độ xử lý nợ xấu rất tích cực. Ngân hàng đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó khoảng 60.000 tỷ là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 70% kế hoạch tổng thể.

"Chúng tôi chỉ còn một phần nhỏ nữa thôi là hoàn thành tái cơ cấu., bà Diễm nói.

Sẽ bán 32,5% cho nước ngoài?

Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank Dương Công Minh, sau khi hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2022, Ngân hàng sẽ bán 32,5% vốn cổ phần cho hai đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, việc này phải được sự đồng ý của Chính phủ và đại diện của số cổ phần đó là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sacombank đang xin cơ chế để mua lại 32,5% cổ phần là nợ xấu đã bán mà VAMC quản lý.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Sacombank, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết, trong tổng số khoản nợ Sacombank còn tồn đọng mà VAMC quản lý mới chỉ xử lý được một nửa.

Một nửa còn lại có xấp xỉ 10.000 tỷ đồng là cổ phiếu Sacombank (mã chứng khoán STB) của ông Trầm Bê. VAMC đã trình phương án xử lý khoản nợ xấu này lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, dự kiến trong nửa đầu năm 2022 sẽ nhận được câu trả lời chính thức.

Theo Chủ tịch VAMC, số cổ phiếu STB của ông Trầm Bê khi được xử lý sẽ giúp Sacombank cải thiện hoạt động. Người mua sẽ đưa “tiền tươi” vào để tái cơ cấu và thúc đẩy Sacombank phát triển.

Trong khi đó, ông Minh kỳ vọng, sau khi xử lý, ông chủ thực sự của số cổ phần trên sẽ xuất hiện và chăm lo cho Sacombank, tương tự như ông đang chăm lo cho Ngân hàng hiện nay.

Mới đây, trong báo cáo chiến lược năm 2022, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận xét, quy định về trần sở hữu nước ngoài (room) dẫn đến việc khó tăng room cho tất cả các ngân hàng trong hệ thống, nhưng Sacombank là ứng viên sáng giá trong việc nới room lên 49% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Liên quan đến room, theo Quyết định 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 thay thế Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, Nhà nước sẽ sở hữu ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025.

Do đó, VCSC không kỳ vọng có sự nới room cho khối ngân hàng này trong ngắn hạn. Thay vào đó, nhóm phân tích VCSC cho rằng, có thể nới room tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Theo EVFTA, trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được sở hữu tới 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank.

Vì thế, ứng cử viên có cơ hội cao trong cam kết EVFTA này là Sacombank, do 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho VAMC.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/3, thị giá cổ phiếu STB dừng ở mức 31.550 đồng/cổ phiếu.

Tác giả: Vân Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến