Dự án 1.300 tỷ CT4 Vimeco: Cốc mò, cò xơi?
02/06/2015 13:39:58
ANTT.VN – Năm 2013, sự xuất hiện của cổ đông lớn An Quý Hưng đã giúp vực dậy dự án Chung cư CT4 của Vimeco sau 3 năm “quây tôn”, nhưng với tỷ lệ vốn góp không đủ chi phối so với công ty mẹ là Vinaconex, doanh nghiệp này trở nên bất lực trong quá trình giám sát, kiểm soát tình hình kinh doanh của Vimeco.

Tin liên quan

 

Tại thời điểm 31/12/2014, Công ty CP Vimeco có tổng vốn cổ phần lưu hành là 6.500.000 cổ phần, tương đương vốn điều lệ 65 tỷ đồng, đến ngày 12/01/2015 đã tăng lên 100 tỷ đồng. Trong đó có vốn góp Nhà nước là Tổng Công ty CP Vinaconex chiếm 51,4% tỷ lệ sở hữu, Công ty TNHH An Quý Hưng góp 30,97% vốn điều lệ.

Như vậy, riêng hai cổ đông là thể nhân trên đã chiếm tới 82,38% quyền kiểm soát của Công ty CP Vimeco.

An Quý Hưng được gì với 30% quyền biểu quyết?

Năm 2015, Vimeco đã tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên tổ chức vào ngày 13/4/2015 nhưng chỉ có 65 cổ đông tham dự, đại diện cho 6.398.051 cổ phần, chiếm 63,98% trên tổng số cổ phần phát hành. Theo khoản 13.11 Điều 13 của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty CP Vimeco (số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết), Đại hội cổ đông triệu tập lần 1 không đủ điều kiện tổ chức.

Ngày 05/05/2015 vừa qua, ĐHCĐ triệu tập lần thứ hai của Vimeco được tổ chức với sự có mặt của 63 cổ đông đại diện cho 95,38% tổng số cổ phần phát hành.

Đáng chú ý, trong quá trình diễn ra đại hội, Vimeco có biểu quyết thông qua Báo cáo ban điều hành về kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát…. nhưng tỷ lệ biểu quyết thông qua khá “sát nút” 65% theo quy định.

Các Báo cáo được thông qua chỉ với sự đồng ý của 61-62 cổ đông đại diện cho 67% cổ phần. Thậm chí, Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloiite Việt Nam cũng chỉ được 62 cổ đông thông qua với tỷ lệ 67,22%.

Nên nhớ rằng, với tỷ lệ kiểm soát 51,4% cổ phần Vimeco, việc bỏ phiếu “gật” hay “lắc”  của Vinaconex cũng chính là tiếng nói quyết định khi theo điều lệ, có quyết định chỉ được thông qua khi tỷ lệ đồng ý là 65%.

Như vậy, dù là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu gần 31% cổ phần thì tiếng nói của An Quý Hưng trong quá trình điều hành và kiểm soát Vimeco khá yếu ớt.

Ban kiểm soát "ăn lương cả năm, làm việc 1 ngày"

Tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH An Quý Hưng thắc mắc: “Với ngành nghề tương đồng, mục đích hòa đồng cùng sự phát triển của Vimeco, chúng tôi đã nỗ lực cổ gắng cùng HĐQT tham gia điều hành hoạt động sản xuất. Nhưng trong 1 năm tham gia hoạt động trong HĐQT và BKS nhưng không được sự ủng hộ của cổ đông lớn Vinaconex như việc giới thiệu cán bộ tham gia giám sát tại một số nơi như dự án CT4, Phòng kế toán và Trạm trộn Tây Mỗ, các cán bộ do Công ty An Quý Hưng tự trả lương và không làm việc gì ảnh hưởng đến SXKD của công ty nhưng các cán bộ của Vimeco không hợp tác”.

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng cho rằng Ban kiểm soát 1 năm làm việc 1 lần trong thời gian 1 ngày là không đảm bảo, việc 5 năm chưa quyết toán thuế rất rủi ro, có nhiều cách hạch toán cần phải xem lại, tránh sau này truy thu ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty.

Trả lời cho những tác mắc trên, ông Nguyễn Quốc Hòa - Ủy viên HĐQT cho biết: “Cổ đông An Quý Hưng muốn tham gia vào giám sát nhưng phải đảm bảo đúng điều lệ, bảo vệ lợi ích của công ty chứ không thể riêng bảo vệ lợi ích của một cổ đông nào”. Ngoài ra “hiện nay các vị trí cán bộ đang đảm nhiệm hoạt động tài chính của Vimeco diễn ra bình thường nên công tác thay thế chỉ thực hiện khi cán bộ không đám bảo yêu cầu, yếu kém về năng lực. Việc quyết toán thuế là do công ty tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm, Cục thuế không bắt buộc quyết toán thuế hàng năm như trước kia.

Về việc ban kiểm soát nhận lương cả năm nhưng làm việc 1 ngày, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Trưởng ban kiểm soát cho biết số liệu đã được lấy và xem xét trước đó 1 tuần, với công ty xây dựng như Vimeco thì số liệu cuối năm mới là số liệu chính xác đáng tin cậy nên Ban kiểm soát làm việc vào cuối năm nhiều hơn. Việc hạch toán kế toán có rất nhiều cách nhưng vẫn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và có lợi cho Công ty.

Áp lực nợ phải trả tăng cao

Một dự án của Vimeco được giới đầu tư rất quan tâm là Dự án chung cư CT4 Vimeco tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Khi dư luận đưa tin về việc CTCP Vimeco bán nhiều suất góp vốn cho lãnh đạo của công ty mẹ, cụ thể là các ông Thân Thế Hà, Dương Văn Mậu và Lê Doanh Yên, đều đang là Phó tổng giám đốc Vinaconex.

Tòa nhà CT4 với quy mô 39 tầng, tổng vốn đầu tư hơn 2.169 tỷ đồng. Phương án huy động vốn là phát hành cổ phiếu để tăng vốn thêm 130 tỷ đồng, lên mức 195 tỷ đồng. Phần vốn tăng thêm này được dùng làm vốn đối ứng, cùng với việc vay ngân hàng, Vimeco dự tính sẽ có tiền thi công được phần móng tòa nhà. Sau đó, sẽ tiến hành kinh doanh dự án để có tiền triển khai tiếp.

Thế nhưng, kế hoạch phát hành cổ phiếu đã không thực hiện được, khiến dự án vẫn trong tình trạng nằm “quây tôn” để cỏ mọc hoang dại suốt 3 năm qua.

Giữa năm 2013, khi xuất hiện cổ đông lớn là Công ty TNHH An Quý Hưng thì dự án CT4 mới có hi vọng được “hồi sinh". Năm 2014, Vimeco đã tiến hành tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ và khởi động lại dự án CT4.

Dự án chung cư CT4 Vimeco đang triển khai phần hầm

Hiện tại, dự án chưa hoàn thành xong phần móng nên chỉ được phép huy động vốn tối đa là 20% số lượng căn hộ, tương ứng 80 căn. Giá chào bán trong hợp đồng góp vốn 24 triệu đồng/m2, chưa bao gồm VAT, 2% phí bảo trì. Giá bán các suất ngoại giá chênh 350-500 triệu đồng/căn hộ. Như vậy, nếu cộng cả 10% thuế VAT, khoản tiền chênh ngoài, giá bán thực tế 31-32 triệu đồng/m2. Xong, mức giá này chỉ là giá bán nhà thô. Một mức giá "cắt cổ" trong khi thời gian giao nhà kéo dài năm 2017.

Năng lực đầu tư của Vimeco cũng là một dấu hỏi lớn, khi quy mô nợ của doanh nghiệp này tăng vọt thời gian gần đây, gấp nhiều lần so với số vốn điều lệ 65 tỷ đồng (trong đó các khoản đầu tư góp vốn của Vimeco vào Công ty CP Vimeco Cơ khí và thương mại, CTCP Vipaco hay CTCP NEDI2… đến 31/12/2014 đã là 31,12 tỷ).

Tính đến cuối năm 2013, tổng nợ phải trả tăng mạnh lên tới 621 tỷ đồng, và tiếp tục tăng lên gần 834 tỷ đồng vào cuối năm 2014, tức gấp 3,95 lần vốn chủ sở hữu.

Tại thời điểm 31/12/2014, Vimeco có nợ vay ngắn hạn và dài hạn của nhiều ngân hàng, cá nhân với tổng nợ hơn 281,83 tỷ đồng (gồm cả 28 tỷ đồng nợ của công ty con – CTCP Vimeco Cơ khí và thương mại). Công ty đã vay của nhiều chi nhánh ngân hàng như BIDV, MB, Vietinbank…

Các khoản vay và nợ ngắn hạn của Vimeco tại ngày 31/12/2014

Tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng gồm nhiều máy móc, phương tiện, xe, trạm trộn bê tông, hợp đồng tiền gửi, quyền đòi nợ từ công trình thi công… Và một số khoản vay ngân hàng đã không có tài sản thế chấp như khoản vay 12 tỷ tại MB Hoàng Quốc Việt.

Mỗi năm, chi phí tài chính của Vimeco cho các khoản nợ khá lớn, tiền lãi vay phải trả trong năm 2013 là 27,309 tỷ, năm 2014 là 22,014 tỷ đồng.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 vừa qua, Hội đồng quản trị Vimeco cho biết công ty đã hoàn thành thủ tục đầu tư dự án CT4, xác định tiền sử dụng đất, tiến hành thi công phần ngầm. Đồng thời, Vimeco thừa nhận “bắt đầu tiến hành huy động vốn cho dự án. Cùng với đó, công ty tiến hành thăm dò thị trường để xác định phương án bán hàng với mục tiêu lợi nhuận và thanh khoản cho dự án”.

Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến