Dự án 231 Nguyễn Trãi không phải là mục tiêu hiện nay vì không có tiền
26/04/2016 17:13:56
Hôm nay (26/4), CTCP Cao su Sao Vàng (mã SRC) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2016.

Tin liên quan

Đại hội đồng cổ đông 2016 của SRC

Theo tờ trình đại hội, năm 2015 công ty vượt 7% chỉ tiêu lợi nhuận, HĐQT công ty đề xuất chia cổ tức tăng thêm 7% so với kế hoạch và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 40%.

SRC cho biết năm 2015 là một năm khó khăn chung cho toàn nền kinh tế nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng. Hiện tại khả năng cạnh tranh của sản phẩm SRC kém, công ty chịu áp lực giảm giá bán, tăng chi phí để cạnh tranh.

Doanh thu cả năm đạt 960 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 95,8 tỷ đồng, vượt 7% kế hoach. Với kết quả đạt được HĐQT công ty đề xuất chia cổ tức tổng cộng 22% thay vì 15% như kế hoạch, đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 40%.

HĐQT cũng lập trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành hơn 8 triệu cổ phần tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 40%. Nguồn vốn phát hành lấy từ quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung Vốn điều lệ.

Năm 2016, công ty tiếp tục triển khai việc di dời Nhà máy đến Khu công nghiệp Châu Sơn, Phủ Lý, Hà Nam, đồng thời xin chủ trương thoái vốn tại CTCP Philips Carbon Black.

SRC đã góp vốn vào đơn vị này để đầu tư dự án sản xuất Than đen tại Bà Rịa Vũng Tàu. Tổng tiền góp vốn vào Philips Carbon Black trên 11,4 tỷ đồng. Tuy nhiên do Philips Carbon Black gặp khó khăn về vốn nên đã thoái vốn và chuyển nhượng đất thuê cho đối tác khác nên SRC cũng muốn thoái vốn tại dự án này.

Dự kiến năm 2016, doanh thu phấn đấu đạt 1.005 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 96 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 4%.

Về việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Tập đoàn Hoành Sơn, SRC cho biết hiện tại công ty có cơ sở sản xuất chính tại địa chỉ 231 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội, ngoài ra còn có các cơ sở sản xuất khác tại Xuân Hoà - Vĩnh Phúc, dây chuyển sản xuất săm lốp xe đạp, săm xe máy tại Thái Bình.

Theo định hướng phát triển của Hà nội hiện nay là quận Thanh Xuân và các khu vực lân cận đã được quy hoạch dần trở thành các khu thương mại, văn phòng, chung cư. Các cơ sở sản xuất công nghiệp đang dần được di dời khỏi nội thành Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý cho SRC tiếp tục sử dụng đất theo hiện trạng với mục đích làm cơ sở sản xuất, trụ sở làm việc và cửa hàng kinh doanh, dịch vụ cho đến khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội thành, dự kiến năm 2018.

Sau năm 2018, SRC sẽ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do chi phí vận tải tăng cao ảnh hưởng đến giá thành do quy định về thời gian hoạt động của xe tải trên địa bàn thành phố và chi phí giá thuê đất tăng cao khoảng 5 lần, mặt bằng sản xuất chật hẹp vì vậy việc di dời nhà máy khỏi địa điểm hiện tại là điều tất yếu để mở rộng quy mô sản xuất lốp Radial. Tuy nhiên hiện tại khả năng tài chính của công ty rất hạn chế nên cần thiết phải tìm đối tác để hợp tác đầu tư tại khu đất 231 Nguyễn Trãi, tận dụng lợi thế khu đất này để tạo nguồn vốn hỗ trợ công tác di dời.

Công ty đã mời một số nhà đầu tư có năng lực trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như Bất động sản Việt Hưng, Tập đoàn Đất Xanh, Tập đoàn tài chính Hoàng Huy... tuy nhiên CTCP Tập đoàn Hoành Sơn là đối tác trả giá cao nhất: 435 tỷ đồng.

Hai bên thoả thuận góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn để đầu tư phát triển khu hỗn hợp bao gồm Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng căn hộ cao cấp để bán và cho thuê tại 231 Nguyễn Trãi. Hai bên thành lập công ty dự án với vốn điều lệ dự kiến tại thời điểm thành lập là 100 tỷ đồng, trong đó SRC góp 26%, Hoành Sơn góp 74%. SRC sẽ thoái vốn ngay khi dự án kết thúc.

Kinh phí hỗ trợ SRC di dời nhà máy về Hà Nam là 435 tỷ đồng.

Thảo luận: Cổ đông yêu cầu đại hội phủ quyết tờ trình hợp tác với Hoành Sơn và đưa ra đấu giá công khai khi thấy tài sản bị thất thoát quá nhiều.

Ông Mai Chiến Thắng - Tổng giám đốc SRC: Cổ đông có ý kiến, theo tôi là chỉ trích ban điều hành coi nhẹ tài sản của nhà nước. Là người đại diện cho vốn của nhà nước, ban lãnh đạo không phải như những ý kiến cổ đông đã chỉ trích.

Có thể cổ đông chưa hiểu hết nên nhận định sai, dự án này manh nha triển khai từ rất lâu (2008 - 2009), cũng đã tìm đối tác để triển khai. Hiện nay khó khăn lớn nhất của công ty là có được nguồn vốn để di dời. Vào thời kỳ trên, chỉ bàn đến phương án di dời đã lên đến hơn 1.000 tỷ,  lúc đó cũng đã có bàn đến phương án thành lập liên doanh 3 công ty: BĐS Việt Hưng (55%), Phú Mỹ và SRC (10%). Tại thời điểm đó, dự kiến dự án có vốn ban đầu là 1.300 tỷ đồng.

Lúc đó nhà nước chưa có quy định cấm các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành. Chính phủ lúc đó cũng chưa có quy định quản lý về sử dụng đất về đất sản xuất công nghiệp trong thành phố. Lúc dó BĐS nóng nên đối tác đưa ra giá hơn 700 tỷ và chưa có hợp đồng nào để ký kết, chỉ mới đưa ra giá.

ĐHĐCĐ 2012 dự tính đưa ra để xin ý kiến nhưng bên đại diện vốn nhà nước yêu cầu nghiên cứu kỹ lại. Sau đó BĐS đi xuống, cộng thêm đó đến 2014 việc xây dựng nhà cao tầng bị hạn chế.

Hiện nay thành phố ưu tiên cho việc di dời các nhà máy, đầu tư các công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Hơn 6ha đất tại 231 Nguyễn Trãi là đất do nhà nước quản lý và do công ty trả tiền thuê đất hàng năm nên không phải bán, mà hiện tại có thể gọi là lách để bán lợi thế sử dụng đất tại đây.

Công ty được tư vấn để lựa chọn đối tác hợp tác. Hoành Sơn là đối tác có năng lực tài chính, khả năng cung cấp được tài chính cho việc di dời.

Thành lập công ty dự án chỉ là thủ tục để bên Hoành Sơn hỗ trợ tiền cho SRC di dời nhà máy.

Nếu nói kinh nghiệm, Vincom có kinh nghiệm hơn nhưng trả giá lại thấp hơn.

Hiện nay đất ở đây , quy hoạch của thành phố còn 1,2ha để xây dựng dự án, còn lại để xây dựng công trình công cộng.

Về góp vốn lúc đầu, nếu theo đúng dự kiến ban đầu sẽ lập công ty với vốn điều lệ trên 1.600 tỷ, nếu đóng 26% thì công ty lấy đâu ra tiền để đổ vào. Do vậy công ty học tập kinh nghiệm từ các công ty khác, lập công ty ban đầu có vốn nhỏ 100 tỷ đồng.

Dự án 231 Nguyễn Trãi không phải là mục tiêu của công ty hiện nay bởi công ty không có tiền. Trên thực tế chỉ sang nhượng quyền sử dụng đất cho bên thứ 2, SRC tập trung vào việc di dời nhà máy. Các nhà máy lân cận đều đã di dời hoặc di dời gần xong, chỉ còn mỗi Sao Vàng.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến