Dấu chấm hết
Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa chính thức gửi thông báo tới nhà đầu tư là liên danh Công ty TNHH MTV Văn Tiến Nghĩa - Công ty Xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông, nhưng số phận của Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si đã được định đoạt, thậm chí từ nhiều tháng trước đó.
Trong Văn bản số 1531/BGTVT - ĐTCT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký vào đầu tháng 2/2018, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long - đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) khởi động thủ tục chấm dứt hợp đồng Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53.
Theo đó, PMU Thăng Long có trách nhiệm rà soát kỹ thủ tục pháp lý, trách nhiệm các bên liên quan... để làm cơ sở xác định căn cứ chấm dứt hợp đồng gửi nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo quy định.
“Sau khi có báo cáo của PMU Thăng Long, Vụ Đối tác công - tư chủ trì tham mưu Bộ GTVT để có văn bản chính thức gửi nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án thông báo chấm dứt hợp đồng, trong đó xác định rõ căn cứ chấm dứt hợp đồng; đồng thời, tham mưu Bộ phương án xử lý thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng do Ngân hàngTMCP Phát triển TP.HCM - Chi nhánh Sở Giao dịch Đồng Nai phát hành để bảo đảm nghĩa vụ và trách nhiệm các bên trong việc thực hiện hợp đồng Dự án”, ông Nhật chỉ đạo.
Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng được yêu cầu khẩn trương phối hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiểm tra xác định cụ thể phần việc, chi phí thực tế triển khai tại hiện trường và các chi phí hợp pháp khác theo quy định, ký biên bản thống nhất với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương tổ chức ngay việc tiếp nhận Dự án để quản lý và thực hiện công tác duy tu, sửa chữa các vị trí hư hỏng trên đường hiện hữu, đảm bảo an toàn giao thông thuận lợi cho người dân trong quá trình khai thác.
Được biết, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh (bao gồm cầu Ngã Tư) theo hình thức BOT được Bộ GTVT cho phép khởi công vào giữa tháng 5/2015. Công trình có tổng mức đầu tư 1.222 tỷ đồng này sẽ nâng cấp, cải tạo 44,905 km Quốc lộ 53 đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h. Theo Hợp đồng số 03/BOT - GTVT được ký bởi Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư vào ngày 31/1/2016, để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép lập trạm thu giá dịch vụ trong vòng 21 năm.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ phải hoàn thành sau 2 năm thi công. Tuy nhiên, đến đầu tháng 1/2018, việc thi công trên hiện trường gần như chưa được triển khai bất chấp sự thúc giục của Bộ GTVT và chính quyền hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long.
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 là công trình hạ tầng BOT thứ hai ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải dừng triển khai để chuyển đổi hình thức đầu tư.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2018, Bộ GTVT đã thông báo chấm dứt hợp đồng Dự án BOT Nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Km 1+200 - Km 34+230 với nhà đầu tư là liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Phương Nam & Công ty TNHH Xây dựng hạ tầng Phú Mỹ sau 3 năm triển khai.
Giải thoát cho các bên
Cùng giống như trường hợp Dự án BOT Quốc lộ 30, liên danh Công ty TNHH MTV Văn Tiến Nghĩa - Công ty Xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông bị chấm dứt hợp đồng giữa chừng sau khi bất lực trong việc thu xếp hơn 1.000 tỷ đồng vốn vay thương mại để tiến hành, nâng cấp Quốc lộ 53.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Văn Tiến Nghĩa – Công ty Xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông nhà đầu tư đã vi phạm điểm c, Khoản 14.5, Điều 14 của Hợp đồng: “Nhà đầu tư không ký được hợp đồng vay vốn trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng dự án”.
Cần phải nói thêm rằng, sau gần 2 năm chờ nhà đầu tư “xoay” vốn, vào cuối tháng 11/2017, Bộ GTVT đã buộc phải phát văn bản thông báo vi phạm hợp đồng đối với nhà đầu tư, đồng thời gia hạn thêm 1 tháng để khắc phục.
Tuy nhiên, theo PMU Thăng Long, cho đến thời hạn chót (12/12/2017), việc huy động vốn tín dụng cho dự án vẫn đang được nhà đầu tư tiếp tục đàm phán và chưa xác định được thời gian cụ thể của việc ký hợp đồng tín dụng. Cho đến ngày 2/2/2018, sau một loạt những nỗ lực tìm kiếm vốn vay thương mại bất thành, nhà đầu tư và Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 52 Long Hồ - Ba Si đã có văn bản thống nhất với Bộ GTVT về việc dừng thực hiện Dự án.
“Ngoài việc hoàn trả Bảo lãnh thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư đề nghị Bộ GTVT xem xét bố trí vốn để thanh toán các khoản chi phí của nhà đầu tư và các đơn vị tham gia từ ngày triển khai cho đến thời điểm ngừng dự án”, lãnh đạo PMU Thăng Long cho biết.
Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh đã có văn bản đồng thuận dừng triển khai Dự án theo hình thức BOT và chuyển sang hình thức đầu tư công đối với công trình này.
Điều đáng nói là, từ tháng 11/2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bàn giao đoạn tuyến này cho Công ty cổ phần Đầu tư BOT quốc lộ 53 Long Hồ - Ba Si để thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay, do Dự án vẫn chưa được triển khai thi công xây dựng, một số đoạn tuyến bị hư hỏng, tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Cục Quản lý đường bộ IV, Ban An toàn giao thông tỉnh Trà Vinh và Sở Giao thông Vận tải Trà Vinh đã nhiều lần đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư BOT quốc lộ 53 Long Hồ - Ba Si khắc phục, sửa chữa.
Mặc dù vậy, do thiếu kinh phí, nhà đầu tư BOT chưa quan tâm đến công tác đảm bảo giao thông và không khắc phục hư hỏng. Trong khi đó, đoạn tuyến nêu trên đã bàn giao cho nhà đầu tư để triển khai dự án BOT, theo quy định, Tổng cục Đường bộ không thể bố trí vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương để sửa chữa hư hỏng đã khiến tuyến đường này ngày một xuống cấp.
Bên cạnh đó, hiện Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo rà soát lại việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông trên các tuyến đường hiện hữu.
Đồng thời, ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 437/NQ - UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư BOT; trong đó có quy định, đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu.
“Việc dừng triển khai Dự án được coi là sự giải thoát cho tất cả các bên, đặc biệt Quốc lộ 53 là đường hiện hữu, độc đạo, nếu đầu tư bằng hình thức hợp đồng BOT, thu giá thì rất dễ tạo thành điểm nóng gây mất an ninh trật tự trên địa bàn”, một lãnh đạo Vụ Đối tác công tư - Bộ GTVT đánh giá.
Do Dự án vẫn chưa được triển khai thi công xây dựng, một số đoạn tuyến bị hư hỏng, tiềm ẩn mất an toàn giao thông |
Theo báo Đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy