Trình Quốc hội tại phiên họp ngày 4/1, Chính phủ đề xuất đầu tư thêm 729km đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 và sử dụng ngân sách Nhà nước. 12 dự án cao tốc Bắc Nam dài 729 km, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng. Bình quân suất đầu tư hơn 175 tỷ đồng/km, chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho rằng tổng mức đầu tư sơ bộ này chưa làm rõ một số yếu tố và cao hơn đáng kể con số cơ quan này tính toán.
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, số liệu sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần mới (729 km) của cao tốc Bắc Nam là 130.604 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị là 89.111 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 19.097 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 6.036 tỷ đồng và khoản dự phòng 16.361 tỷ đồng.
Theo đó, con số Kiểm toán Nhà nước tính toán giảm 16.330 tỷ đồng so với dự kiến của Chính phủ, với suất đầu tư bình quân 152,9 tỷ đồng/km, không bao gồm giải phóng mặt bằng.
Kiểm toán Nhà nước tính toán giảm suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam hơn 16.000 tỷ đồng so với dự kiến của Chính phủ (Ảnh: Phạm Tùng).
Việc tính toán của Kiểm toán Nhà nước dựa trên cơ sở xem xét suất đầu tư của các dự án tương tự về loại, cấp, quy mô công trình đã triển khai.
Chẳng hạn, dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng mức đầu tư 10.854 tỷ đồng cho 101 km, tương đương 107,5 tỷ đồng một km. Hay dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (hình thức PPP) tổng đầu tư là 9.620,2 tỷ đồng cho 78,5 km, tương đương 122,6 tỷ đồng/km. Còn dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây có tổng đầu tư 12.577 tỷ đồng, tương đương 125,77 tỷ đồng/km.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của các dự án, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư, tham khảo số liệu của dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 để bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025, có đủ vốn hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.
Phản hồi nội dung này vào ngày 6/1, Bộ GTVT cho biết, tổng mức đầu tư 12 dự án cao tốc theo báo cáo tiền khả thi được tính toán dựa trên dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về cấp công trình, quy mô, dự án đã thực hiện như cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đang triển khai.
Ngoài ra, Bộ GTVT có đánh giá để điều chỉnh mặt bằng giá thị trường theo địa điểm xây dựng, bổ sung chi phí khác của dự án, đặc biệt là yếu tố biến động giá của một số vật liệu chủ yếu như vật liệu đắp, thép, xăng dầu.
Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc Nam đang triển khai là đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) có suất đầu tư bình quân 190 tỷ đồng/km; các đoạn tại Bình Thuận - Đồng Nai 107-125 tỷ đồng/km; đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ 210 tỷ đồng/km.
Bộ GTVT cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư bước nghiên cứu tiền khả thi luôn mang tính đường bao để bảo đảm tổng mức đầu tư bước nghiên cứu khả thi không bị vượt (Ảnh: Phạm Tùng).
Bộ GTVT lý giải, tại đồng bằng sông Cửu Long, số cầu trên đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (thuộc cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) chiếm 9,2% chiều dài tuyến. Chiều dài cầu cạn tăng khiến tổng mức đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 254 tỷ đồng/km. Hiện cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã triển khai có chiều dài cầu chỉ chiếm 4,4% toàn tuyến nên suất đầu tư bình quân là 210 tỷ đồng/km.
Ngoài ra, theo quy định, tổng đầu tư trong bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ để ước tính chi phí xây dựng, kế hoạch vốn. Tổng mức được phê duyệt sau nghiên cứu khả thi mới làm cơ sở để bố trí vốn. Việc so sánh giữa bước nghiên cứu tiền khả thi so với bước nghiên cứu khả thi chỉ mang tính chất tương đối.
"Sơ bộ tổng mức đầu tư bước nghiên cứu tiền khả thi luôn mang tính đường bao để bảo đảm tổng mức đầu tư bước nghiên cứu khả thi không bị vượt, không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật. Chính vì vậy, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án được xác định theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đáp ứng độ tin cậy trong bước nghiên cứu tiền khả thi", Bộ GTVT nêu rõ.
Bộ GTVT cũng cho biết, bước tiếp theo sẽ tổ chức khảo sát chi tiết về địa hình, địa chất, thủy văn, điều kiện cung cấp vật liệu xây dựng, trên cơ sở khối lượng theo thiết kế, đơn giá, định mức để làm cơ sở xây dựng tổng mức đầu tư bảo đảm chặt chẽ theo quy định, làm cơ sở để bố trí vốn đầu tư.
Nhắc lại nội dung này tại phiên họp tổ Quốc hội chiều 6/1 về việc cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: "Chính phủ phải có giải trình thuyết phục về vấn đề này, tất nhiên ở bước tiền khả thi thì suất đầu tư mang tính khái toán, nhưng vẫn phải phù hợp".
Tương tự, ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị Chính phủ “xem lại cách tính toán”.
Ngoài ra, theo ông An, Chính phủ đề xuất lấy hơn 72.000 tỷ đồng từ gói phục hồi phát triển kinh tế xã hội để xây cao tốc. Tuy nhiên, cần tính toán hài hòa nguồn vốn, bảo đảm đúng mục đích, vì bản chất của việc này là lấy vốn chương trình phục hồi trong 2 năm để đầu tư cho dự án kéo dài đến năm 2025, có thể lâu hơn.
- Chủ tịch nước yêu cầu chấm dứt tình trạng bán thầu khi làm cao tốc Bắc-Nam phía Đông
- Suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng như thế nào?
- Rót vốn đầu tư 146.990 tỷ làm Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam
- Chủ tịch Quốc hội tán thành đầu tư công cao tốc Bắc Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy