Nhiều hệ lụy từ dự án “treo”
Tại thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà), khu vực có dự án mỏ sắt Thạch Khê hoạt động, PV ghi nhận hiện có hàng chục ngôi nhà đã bị bỏ hoang. Tìm hiểu được biết đa phần người dân ở đây đã di chuyển đến chỗ khu tái định cư (TĐC) mới theo diện đền bù di dời. Tuy nhiên hiện vẫn còn có số ít hộ dân vẫn xin ở lại để ở cũng như chăn nuôi và trồng trọt.
Lối vào quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư vắng người qua lại
Bà Đồng Thị Trọng (63 tuổi), trú tại thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn) cho biết: “Người dân hiện chỉ mong muốn dự án ngừng hẳn. Kể từ khi có dự án, sướng đâu không thấy mà chỉ thấy khổ. Dù đã được đền bù và cho di dời nhưng gia đình tôi vẫn xin ở lại. Bởi vì chỗ ở mới chỉ được quy hoạch 300m2 đất ở, không đất sản xuất, không có việc làm ổn định, không nước sạch sinh hoạt…”.
Cùng tâm trạng như bà Trọng, ông Nguyễn Viết Chiến (60 tuổi), trú thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn) than thở: Dự án mỏ sắt được triển khai gia đình ông được đền bù và sau đó được di dời lên khu TĐC để xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên khi lên trên chỗ mới, gia đình ông cũng như các hộ gia đình khác chỉ được cấp đất xây nhà ở mà không có đất canh tác nên khoảng 2 đến 3 năm nay đã có hơn chục hộ dân quay lại ngôi nhà cũ để ở, cũng như trồng trọt chăn nuôi kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bà Đồng Thị Trọng (63 tuổi) trú tại Thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà)
Theo tìm hiểu thì toàn xã Đỉnh Bàn có hơn 120 hộ thuộc đối tượng di dời đến khu vực TĐC mỏ sắt. Hiện các hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng nhiều hộ đang “sống dở chết dở” theo kiểu “đi không nỡ, ở không xong” vì khu tái định cư mới không có đất nông nghiệp cho các hộ dân canh tác làm ăn.
Không chỉ người dân xã Đỉnh Bàn mà hàng chục hộ dân xã Thạch Hải cũng lâm vào cảnh “khốn khổ” bởi dự án mỏ sắt treo hàng chục năm nay.
Ông Dương Đình Toán – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hải cho biết: “Mong muốn của chính quyền xã cũng như người dân nơi đây là sớm ngừng hẳn việc khai thác dự án quặng mỏ sắt Thạch Khê”.
Toàn xã Thạch Hải có khoảng 3.000 hộ dân cần di dời nhưng việc mỏ sắt ngừng hoạt động đến tận bay giờ đã gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống của toàn xã. Nói là dự án mỏ sắt Thạch Khê nhưng toàn bộ khu vực khai thác đều nằm trên địa phận xã Thạch Hải. Vì vậy mà tác động của mỏ sắt lên đời sống nhân dân trên địa bàn xã là rất lớn.
Cụ thể dự án “treo” đã khiến cho đời sống nhân dân toàn xã gặp nhiều khó khăn cũng như đảo lộn hoàn toàn: Không được phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn, nhiều dự án vì vướng mắc tại khu mỏ sắt mà không được đầu tư. Là xã ven biển nên nhiều cửa hàng quán xá nhiều năm nay cũng không được tu bỏ, sửa chữa khiến khung cảnh tan hoang, nhếch nhác...
Bên cạnh đó, vì vướng mắc dự án mỏ sắt Thạch Khê mà nhiều năm nay nhân dân xã Thạch Hải không được nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; dự án thu hồi đất nông nghiệp nên người dân không có việc làm, nhiều gia đình rơi vào cảnh thất nghiệp.
Có thể cho ngừng hoạt động mỏ sắt Thạch Khê
Liên quan đến mỏ sắt Thạch Khê, trả lời báo chí ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh cho biết: UBND tỉnh vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu Tư văn bản góp ý dự thảo phương án xử lý tổ hợp dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà. Tỉnh đề nghị Bộ báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án trước tháng 5/2021.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã trình văn bản gửi Chính phủ kiến nghị đóng cửa dự án mỏ sắt Thạch Khê, ít nhất đến năm 2070. Đồng thời, sẽ thu hồi 980 ha đất khu vực mỏ để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển du lịch.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê - chủ đầu tư của dự án cho rằng nếu đóng cửa mỏ thì chính quyền phải đền bù thỏa đáng cho nhà đầu tư.
Khu vực thuộc mỏ sắt Thạch Khê
Được biết, Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư từ năm 2008, triển khai đến năm 2011 với tổng nguồn vốn là 14.500 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án đã phải tạm dừng để cơ quan quản lý thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, tái cơ cấu cổ đông.
Dự án nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà, cách thành phố Hà Tĩnh 8 km; tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821 ha. Mỏ sắt Thạch Khê được các chuyên gia phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là "con voi" lớn nhất Đông Nam Á.
Theo tính toán ban đầu, dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 5.000 hộ dân, di dời gần 4.000 hộ. Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ triển khai, đến nay chỉ mới di dời được 113 hộ dân và giải phóng mặt bằng hơn 830 ha diện tích. Dự án “đắp chiếu” nhiều năm nay đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, đời sống của người dân trong vùng dự án.
Lê Việt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy