Dòng sự kiện:
Dự án nhà máy nước sạch hơn 400 tỷ đồng đắp chiếu, lãng phí tài nguyên
06/03/2024 07:14:38
Sau 5 năm triển khai, dự án nhà máy nước sạch Nông Cống (Thanh Hóa) vẫn nằm trên giấy, gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Dự án Nhà máy Nước sạch Thăng Thọ, tại xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) có tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhà máy có quy mô 1,2ha, công suất thiết kế 15.000 m3 nước/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 14 xã vùng trũng của huyện Nông Cống.

Theo quyết định phê duyệt, Nhà máy Nước sạch Thăng Thọ khởi công xây dựng quý I/2019, đưa vào hoạt động quý IV/2019. Nhưng đến nay đã 6 năm, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. 

Dự án nhà máy nước sạch vẫn đang đắp chiếu nhiều năm

Ông Ninh Văn Hợp, ngụ xã Thăng Thọ, cho biết, gia đình ông là 1 trong 47 hộ dân có đất thu hồi phục vụ dự án, khi có chủ trương, gia đình ông và người dân trong xã rất đồng tình ủng hộ, vì đây là dự án thiết thực, giúp cư dân có nguồn nước hợp vệ sinh để dùng.

"Gia đình tôi có 2 sào đất lúa giao cho dự án, những tưởng sẽ sớm có nước sạch để dùng. Nhưng nay đã 6 năm, nhà máy chưa thành hình. Chúng tôi đã kiến nghị địa phương rằng nếu dự án không tiếp tục thực hiện thì nên thu hồi để dân có đất sản xuất, đừng nên lãng phí", ông Hợp nói.

Nhà máy Nước sạch Thăng Thọ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 1/2018, dự kiến có 14 xã được thụ hưởng nguồn nước sạch. Sau đó, dự án tăng lên 19 xã; gồm 13 xã thuộc huyện Nông Cống, 3 xã thuộc huyện Như Thanh, 3 xã thuộc thị xã Nghi Sơn.

Hơn 2 tháng sau, dự án tăng vốn đầu tư lên khoảng 410 tỷ đồng, tăng quy mô lên 3,5ha, tăng công suất lên 30.000 m3 nước /ngày đêm.

Nhiều lần làm việc với UBND huyện Nông Cống, đại diện chủ đầu tư cam kết dự án sẽ được thực hiện dự án, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2021. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa có biến chuyển.

Dù chậm tiến độ nhưng tháng 1/2021, dự án lại được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định tăng tổng vốn đầu tư lên 455 tỷ đồng. Tại quyết định này, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư đến tháng 9/2021 phải hoàn thành, đưa nhà máy vào hoạt động. Chủ đầu tư cũng đã có cam kết hoàn thành đúng thời hạn nhưng vẫn như các lần trước, dự án vẫn "trùm mền" cho tới nay.

Ghi nhận thực tế vào tháng 3/2024, trên khu đất được phê duyệt xây dựng Nhà máy nước Thăng Thọ không bóng dáng công nhân, máy móc thiết bị nào đang vận hành. Toàn bộ khu đất im lìm với một số hạng mục được xây dựng dở dang, gồm: Một phần hệ thống tường rào bao quanh, một nhà điều hành 2 tầng mới xây xong phần thô, 2 hồ chứa nước mới chỉ được đào đất thô, 1 móng nhà bỏ hoang, cỏ mọc... Ngoài ra, khu đất xây dựng dự án đang còn đường dây điện hạ thế chưa giải phóng.

Ông Phạm Quang Thuyên, Chủ tịch UBND xã Thăng Thọ cho biết, toàn xã hiện có hơn 5.000 nhân khẩu, đã rất nhiều lần chính quyền địa phương đề nghị Chủ đầu tư dự án triển khai xây dựng, đưa nhà máy vào hoạt động để người dân sớm có được nước sinh hoạt dùng, nhưng đến nay họ vẫn không tiến hành xây dựng tiếp.

Dự án nhà máy nước chậm tiến độ khiến cho quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương cũng bị ảnh hưởng, bởi trong tiêu chí phải có nguồn nước sạch bảo đảm vệ sinh mới được công nhận.

Được biết, UBND huyện Nông Cống cũng đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư dự án, yêu cầu công ty phải thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên những cam kết và hứa hẹn của công ty vẫn chỉ là lời hứa suông.

Đáng chú ý, tháng 8/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã có buổi kiểm tra tiến độ dự án và yêu cầu: Chủ đầu tư khẩn trương huy động nhân lực, máy móc, thiết bị đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến tháng 6/2023 phải đưa nhà máy vào hoạt động. Nếu đến thời gian này, nhà máy vẫn chưa hoàn thành, việc cấp nước sạch cho người dân trong vùng sẽ được chuyển cho đơn vị khác đảm nhận.

Sau nhiều lần thúc giục bất thành, chính quyền địa phương cũng tỏ ra nản chí, loay hoay chưa tìm ra giải pháp trước sự ì ạch của chủ đầu tư.

Ông Đồng Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống thông tin, dự án chậm tiến độ quá lâu, huyện đã nhiều lần thúc giục nhà đầu tư sớm thực hiện, nếu không sẽ báo cáo tỉnh có phương án xử lý.

"Dự án chậm không những lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chính trị của địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao. Bởi nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng để các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, không có nước sạch thì sẽ không thực hiện được", ông Quân cho hay. 

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến