Dòng sự kiện:
Dự án nuôi cá rô phi ISREAL: Chính quyền loay hoay GPMB, CĐT triển khai thi công
13/08/2018 10:13:02
Sau khi quy hoạch và Đại dự án nuôi cá rô phi ISREAL tại xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) là vùng đất do xã quản lý nhưng lại xuất hiện hơn 70 thửa đất có giấy tờ của nông dân.

Được quy hoạch là vùng đất nuôi trồng thủy sản tại các xóm 3, 4A, 4B và do xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) quản lý. Trước đây, vùng đất nông nghiệp này sản xuất kém hiệu quả nên chính quyền địa phương đã kêu gọi, thu hút nhà đầu tư vực dậy vùng đất “chết” này.

Vào năm 2016, từ chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An, dự án Dự án nuôi cá rô phi ISREAL công nghệ cao của Công ty cổ phần SYNOT ASEAN đã vào đầu tư tại vùng đất tại xã Hưng Mỹ.

Ngày 01/6/2017 theo quyết định số 2333/QĐ-UBND Dự án nuôi cá rô phi ISREAL công nghệ cao của Công ty cổ phần SYNOT ASEAN được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 58 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên diện tích 6,4ha và thu hồi đất của 161 hộ dân. Tháng 11/2017, Đại dự án nuôi cá rô phi này được Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500.

Quy hoạch chi tiết dự án nuôi cá rô phi công nghệ cao tại xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên.

Sau khi có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, nhà đầu tư đã tiến hành chi trả tiền cho người dân có diện tích đất bị thu hồi và đã trả được hơn gần 100 hộ trong tổng số 161 hộ thì bỗng nhiên xuất hiện 73 trường hợp có giấy tờ đất từ năm 1996 khiến chủ đầu tư và chính quyền địa phương rất bất ngờ,  bởi nghĩ rằng diện tích đất thu hồi phục vụ dự án là 100% đất nông nghiệp do xã quản lý.

Liên quan đến việc quy hoạch Đại dự án cá rô phi trên “giấy”, ông Nguyễn Như Mai – Chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ cho biết: “Dự án nuôi cá rô phi công nghệ cao được triển khai trên vùng đất quy hoạch nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp của các xóm 3, 4A và 4B. Qua kiểm tra, xác minh từ các giấy tờ, sổ mục kê lưu tại xã thì hoàn toàn là đất do xã quản lý. Chỉ khi các hộ dân đưa giấy tờ từ năm 1996 thì phát hiện nên công tác hỗ trợ và xác định nguồn gốc đất cũng như việc bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành làm công tác giải phóng mặt bằng. Một số hộ dân đã đồng ý nhận tiền, còn lại một số hộ dân thì chưa đồng ý vì họ cho rằng giá đền bù như thế là thấp quá. Việc đơn vị chủ đầu tư tiến hành làm mương tiêu thủy lợi và đường nội đồng là do xã và huyện cho phép họ làm. Còn trạm điện biến thế họ đang xây dựng là trên diện tích của 3 hộ dân. 3 hộ này đã nhận tiền đền bù, xóm trưởng cũng đã đồng ý nên để cho họ làm".

Quyết định chủ trương đầu tư.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Ý, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần SYNOT ASEAN cho biết: “Khi vào đầu tư ở đây, chính quyền địa phương xác định là đất nông nghiệp do xã Hưng Mỹ quản lý. Thế nhưng, khi chúng tôi đang trả tiền hỗ trợ cho dân phần đất bị thu hồi thì lại xuất hiện 73 thửa đất có giấy tờ của nông dân. Từ đây, công tác thu hồi và bàn giao mặt bằng cho dự án gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần hội đàm với chính quyền địa phương xã Hưng Mỹ để giải quyết nhưng thay vì hợp tác và có tiếng nói chung  thì ngay trong nội bộ lãnh đạo xã lại có những quan điểm khác nhau dẫn đến công tác bàn giao mặt bằng cho dự án trở nên phức tạp. Thậm chí, có trường hợp là lãnh đạo xã cũng không chịu nhận tiền hỗ trợ để tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý, triển khai dự án”.

Nhà đầu tư sẵn sàng hỗ trợ cho những khó của người nông dân. Vì vậy, khi xã đề cập hỗ trợ thêm cho 73 trường hợp có giấy tờ đất bị thu hồi khi giá hỗ trợ 3,9 nghìn đồng/m2 theo quy định Nhà nước là thấp, dù chưa xác thực 73 trường hợp này là như thế nào vì mới chỉ nghe qua xã báo cáo thì nhà đầu tư đã chủ động hỗ trợ thêm 10 nghìn đồng cho tất cả 161 hộ dân có đất bị thu hồi chứ không riêng gì những hộ trên.

Việc chậm tiến độ bàn giao mặt bằng và hoàn thành các thủ tục pháp lý để triển khai dự án đã khiến cho chúng tôi “thiệt đơn, thiệt kép” – ông Nguyễn Như Ý cho biết thêm.

Báo cáo tiến độ dự án của chủ đầu tư.

Qua quan sát PV, trong khi chính quyền địa phương đang loay hoay chờ xử lý 73 trường hợp người dân có giấy tờ đất từ năm 1996 thì tại Đại dự án vẫn đang là bãi đất trống bỏ hoang. Sau khi được các cơ quan chức năng chấp thuận, phê duyệt, chủ đầu tư đã xây dựng trạm điện biến thế và làm tuyến mương tiêu thủy lợi và nâng cấp đường nội đồng.

Ngoài vùng đất trống, Đại dự án nuôi cá rô phi mới chỉ lắp đặt được cột trạm biến áp.

Liên quan đến việc chậm giải phóng mặt bằng, đã nhiều lần hội đàm giữa chủ đầu tư, UBND xã Hưng Mỹ với dân nhưng vẫn chưa giải quyết được.

UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo vấn đề giải phóng mặt bằng.

Ngày 19/6, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết và sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

UBND huyện Hưng Nguyên cũng đã mời các bên liên quan giải quyết công tác giải phóng mặt bằng.

Ngay sau đó, đích thân chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cũng đã “triệu tập” các bên liên quan đến dự án nuôi cá rô phi sớm giải quyết và tìm biện pháp xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Ngọc Tuấn

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến