Dự án số 6 Phạm Hùng của FLC: Người mua tham khảo rồi ... mất hút
21/08/2014 11:09:29
Sau khi "ẵm trọn" khu đất 36 Phạm Hùng, FLC Group không ngừng phô diễn "sức mạnh" bằng hàng loạt kế hoạch đầu tư quy mô trải dài từ miền Trung ra Hà Nội. Tăng vốn bằng nhiều hình thức, DN ngầm chứng minh quyết tâm đưa dự án ở 36 Phạm Hùng cán đích (dù chưa khởi động). Đầu cơ, môi giới "khoái" điều này, nhưng khách hàng cần nhà thì còn phải nghĩ.

198 tỷ đồng bỏ ra để làm chủ và "đặt gạch" dự án FLC Complex tại vị trí đắc địa cửa ngõ phía Tây Thủ đô, tới lúc này chỉ là con số lẻ so với những gì mà DN do Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đang thể hiện với đồng nghiệp cũng như nhà quản lý.
 
Năm trước, FLC từng được vinh danh là DN nộp thuế tiền tỷ cho Nhà nước, bất chấp rất nhiều khó khăn của thị trường địa ốc (một trong những hoạt động chính yếu của Tập đoàn).

Bất chấp cả những đồn đoán về nguy cơ "phơi xác" tại FLC LandMark Tower (đường Lê Đức Thọ) trong năm 2012 sau nỗ lực bán tháo, đấu giá, hay có dấu hiệu "chèn ép" khách mua của DN, FLC "trưng" ra bản tổng kết tài chính với con số lãi sau thuế đáng mơ ước năm 2012.
 
Những cánh tay nối dài
 
2 năm trước, sự thành công của FLC được giới thạo nghề chứng khoán, địa ốc cho rằng đến từ thương vụ sáp nhập FLC Land với Công ty CP Tập đoàn FLC vào tháng 6/2012. Báo cáo tài chính 2012 của FLC công khai: Tập đoàn FLC sau sáp nhập ước hạch toán 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế từ Dự án FLC Landmark Tower, giúp tỷ lệ thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2012 ước bằng 253% so với năm 2011. Dư nợ ngân hàng hiện tại của Tập đoàn FLC gần như không có, ngay cả sau sáp nhập, vay nợ ngân hàng của cả Tập đoàn cũng sẽ vào 200 tỷ đồng…
 
Đến thời điểm tháng 8/2014, cổ phiếu FLC cũng "nóng rừng rực" sau khi FLC trình ra kế hoạch tăng vốn, phát hành thêm; bất chấp những lo lắng về hiện tượng khối lượng lệnh hủy mua hủy bán khủng khiếp từ đầu năm nay.
 
Điều này, theo dân thạo "chứng", hoàn toàn nằm ở "bộ não" Trịnh Văn Quyết đã quá dày kinh nghiệm trận mạc trên sàn (nguyên Chủ tịch Công ty Chứng khoán Artex từ năm 2010, top 50 người giàu nhất TTCK tháng 4/2013).
 
Tìm tới sân chơi BĐS chưa đầy 5 năm, FLC đã kịp có trong tay đủ loại mặt hàng: từ sân golf, tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái hồ Cẩm Quỳ (trị giá 3.642 tỷ đồng, đầu tư dự án nhà máy bao bì carton, tổ hợp FLC Landmark Tower…
 
Trong số này, hiện chỉ có dự án căn hộ - mặt bằng cho thuê tại đường Lê Đức Thọ cán đích, phần còn lại vẫn đang chưa rõ số phận vì nguồn vốn bị điều chỉnh rót cho KĐT mới Nam thành phố Thanh Hóa (sau đợt niêm yết thêm cổ phiếu và tăng vốn điều lệ tới 1.543 tỷ đồng vào tháng 4).

 

"Thượng đế" vẫn nhớ bài học FLC Landmark Tower 

Sau Hà Nội, FLC đang vươn tới Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Thanh Hóa với danh mục đầu tư dài lê thê, kèm theo giá trị dự án khiêm tốn nhất cũng đạt 1.600 tỷ đồng (Các dự án đầu tư hạ tầng KCN như Hòn La II Quảng Bình).
 
Nổi tiếng là khôn ngoan và không để bất cứ rủi ro pháp lý nào trong hoạt động (tiền thân, nhân sự của FLC đến từ Công ty Luật SMIC), nhưng FLC đã gặp tai tiếng do khai thác cát sai quy định của tỉnh Thanh Hóa liên quan tới dự án khu phức hợp sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links ngay sau khi tưng bừng khởi công chưa đầy 1 tháng.
 
Ám ảnh FLC Landmark
 
Tạm gác qua các kế hoạch "khủng" mà FLC đang theo đuổi, chăm bẵm ở những địa bàn mở rộng, Hà Nội, hay cụ thể hơn là phía Tây, FLC Complex mới là mối quan tâm của dân đầu tư, trung gian môi giới lẫn người cần nhà lúc này.
 
Thông tin cơ bản về dự án căn hộ ngự tại 36 Phạm Hùng đều rất tích cực: từ vị trí, tiện ích xã hội, hạ tầng khớp nối tốt cho tới tiến độ được DN cam kết và nhất là giá bán chỉ xoay quanh tầm 23 triệu đồng/m2 đã gồm VAT và nội thất.
 
Thậm chí, lãnh đạo FLC còn "thuyết phục" thị trường bằng tuyên bố sẵn sàng mua lại căn hộ nếu khách giao dịch bị thiệt. Ngay lập tức, các trang chuyên đăng tin môi giới, bán hàng địa ốc đã được phủ kín đủ lời mời chào căn hộ dự án với mức giá đúng với FLC tiết lộ và kèm theo chú thích "Chênh thương lượng".
 
Theo một số đại diện sàn giao dịch, thời điểm FLC mua đứt khu đất và rậm rịch công bố dự án, nhiều NĐT đã ngỏ lời đặt suất mua với mức giá lên đến 28 triệu đồng/m2 căn rộng. Trong khi với khung giá 23 triệu đồng/m2, căn hộ khoảng 65 - 70m2 có giá trên 1 tỷ đồng và căn lớn nhất trên 2 tỷ đồng.
 
Tới gần cuối tháng 8, lượng đơn hàng đặt mua - bán lại suất ngoại giao trên thị trường "chợ đen" gia tăng đáng kể, sau tuyên bố hùng hồn của lãnh đạo FLC: "Dự án sẽ được xây dựng trong vòng 2 - 2,5 năm. Đây là dự án trọng điểm của chúng tôi, vì vậy chúng tôi sẽ dồn lực tối đa để dự án đảm bảo đúng tiến độ, thậm chí về trước tiến độ giống như FLC Lanmark từng đạt được".
 
Tuy nhiên, tỷ trọng người mua thực trong lượng giao dịch sản phẩm kể trên lại không đáng kể. Tìm hiểu qua chợ BĐS Trung Hòa - Nhân Chính, môi giới cho biết phần lớn thương vụ đều do các NĐT "đã nhẵn mặt" trong giới. Còn người mua để ở (chưa hoặc không có mục đích sang nhượng trong tương lai gần), thì chỉ lác đác một vài cá nhân tham khảo rồi… mất hút.
 
Nguyên nhân: giá dù chấp nhận được so với mặt bằng hiện tại, vị trí, hạ tầng đều tốt, chủ đầu tư tỏ ra "không thiếu tiền" và quyết tâm, nhưng người mua vẫn truyền tai nhau "vết xe đổ" FLC Landmark Tower cách đây 2 năm.
 
Khi ấy, FLC rơi vào khủng hoảng bán tháo để cắt lỗ, thu hồi vốn. Cao trào tới mức, nhiều khách hàng tố bị FLC "bắt chẹt", dọa thanh lý nhà dù họ chưa dọn vào ở.
DN trần tình: đã hoàn công trước tiến độ, kêu gọi thông báo người mua đến nhận nhà nhưng khách không "chịu" dọn về. Thượng đế lại phản pháo: vì thiếu tiền nên làm đơn xin khất nợ chủ đầu tư giãn đóng tiền; đồng thời ngay cả khi dọn về, chủ nhân phải khổ sở đập đi sửa lại.
 
Sự thực, DN đã bàn giao theo kiểu thang máy đang trong quá trình "thử nghiệm" và dọn về ở, đồng nghĩa chủ nhân sẽ phải an cư trong đại công trường thu nhỏ vì nhà nhà, người người đập nội thất, cơ cấu lại căn hộ?!
 
Đông Hưng – tinnhanhchungkhoan.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến